Hai tác phẩm đã vẽ nên một Đông Nam Á với những gam màu trầm, khắc khoải và nhiều chiều sâu. Dù mỗi câu chuyện đều có chung đề tài về tình yêu, nhưng cách tiếp cận vấn đề, xây dựng bối cảnh, những cuộc gặp gỡ, cũng như cảm xúc của các nhân vật – đều mang nét riêng, không lẫn vào chính mình và không lẫn với văn phong của tác giả khác.
Ở Không khóc ở Kuala Lumpur, câu chuyện rất đỗi gần gũi về trường lớp và chuyện du học xoay quanh ba nhân vật chính: Việt An, Hiên Lam, Chu Minh. Việt An – một cô gái thông minh và nhạy cảm, luôn tự ý thức được về nhan sắc của mình. Hiên Lam – luôn mang vẻ bất cần, từng trải vì những nỗi đau ám ảnh trong quá khứ. Và chàng trai Chu Minh – tốt bụng, trong sáng và yêu cuồng nhiệt.
Họ gặp nhau tại trường đại học, cùng trải qua biết bao chuyện vui buồn thời sinh viên, để có cơ hội được ở bên và chia sẻ với nhau trong cuộc sống, cho đến khi cả ba cùng được học bổng du học nước ngoài. Và kể từ đây, mọi thứ bắt đầu sang trang mới, với những sóng gió và thăng trầm hơn.
Không khóc ở Kuala Lumpur có màu đỏ rực rỡ của tình yêu cháy bỏng, màu xanh mướt mải của tuổi thanh xuân căng tràn nhựa sống, màu tím dịu dàng của tình bạn và lòng khoan dung, cuối cùng và cũng nổi bật nhất là sắc nâu trầm buồn của những đớn đau. Kuala Lumpur - thành phố rực rỡ phù hoa đã ghi dấu những ước mơ, hoài bão, tình yêu của nhóm bạn trẻ. Ở vùng đất ấy, khi tiếng quạ đã trở nên thân thuộc với mỗi con người như từng hơi thở, những nỗi đau tựa hồ đã thành hình thành tiếng qua từng trang truyện.
Hai cuốn sách của nhà văn trẻ Linh Lê. |
Còn đối với Mùa mưa ở Singapore, mặc dầu khởi đầu với những chiếc đèn lồng đỏ được thắp lên sáng bừng cả khu phố Chinatown, nhưng câu chuyện cũng không ngăn được những cơn mưa ướt mềm, lạnh ngắt mà nó mang đến về sau.
Cuốn sách xoay quanh mối tình của cô họa sĩ đường phố mang hai dòng máu Việt - Singapore gốc Trung tên Minh Tuyên và một du học sinh người Việt tên Kỳ Phong. Minh Tuyên với nguồn gốc xuất thân khá phức tạp: Mẹ cô là người Việt vượt biên, bị lừa bán vào một nhà chứa và gặp cha cô tại đây. Minh Tuyên đã từng yêu rất chân thành, nhưng vì hoàn cảnh, số phận và những câu chuyện kể rất đỗi thực, mà Di – người yêu đầu của cô cảm thấy quá khó để tiếp nhận và cứ thể quay bước ra đi.
Ngược lại với Di, Kỳ Phong – anh chàng Việt Nam, dù chưa ở bên Minh Tuyên bao lâu, nhưng lại có ước muốn mãnh liệt được chở che cho Minh Tuyên và muốn lấy cô làm vợ. Nhưng tình yêu của họ gặp phải sự ngáng trở từ An Nhiên - một cô bạn “thanh mai trúc mã” với Kỳ Phong từ thuở nhỏ, người cứ đinh ninh sau này sẽ chỉ mình trở thành vợ của anh. Cộng thêm sự hậu thuẫn từ gia đình Kỳ Phong, An Nhiên đã “ngầm lôi kéo” được Kỳ Phong trở về Việt Nam.
Cho đến tận cuối trang sách, người đọc cũng như trở thành một Minh Tuyên thứ hai khi tự vẽ ra được bức tranh của riêng mình. Đó có thể mang gam tối, sắc trầm, nhưng cũng có thể tươi sáng, hy vọng… Dù với sắc màu nào đi chăng nữa, nỗi ám ảnh và bâng khuâng về những tình yêu, mối quan hệ, nỗi day dứt, tương lai cứ thấm dần và ở mãi trong lòng, đúng như một cơn mưa.
Nhà văn Linh Lê có lẽ đã sớm không muốn tin vào những câu chuyện cổ tích màu hồng. Tình yêu trong hai câu chuyện của chị gây ám ảnh và khắc khoải trong lòng người đọc, bằng những gì thực tế nhất của cuộc sống. Dù vẽ Đông Nam Á với đầy những gam màu trầm, nhưng thông điệp mà Linh Lê chuyển tải lại không bi lụy. Ngược lại, nó khiến độc giả biết trân trọng tình yêu của mình hơn, nhận ra rằng mình cần được yêu thương, và không ngừng nuôi dưỡng niềm tin vào cuộc đời.