Lính Trung Quốc đập đài quan sát của Ấn Độ
Sau vụ xâm nhập vào khu vực biên giới do Ấn Độ kiểm soát và dựng trại ở đó trong suốt 21 ngày, binh lính Trung Quốc tiếp tục xông vào khu vực Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Chumar và đập phá các đài quan sát cũng như hệ thống máy quay của Ấn Độ.
Binh lính Trung Quốc đã xâm nhập vào khu vực Chuma ở Ladakh – nơi chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài từ tháng 4 sang tháng 5 giữa binh lính hai nước Trung-Ấn. Lính Trung Quốc đã đập phá một số pháo đài quan sát đồng thời cắt đây điện của những máy quay được đặt tại chốt biên phòng. Nguồn tin chính thức từ New Delhi hôm qua cho biết, vụ xâm nhập trên xảy ra vào ngày 17/6.
Chumar vốn là một khu vực gây khó chịu cho binh lính Trung Quốc bởi đây là nơi duy nhất ở vùng biên giới mà Trung Quốc không thể tiếp cận trực tiếp được với Đường Kiểm soát Thực tế (LAC).
Vụ binh lính Trung Quốc xâm nhập vào khu vực Daulat Beg Oldi (DBO) do Ấn Độ kiểm soát, dựng trại lên ở đó và có cuộc đối đầu nguy hiểm với quân đội Ấn Độ trong suốt 21 ngày hồi cuối tháng 4 và đầu tháng 5 được châm ngòi từ sự kiện New Delhi xây dựng một tháp quan sát ở khu vực Chumar.
Biên giới Trung Quốc - Ấn Độ luôn ở trong tình trạng nóng bỏng. |
Trong cuộc họp diễn ra vào tuần cuối cùng của tháng Ba, phía Trung Quốc đã phản đối quyết liệt việc xây dựng tháp quan sát dọc LAC ở Chumar của phía Ấn Độ. New Delhi sau đó đã buộc phải dỡ bỏ tháp quan sát của mình trước khi cuộc đối đầu ở biên giới giữa binh lính hai nước được giải tỏa. Tuy nhiêu, sau khi dỡ bỏ tháp quan sát và các boongker phòng thủ, quân đội Ấn Độ đã cho lắp đặt một loạt hệ thống máy quay để theo dõi các hoạt động của binh lính Trung Quốc ở đường LAC. Động thái này của New Delhi khiến quân đội Trung Quốc nổi giận.
Kết quả là, vào ngày 17/6, một loạt binh lính Trung Quốc táo tợn xông vào khu vực Chumar và trắng trợn đập phá các đài quan sát cũng như hệ thống máy quay của phía Ấn Độ.
Theo một nguồn tin từ quân đội Ấn Độ ở thủ đô New Delhi cho biết, các binh lính của Trung Quốc đã lấy đi một máy quay mà phía Ấn Độ đặt trên một ngọn đồi. Quân đội Ấn đã gửi văn bản phản đối đến giới chức chỉ huy quân đội Trung Quốc ở địa phương. Một cuộc họp được tổ chức sau đó và chiếc máy quay chỉ vừa mới được trả lại hôm 3/7 vừa qua.
Vụ việc trên diễn ra bất chấp tất cả những “thiện chí và không khí tốt đẹp” mà hai nước Trung-Ấn tạo ra trong chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đến New Delhi và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A K Antony đến Bắc Kinh.
Tại sao Trung Quốc luôn trêu ngươi Ấn Độ ở Chumar?
Việc Trung Quốc xâm nhập vào khu vực đường biên giới tranh chấp với Ấn Độ diễn ra rất thường xuyên. Trong 3 năm qua, Ấn Độ đã thống kê được hơn 600 vụ xâm nhập của quân lính Trung Quốc vào Đường Ranh giới Thực tế - LAC kéo dài từ Arunachal Pradesh đế Ladakh. Điều đặc biệt là khu vực Chuma luôn được Trung Quốc chú ý nhất. Vì sao Trung Quốc lại thường xuyên quấy nhiễu Ấn Độ ở Chuma?
Không giống như đa số các khu vực khác nằm dọc Đường Kiểm soát Thực tế kéo dài 4.000km giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Chuma là một khu vực mà Trung Quốc không có lợi thế trong việc tiếp cận. Nguyên nhân là do thiếu cơ sở hạ tầng và địa hình gây cản trở. Từ Demchok ở phía bắc đến Chumar ở phía nam, việc đi lại trong khu vực này không khó với binh lính Ấn Độ. Tuy nhiên, với binh lính Trung Quốc lại hoàn toàn khác.
Một sĩ quan nắm rõ tình hình thực địa cho biết, “toàn bộ khu vực, trên cả hai phía biên giới đều là đồng bằng, giống với vùng Aksai Chin gần đó. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng tôi có khả năng tiếp cận tốt hơn, kết nối tốt hơn và ra vào Chumar dễ hơn phía Trung Quốc”. Và đây có lẽ là lý do khiến quân đội Trung Quốc cảm thấy lo ngại. Các chuyên gia tin rằng, Bắc Kinh rất sợ viễn cảnh một cuộc tấn công từ phía Ấn Độ vào lãnh thổ của họ sẽ được phát động từ chính khu vực Chumar. Chính vì vậy, binh lính Trung Quốc thường xuyên thâm nhập sâu vào Chumar và phản đối gay gắt việc Ấn Độ xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây.
Trung tướng DB Shekatkar ở khu vực biên giới cho biết: "Sự thực là chúng tôi có lợi thế ở khu vực Chumar. Tôi tin, Trung Quốc đang chơi trò quấy rối chúng tôi ở đây để thể hiện rằng lợi thế mà chúng tôi đang có chẳng có mấy ý nghĩa gì. Họ cũng đang áp dụng thêm nhiều biện pháp để chứng minh điều đó”.
Theo VnMedia