Giám đốc tài chính một ngân hàng thương mại tư nhân tại Hà Nội vẫn nhớ khoảng 5-6 năm trước, thị trường trái phiếu trong nước tương đối khó khăn khi để huy động được nguồn vốn từ thị trường. Cơ quan quản lý Nhà nước lúc đó phải phát hành trái phiếu với kỳ hạn ngắn nhưng mức lãi suất rất cao.
Giữa năm 2014, lãi suất huy động của trái phiếu kỳ hạn 2 năm dao động trong khoảng 5,3-5,4%/năm; 3 năm trong khoảng 5,7-6,2%/năm; 5 năm trong khoảng 6,7-7%/năm và lãi trái phiếu kỳ hạn 10 năm khi đó lên tới gần 9%/năm.
“Thậm chí, đây mới là các chỉ tiêu trên thị trường sơ cấp. Tại thị trường thứ cấp, nhà đầu tư chủ yếu nhắm tới nhóm trái phiếu kỳ hạn ngắn 1-3 năm, chiếm gần 50% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Trong đó, kỳ hạn 1 năm chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 25%”, vị này chia sẻ.
5 năm qua, thị trường trái phiếu Chính phủ ghi nhận chuyển biến lớn theo xu hướng tăng kỳ hạn phát hành nhưng giảm mạnh lãi suất cho vay.
“Đến cuối 2020, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành mới bình quân lên tới gần 14 năm, lãi suất cũng giảm ở mức bình quân chưa tới 3%/năm. Nói để thấy so với 5-6 năm trước, thị trường trái phiếu đã thay đổi lớn như thế nào”, vị CFO nhà băng cho biết.
Những cải thiện trong chỉ tiêu huy động vốn qua kênh trái phiếu Chính phủ kể trên chỉ là một trong những thay đổi lớn của thị trường tài chính Việt Nam suốt 5 năm qua.
KỲ HẠN PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP BÌNH QUÂN | ||||||||
Nguồn: Bộ Tài chính | ||||||||
Nhãn | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | |
Kỳ hạn phát hành bình quân | Năm | 4.84 | 7.12 | 8.77 | 12.74 | 12.69 | 13.44 | 13.94 |
Lãi suất bình quân | %/năm | 6.54 | 6.07 | 6.49 | 5.98 | 4.71 | 4.51 | 2.86 |
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết giai đoạn 2013-2014, tình hình tài chính trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Thời điểm đó, Chính phủ phải phát hành trái phiếu với kỳ hạn chỉ 2-3 năm, lãi suất lên tới 11-12%/năm, có món phải phát hành với lãi suất 13%/năm.
Đến nay, Chính phủ có thể phát hành trái phiếu với kỳ hạn dài và lãi suất thấp gấp nhiều lần.
“Thị trường trong nước phát triển là kết quả của quá trình củng cố, cơ cấu tài chính suốt thời gian qua. Trong đó có đóng góp của cả các thành viên thị trường và thể chế quản lý”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhìn lại 5 năm kinh tế xã hội và kế hoạch tài chính ngân sách, ngành tài chính có thể hiên ngang ngẩng cao đầu là hoàn thành tất cả nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng
Báo cáo tổng kết năm 2020 cũng cho thấy Bộ Tài chính đã sử dụng rất tích cực công cụ phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc. Trong đó, vốn huy động mới chủ yếu là vốn trung và dài hạn do không phát hành trái phiếu dưới 5 năm và không vay thêm từ các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB....).
So với một thập niên trước, kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2020 đã dài gấp 3,5 lần, từ bình quân 3,9 năm (2011) lên khoảng 13,94 năm. Điều này giúp nâng kỳ hạn nợ bình quân danh mục trái phiếu Chính phủ cuối năm 2020 lên 8,42 năm, dài gấp gần 5 lần so với cuối năm 2011 (1,84 năm).
Lãi suất huy động bình quân cũng giữ xu hướng giảm mạnh những năm qua từ mức 12,01% bình quân năm 2011 xuống còn 2,86% năm 2020.
