Tôi là thượng sĩ Nguyễn Anh Tuấn, học viên Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng). Tổ tôi còn 2 đồng chí là Mai Thị Diệu và Nguyễn Công Tiến cùng thuộc đoàn 1.096 cán bộ, học viên vào làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Chúng tôi được phân công về xã Đông Thạnh (Hóc Môn) thực hiện nhiệm vụ. |
Tại đây, chúng tôi phụ trách lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine, chăm sóc sức khỏe ban đầu các F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đang cách ly, điều trị tại nhà; phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện nhiệm vụ khác khi được giao. |
Tình trạng thiếu thốn nhân lực của xã có 82.000 dân này khiến chúng tôi phải vào việc ngay lập tức. Từ sáng, tôi và Tiến phụ trách khám sàng lọc cho người dân trước khi tiêm vaccine Covid-19. |
Còn Diệu phụ trách tiêm. Đây là công việc Diệu đã được tập huấn kỹ trước khi đi chi viện. “Ban đầu khi hay tin sẽ vào TP.HCM, gia đình mình khá lo lắng nhưng với vốn kiến thức, kinh nghiệm đã được trang bị trong suốt quá trình học tập mình cảm thấy tự tin hơn”, Diệu chia sẻ. |
Đến 18h, sau khi kết thúc buổi tiêm, chúng tôi về lại UBND xã để dùng cơm tối. Đây cũng là khoảng thời gian hiếm hoi trong ngày chúng tôi có thể thoải mái cởi khẩu trang và bỏ bộ đồ bảo hộ trên người. |
Tại nơi đóng quân ở địa phương, tôi và Tiến trải chiếc chiếu mang theo và ngủ tạm trên nền nhà, nhường cho Diệu chiếc giường gấp duy nhất. |
Sau một ngày đẫm mồ hôi, mọi người định ngả lưng thì Tiến nhận được thông tin một sản phụ tại ấp 5 đang hoảng sợ vì biết mình mắc Covid-19. Chị mới sinh con được 10 ngày. Dù bệnh xá lưu động mai mới thành lập, cả ba chúng tôi quyết định đến thăm khám cho họ. |
Chiếc túi y tá dành cho lính cứu thương lần đầu tiên có dịp dùng đến. Bên trong là bộ huyết áp kế, ống nghe, nhiệt kế hồng ngoại, máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) và túi thuốc điều trị Covid-19 tại nhà. |
Sau khi kiểm tra lần cuối trang thiết bị cần dùng để thăm khám F0, chúng tôi khẩn trương lên xe để đến nhà bệnh nhân. |
Xe đưa chúng tôi qua con đường liên xã đang làm dở, nham nhở ổ gà đọng nước mưa. Cùng là TP.HCM nhưng trải nghiệm ở xã ngoại thành này rất khác so với ở trung tâm thành phố. |
Do địa điểm cần đến nằm bên trong chốt "vùng xanh", chúng tôi phải xuống xe đi bộ thêm một quãng mới có thể đến được nhà của bệnh nhân này. |
Người dân trong hẻm thấy cán bộ y tế thì mừng lắm. Họ tận tình chỉ đường cho chúng tôi đến tận nhà hộ dân mắc Covid-19. |
Nơi chúng tôi đến là một gia đình 3 thế hệ. Cặp vợ chồng trẻ mắc Covid-19 tự cách ly ở trên lầu, bố mẹ chồng ở tầng trệt. Điều người vợ lo lắng nhất là bé gái mới sinh được 10 ngày, không biết có mắc Covid-19 hay không. |
Dù đã mặc đồ bảo hộ, chúng tôi không vội bước vào nhà. Mọi người trao đổi trước với bệnh nhân qua điện thoại để biết tình trạng bệnh. Người vợ nói đã thử đo SpO2 bằng ứng dụng điện thoại, nhưng chúng tôi biết phương pháp đo này có thể không chính xác. |
Sau khi hội ý với Diệu và Tiến, tôi quyết định bước lên lầu để đo SpO2 cho 2 vợ chồng. Họ cách ly trong một căn phòng chỉ hơn 10 m2. Người vợ đang sốt. |
Tôi tiến hành đo SpO2 và huyết áp cho bệnh nhân. Chỉ số SpO2 của cả 2 vợ chồng đều đạt 98%. Đây là một tín hiệu tốt, cần được duy trì trong thời gian điều trị bệnh Covid-19. |
Dù chưa có triệu chứng nặng nhưng người vợ đang gặp vấn đề về tâm lý. Việc liên hệ với tổ trưởng, ấp trưởng không được khiến chị càng lo lắng. |
Sau khi cấp phát thuốc, nhóm chúng tôi nán lại một lúc để động viên gia đình. Quan trọng nhất là tinh thần của người vợ, vì nếu lo lắng quá có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh. Trước khi đi, chúng tôi hướng dẫn người mẹ cách đếm nhịp thở của bé để biết các dấu hiệu sức khỏe. Chị đã yên tâm hơn khi tính được nhịp thở của con là khoảng 47 lần/phút, trong ngưỡng bình thường. |
Kết thúc công việc thăm khám bệnh nhân, chúng tôi hỗ trợ nhau cởi đồ bảo hộ và xịt khử khuẩn rồi rời khỏi khu dân cư. |
Gần 21h, chúng tôi nhanh chóng dọn dẹp để về trạm y tế nghỉ ngơi sau một ngày dài. Tại một xã 82.000 dân nhưng chỉ có gần 20 nhân viên y tế, tôi cùng Diệu và Tiến xác định nhiệm vụ những ngày tới sẽ còn nhiều vất vả. |
Bình luận