Bắn tỉa là một trong những lĩnh vực khó khăn trong tác chiến bộ binh. Yêu cầu về kỹ năng đối với lính bắn tỉa là rất cao. Họ phải có khả năng thực hiện những phát bắn rất khó và tưởng chừng như là không thể. Họ phải có khả năng đẩy năng lực của bản thân và vũ khí vượt khỏi giới hạn tiêu chuẩn.
Hunter Bernius, cựu trinh sát bắn tỉa thủy quân lục chiến Mỹ, người đang điều hành một khóa đào tạo bắn tỉa trong môi trường đô thị đã giải thích cho Business Insider về kỹ thuật bắn khó nhất, đó là bắn trúng mục tiêu ở cự ly 2.300 m với súng trường bắn tỉa cỡ nòng 12,7 mm.
Bậc thầy ngụy trang và thiện xạ
Kỷ lục bắn tỉa xa nhất thế giới được thực hiện bởi một lính bắn tỉa Canada, khi anh ta hạ một tay súng IS ở cự ly 3.540 m vào năm 2017. Kỷ lục trước đó thuộc về Craig Harrison, lính bắn tỉa của Anh đã hạ tay súng Tabilan ở cự ly 2.485 m vào năm 2009.
Lính bắn tỉa được huấn luyện để trinh sát hoạt động hành quân, thường là ở vị sát rất gần với doanh trại của đối phương. Họ có thể được lệnh hạ gục thủ lĩnh, hay tiêu diệt lực lượng của kẻ thù. Nhiệm vụ của họ là cực kỳ nguy hiểm đòi hỏi họ phải là bậc thầy về ngụy trang và kỹ năng thiện xạ.
Lính bắn tỉa là những bậc thầy về ngụy trang và thiện xạ. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ. |
Cự ly 2.300 m có thể không phải là kỷ lục nhưng vẫn là phát bắn cực kỳ khó. Lính bắn tỉa Mỹ thường tác chiến trong phạm vi từ 600-1.200 m. Ở cự ly xa hơn, lính bắn tỉa thủy quân lục chiến phải đẩy vũ khí của họ vượt qua ngoài giới hạn của nó.
Súng trường bắn tỉa M107 cỡ nòng 12,7 mm có thể bắn chính xác ở cự ly 2.000 m.
“Bắn trên mặt đất có thể rất dễ dàng, đặc biệt là khi bạn bắn trong cự ly từ 600-1.000 m. Nhưng khi bạn mở rộng tầm bắn đến mức cực xa, vượt quá khả năng của vũ khí, bạn phải xem xét rất nhiều yếu tố”, Bernius nói.
Kỹ năng toán học
Ở tầm bắn trên 2.000 m, một lính bắn tỉa phải phụ thuộc rất nhiều vào khả năng toán học hơn là kỹ năng bắn súng. Ông Bernius cho biết thêm để bắn trúng mục tiêu ở cự ly trên 2.000 m, xạ thủ cần từ 20-25 phút để lập kế hoạch.
Để bắn trúng mục tiêu ở cự ly trên 2.000 m, xạ thủ phải là người rất giỏi về toán học ngoài kỹ năng thiện xạ. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ. |
Đối với cự ly 2.300 m, viên đạn mất khoảng 6-8 giây để tiếp cận mục tiêu, trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, rất nhiều yếu tố sẽ tác động đến đường bay của viên đạn.
“Bạn có rất nhiều yếu tố phải cân nhắc như vòng quay của Trái Đất, hướng bắn, tốc độ gió, sơ tốc đầu nòng của viên đạn. Hướng và vòng quay của Trái Đất là những cân nhắc mà hầu hết mọi người không để ý”, Bernius nói.
Hướng bắn sẽ ảnh hưởng đến cách Mặt trời chiếu vào mục tiêu và có thể làm biến dạng hình ảnh bên trong kính ngắm. Vòng quay của Trái Đất cũng ảnh hưởng đến đường bay của viên đạn, xạ thủ có thể bắn cao hoặc thấp hơn so với mục tiêu tùy vào vị trí của họ.
Những cân nhắc khác bao gồm độ ẩm, nhiệt độ, thời gian trong ngày. Việc tính toán kỹ lưỡng các yếu tố trên là vấn đề quyết định trong việc bắn trúng mục tiêu ở cự ly trên 2.000 m.
“Tôi đã bắn trúng mục tiêu, nhưng điều đó với tôi có lẽ là phát bắn khó khăn nhất về mặt kỹ thuật”, Bernius nói.