Ngoài ra, thông qua việc tái cơ cấu danh mục nợ, hoán đổi trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài, Bộ Tài chính đã kéo dài được kỳ hạn còn lại và giảm áp lực trả nợ, cắt đỉnh cho NSNN.
Đến cuối năm 2020, dư nợ công khoảng 55,8% GDP, nợ Chính phủ khoảng 49,6% GDP, trong phạm vi giới hạn cho phép.
Bài toán thu chi
Theo báo cáo tổng kết thu - chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính cho biết trong 5 năm qua, tổng số thu NSNN ước đạt 6,89 triệu tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra (100,4%). Đây là mức rất tích cực trong điều kiện thu NSNN năm 2020 khó khăn và tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so dự kiến (tăng 2,91% so với dự báo 6,8% năm 2020).
Trong số này, tỷ trọng thu nội địa chiếm khoảng 85,5%, tăng so với mức 68% bình quân của giai đoạn 2011-2015, và cao hơn kế hoạch đặt ra là 84-85%. Tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm từ 30% bình quân giai đoạn 2011-2015, xuống 14,2% năm 2020.
Ở chiều ngược lại, tổng chi NSNN giai đoạn này vào khoảng 7,66 triệu tỷ, tương đương 28% GDP bình quân, thấp hơn giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP.
Chịu tác động mạnh trong năm 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ tài chính 2016-2020 nhưng ngành tài chính vẫn hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách (100,4%). Ảnh: Hoàng Hà. |
Cơ cấu chi cũng ghi nhận thay đổi khi tỷ trọng chi đầu tư phát triển năm 2020 chiếm trên 29% tổng chi (mục tiêu là 25-26%), chi thường xuyên chiếm 63,1% chi ngân sách (mục tiêu là dưới 64%).
Như vậy, tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,6% GDP.
Đánh giá về hoạt động thu chi ngân sách nhiệm kỳ vừa qua, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng các kết quả đã được được trong công tác tài chính ngân sách cho thấy những cố gắng, nỗ lực rất lớn của ngành tài chính trong việc đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch của cả giai đoạn.
Đặc biệt, riêng năm 2020, thu cân đối NSNN đạt trên 1,5 triệu tỷ, bằng 98% dự toán, điều chỉnh bổ sung tăng gần 184.000 tỷ so với số báo cáo Quốc hội trước đó. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh năm 2020 cực kỳ khó khăn.
Chỉ số này cũng đồng nghĩa với thu ngân sách vẫn gần đảm bảo hoàn thành dự toán được giao, khi tăng trưởng kinh tế đã giảm gần một nửa.
CÂN ĐỐI THU - CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2016-2020 | ||||||
Nguồn: Bộ Tài chính | ||||||
Nhãn | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | |
Thu ngân sách | nghìn tỷ đồng | 1107.38 | 1283.2 | 1424.9 | 1539.4 | 1507.1 |
Chi ngân sách | 1295.06 | 1420.2 | 1616.4 | 1748.9 | 1781 |
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tổng hợp chung 5 năm qua, ngành tài chính cơ bản đã hoàn thành vượt mức hầu hết chỉ tiêu kế hoạch tài chính về cả tỷ lệ huy động vào ngân sách, tỷ trọng chi đầu tư phát triển, tỷ lệ bội chi và tỷ lệ nợ công. Điều này góp phần đảm bảo an ninh, an toàn tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao hệ số tín nhiệm của Việt Nam.
Ngay trong năm 2020, trong bối cảnh bị tác động của đại dịch Covid-19, trong khi hơn 90 quốc gia bị các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hạ bậc/xem xét hạ bậc hoặc điều chỉnh triển vọng, Việt Nam vẫn giữ vững được xếp hạng tín nhiệm.
