Ngày 15/12, chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS, Mỹ) dựa trên phân tích ảnh vệ tinh đã khẳng định Trung Quốc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại 7 đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ba trong số các đảo nhân tạo của Trung Quốc có diện tích tương đương với các căn cứ không quân. Những cơ sở ở đây có thể chứa một đội quân 17 nghìn người. Một cảng biển rộng hơn Trân Châu Cảng đã xuất hiện tại Đá Xu Bi. Gần đó, đá Vành Khăn giờ có chu vi gần bằng thủ đô Washington của Mỹ.
Ảnh vệ tinh cho thấy các vị trí của súng phòng không ở trên điểm đảo nhân tạo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Ảnh: CSIS/AMTI. |
Ý đồ của Trung Quốc khi triển khai vũ khí trái phép
Theo các hình ảnh của AMTI, Bắc Kinh đã lắp đặt hệ thống phòng không gồm radar và súng chống tên lửa trên Biển Đông.
Trao đổi với Zing.vn, giáo sư Zachary Abuza (Học viện Chiến tranh Mỹ) cho biết lý do đầu tiên của Trung Quốc là muốn ngăn cản chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ.
Vài năm trước, khi Trung Quốc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, cộng đồng quốc tế đã một mực phản đối và không công nhận. Với Biển Đông, Bắc Kinh có một bước đầy toan tính hơn, đó là lắp đặt các thiết bị, vũ khí quân sự nhằm buộc Washington phải suy nghĩ trước khi cho tàu tuần tra trong khu vực.
"Mỹ đã thực hiện FONOP nhưng chưa diễn ra ở trên không. Nếu Trung Quốc lại tuyên bố lập ADIZ thì chắc chắn Mỹ sẽ đáp trả. Do vậy, Trung Quốc đưa khí tài quân sự để buộc Mỹ phải suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi quyết định phản ứng hay điều máy bay", ông Abuza nói.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur hoạt động ở Biển Đông ngày 13/10. Ảnh: Navy.mil.
|
Giáo sư James Holmes (Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ) nói thêm: "Trung Quốc muốn kiểm soát từng giờ, từng ngày sự hiện diện trên Biển Đông, đồng thời gửi tín hiệu đến Mỹ, Nhật Bản và cả Ấn Độ rằng họ sẽ phải trả giá đắt nếu điều tàu qua Biển Đông trong giai đoạn xung đột".
Lý do thứ hai nằm ở chính ASEAN, khi sự phản đối yếu ớt không thể chống lại được “mọi sự đã rồi”, Trung Quốc sẽ từng bước thực hiện các kế hoạch của mình.
Phát ngôn viên của chính phủ Philippines bày tỏ “quan ngại sâu sắc” hôm 15/12 về kết luận của AMTI. Indonesia và Ấn Độ cũng đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật biển quốc tế.
Trước các hình ảnh mới được công bố, Trung Quốc bao biện rằng các vũ khí chỉ nhằm mục đích dân sự và đẩy lùi các mối đe dọa hướng tới nước này.
Trong một thông cáo của Bộ Quốc Phòng, Bắc Kinh cho biết sẽ tiếp tục triển khai việc lắp đặt vũ khí bất chấp cam kết không quân sự hóa trước đó của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Đối với các trang thiết bị quân sự cần thiết, chúng chỉ được dùng cho mục đích phòng thủ và tự vệ, và điều này là hoàn toàn hợp pháp. Ví dụ, có một kẻ tự mãn và ngang tàn đứng ngay ngoài cửa, sẽ ra sao nếu bạn không chuẩn bị vũ khí?”, bộ này nói.
Trump có để mặc Trung Quốc?
Những diễn biến gần đây ở biển Đông cho thấy ông Trump sẽ đối mặt không ít thử thách sau khi lên nắm quyền vào tháng 1 năm sau. Tin tức về hành động triển khai vũ khí của Trung Quốc trên biển Đông dường như sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ Mỹ - Trung.
Hiện vẫn chưa có bất cứ phản ứng chính thức nào từ ông Trump. Mới đây, ông Trump đã khiến Bắc Kinh phản ứng dữ dội vì điện đàm với bà Thái Anh Văn, trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên nói chuyện với một lãnh đạo Đài Loan từ năm 1979.
Khi viết trên Twitter tuần trước, Trump chỉ trích Trung Quốc vì chính sách kinh tế và các hoạt động trên Biển Đông của nước này. “Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống khổng lồ giữa Biển Đông, điều họ không nên làm”, tổng thống tân cử Mỹ nói.
Trump chỉ trích việc Trung Quốc xây các cơ sở quân sự trên Biển Đông. |
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã tập trung chỉ trích việc Trung Quốc gây ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ, phần nào cho thấy thương mại là mối quan tâm hàng đầu của tổng thống tân cử trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Nhưng những diễn biến gần đây có thể cho thấy biển Đông sẽ trở thành một đề tài nóng hổi trong quan hệ Mỹ - Trung. Tuy nhiên, chính sách của chính quyền ông Trump đối với Trung Quốc hiện vẫn là một dấu hỏi lớn.
Giáo sư James Holmes nhận định nhiều khả năng Washington sẽ vẫn tiếp tục hiện diện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. "Trump sẽ không bãi bỏ hoàn toàn những bảo đảm an ninh đối với các đồng minh châu Á và châu Âu. Ông ta sẽ không từ bỏ một hệ thống quốc tế để làm điều có lợi cho Trung Quốc, vì nó cũng sẽ làm suy giảm vị thế của Mỹ", ông cho biết.
"Bắc Kinh có thể cũng đã tính toán như vậy, nên họ đang củng cố vị thế ở Biển Đông trong những tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama", giáo sư Holmes nói với Zing.vn.
Theo giáo sư Abuza, Bắc Kinh không quá xem trọng phản ứng từ ASEAN mà sẽ quan tâm thăm dò động thái của chính quyền Trump. "Chúng ta đều chưa biết rõ chính sách của Trump với Trung Quốc. Ông ấy thực sự cần chiến lược rõ ràng chứ không chỉ là chỉ trích trên Twitter", ông nhấn mạnh.
Trong khi những chính sách của Trump vẫn chưa rõ ràng, một quan chức hải quân Mỹ tỏ rõ sự kiên quyết đối phó với Trung Quốc. Trong bài phát biểu ngày 14/12, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, khẳng định Mỹ sẽ có phản ứng và đáp trả nếu Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền sai trái trên biển Đông.
Đô đốc Harris đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc. Ảnh: US Navy. |
“Chúng tôi sẽ không cho phép ngăn chặn đơn phương các vùng biển chung, dù có bao nhiêu căn cứ được xây dựng trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông”, ông Harris khẳng định. Gần 2 năm trước, chính ông Harris cũng đã cảnh báo Trung Quốc đang xây dựng “Vạn lý Trường thành” trên biển Đông.
Giáo sư Zachary Abuza đồng ý với phát biểu trên. Ông hy vọng chính quyền ông Trump sẽ tăng số tàu tuần tra trên biển Đông bởi Trung Quốc không có bất cứ bằng chứng pháp lý nào cho các hoạt động đòi chủ quyền trong khu vực này.
Ông Trump đã khiến cả thế giới bất ngờ bằng cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan. Nhiều bất ngờ khác sẽ xuất hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.