Cụ thể, ngày 08/4/2020, Fitch đã quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia ở mức BB và điều chỉnh triển vọng từ tích cực sang ổn định. Tiếp đó, ngày 21/5/2020, S&P tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB, triển vọng ổn định...
“Sơ bộ nhìn lại 5 năm kinh tế xã hội và kế hoạch tài chính ngân sách, ngành tài chính có thể hiên ngang ngẩng cao đầu là hoàn thành tất cả nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Liều thuốc thử" trong năm cuối nhiệm kỳ
Trong cả giai đoạn 2016-2020, năm 2020 vừa qua ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực nhất với ngành tài chính.
Dù tăng trưởng kinh tế đã giảm gần 60% so với năm 2019 do chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn đánh giá kết quả tài chính năm vừa qua thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất cả giai đoạn 2016-2020.
Không bao giờ Bộ trưởng Tài chính để Thủ tướng khó khăn trong chuyện phải giảm các nguồn chi cần thiết hỗ trợ người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Trong đó, các số liệu về kinh tế được cải thiện trong năm vừa qua như năng suất lao động tăng 5,8%; giá trị xuất nhập khẩu đạt 543 tỷ USD với xuất siêu cao kỷ lục trên 19,1 tỷ USD (năm 2020) và đạt trên 43 tỷ USD trong cả nhiệm kỳ 5 năm qua.
Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng 5 lần, thu ngân sách vượt xa con số đã báo cáo Quốc hội và nợ công duy trì ở mức 55,8% GDP.
“Nợ công đầu nhiệm kỳ là trên 64,5% GDP mà đến nay còn 55,8%, đây là sự cố gắng rất lớn của ngành tài chính những năm qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá về năm 2020, Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết đây là năm rất đặc biệt khi vừa là năm cuối nhiệm kỳ nhưng cũng là năm nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là đại dịch Covid-19.
Năm 2020 cũng là năm có dự toán thu NSNN cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, dự toán thu được tính dựa trên nền tảng thực hiện cao của năm 2019 (thu ngân sách vượt hơn 9% dự toán) và tăng trưởng kinh tế dự kiến là 6,8%. Số này cộng với kế hoạch lạm phát kiểm soát ở mức 4%, tương đương con số 10,8% để tính tốc độ tăng thu ngân sách cho năm 2020.
Thủ tướng đánh giá năm 2020 là năm thành công nhất trong nhiệm kỳ 2016-2020 của ngành tài chính. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, thông qua các biện pháp tài khóa và các chính sách tiền tệ, Bộ Tài chính vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với thế giới và khu vực, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
Riêng năm 2020, thu NSNN cũng đạt cao hơn so với đánh giá báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10,11/2020), với tổng thu cân đối ước đạt 1,507 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán (giảm 31.900 tỷ). Tuy nhiên, số này tăng gần 184.000 tỷ so với số báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên vào ngân sách đạt khoảng 23,9% GDP, huy động từ thuế và phí đạt trên 19,1% GDP.
Trong số này, thu nội địa đạt xấp xỉ 100% dự toán; thu từ dầu thô đạt 98,3% dự toán (giảm 602 tỷ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 86,2% sau khi trừ hoàn thuế giá trị gia tăng (giảm 28.600 tỷ chủ yếu do giá dầu thấp hơn dự toán).
Theo phân cấp quản lý, thu ngân sách Trung ương năm vừa qua bằng khoảng 90% dự toán (giảm 89.000 tỷ) nhưng số thu ngân sách ở địa phương đã đạt 108,6%, vượt 56.800 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, tổng số chi ngân sách cả năm 2020 ước khoảng 1,781 triệu tỷ đồng. Số chi đã đáp ứng đầy đủ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Đáng chú ý, riêng số chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của dịch bệnh là trên 18.000 tỷ đồng.
CHỈ TIÊU NỢ CÔNG/GDP VÀ TĂNG TRƯỞNG GDP GIAI ĐOẠN 2016-2020 CỦA VIỆT NAM | ||||||
Nguồn: Bộ Tài chính | ||||||
Nhãn | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 (chịu tác động dịch Covid-19) | |
Tỷ lệ nợ công | %/GDP | 63.7 | 61.7 | 61 | 55 | 55.8 |
Tăng trưởng GDP | %/năm | 6.21 | 6.81 | 7.08 | 7.02 | 2.91 |
Cũng trong năm vừa qua, ngân sách Trung ương đã sử dụng gần 12.400 tỷ dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh.
Các địa phương sử dụng gần 8.200 tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để chi phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất.
Như vậy, tổng bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 248.500 tỷ đồng, vẫn duy trì dưới 4% GDP cả năm (dự toán 3,44% GDP), tăng 14.000 tỷ đồng so với dự toán và bằng 10,5% mức Quốc hội cho phép điều chỉnh (tăng tối đa 133.500 tỷ đồng chiếm 2,15% GDP).
Với các chỉ số trên, Thủ tướng đánh giá ngành tài chính đã thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính ngân sách trong bối cảnh khó khăn chung do đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chủ động, tham mưu ban hành nhiều chính sách ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công... Triển khai nhiều giải pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với tổng số giảm gần 124.000 tỷ đồng.
Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao các chính sách hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn của dịch bệnh và thiên tai. “Không bao giờ Bộ trưởng Tài chính để Thủ tướng khó khăn trong chuyện phải giảm các nguồn chi cần thiết hỗ trợ người dân”, ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá ngành tài chính đã thành công trong việc hoàn thiện thể chế tài chính; cơ cấu lại thu chi ngân sách, huy động vốn; cải cách hành chính xây dựng bộ máy tinh gọn; và tinh giảm biên chế nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả không bỏ sót nguồn thu…
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng ngành tài chính có thể hiên ngang ngẩng cao đầu là hoàn thành tất cả nhiệm vụ được giao trong giai đoạn tài chính ngân sách 5 năm 2016-2020. Ảnh: Hoàng Hà. |
Một điểm sáng trong hoạt động quản lý tài chính được Thủ tướng đánh giá cao là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển cao hơn nhiều so với năm trước.
Đến cuối năm 2020, chi đầu tư phát triển đã đạt 82,8% dự toán (cùng kỳ đạt 62,9%). Dự kiến đến thời điểm khóa sổ kế toán năm 2020 (ngày 31/1/2021) mức chi sẽ đạt 92-93% dự toán. Bên cạnh đó, đã thực hiện giải ngân vốn năm 2019 chuyển sang năm 2020 đạt khoảng 75% kế hoạch.
Với kết quả tài chính, ngân sách giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Tài chính cho rằng đây là tiền đề quan trọng để bước vào giai đoạn mới 2021-2025.
Trong đó, trước sự khó khăn của kinh tế 2020 thì dự toán 2021 cũng thận trọng hơn.
“Theo kinh nghiệm, suy thoái kinh tế đã rơi vào giai đoạn này rồi thì phải kéo dài vài năm nữa, nếu chưa thể khẳng định có vaccine Covid-19 toàn thế giới thì kinh tế chung vẫn còn khó khăn. Vì dù là thời đại công nghệ 4.0 nhưng vẫn phải có đi lại thì mới làm ăn, phát triển được chứ không thể ngồi mãi ở nhà mà làm việc được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, người đứng đầu ngành tài chính cho biết trong bối cảnh dự báo khó khăn chung gặp phải năm nay nhưng Quốc hội đã đồng ý với dự toán tăng bội chi thêm 109.000 tỷ đồng để tăng chi cho đầu tư phát triển 2021 cao hơn 2020.
Trong điều kiện tổng thu giảm nhưng bội chi để chi cho đầu tư phát triển năm 2021 cao hơn 2020 là điểm tích cực, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ngược lại, chi thường xuyên dự kiến sẽ phải cắt giảm tối thiểu vì xác định chi đầu tư phát triển sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế 2021, ước khoảng 6,5%.