Theo South China Morning Post, việc Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với Hong Kong sẽ mang lại lợi ích cho một số quốc gia châu Á, đặc biệt là Singapore. Tuy nhiên, trái ngược với Nhật Bản và Hàn Quốc đang tìm cách thu hút các công ty tài chính Hong Kong, Singapore hiện vẫn giữ im lặng trong vấn đề này.
Theo một nguồn tin, tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng Singapore vào tháng 4 đạt mức 27 tỷ USD, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, tiền gửi từ người không cư trú cũng tăng 44% lên 62 tỷ USD. Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) cho biết đây là mức cao nhất từ năm 1991.
Tuy nhiên, MAS nhấn mạnh rằng các nhà đầu tư đến từ những khu vực khác nhau, bao gồm cả Hong Kong nhưng không tập trung chủ yếu ở bất kỳ khu vực nào.
Antonio Fatas, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế toàn cầu INSEAD, nhận định: "Đây là một vấn đề tế nhị và tôi không thể tưởng tượng được nếu chính phủ một quốc gia châu Á thông báo công khai để lôi kéo các công ty vào nước mình".
Trung Quốc chưa công bố thông tin chi tiết về các tội danh trong luật an ninh quốc gia. Có những mối lo ngại rằng việc Bắc Kinh áp đặt luật pháp và kiểm soát tự do thông tin tại Hong Kong sẽ làm suy yếu vị thế trung tâm tài chính hàng đầu châu Á của đặc khu này.
Song Seng Wun, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng tư nhân CIMB, cho rằng chưa hẳn Singapore thích hợp trở thành trung tâm tài chính hàng đầu châu Á hơn Hong Kong nếu chỉ vì vấn đề luật an ninh quốc gia. Pháp luật Singapore vốn đã có những quy định "rất cứng rắn" để ngăn chặn tin tức giả mạo và sự can thiệp chính trị từ nước ngoài. "Singapore là một thiên đường siêu an toàn", ông Wun nhấn mạnh.
Hỏi nhưng không hành động
Từ lâu, Hong Kong và Singapore đã được đặt lên bàn cân so sánh giữa các trung tâm tài chính cạnh tranh.
Cả hai đều áp dụng mức thuế ưu đãi cho các công ty: Hong Kong là 16,5% và Singapore Singapore là 17%.
Năm 2018, tại Hong Kong, lĩnh vực dịch vụ tài chính chiếm 20% GDP, sử dụng khoảng 7% lực lượng lao động. Trong khi đó, các con số tại Singapore lần lượt là 13,9% GDP và 5% lực lượng lao động.
Hong Kong sở hữu thị trường vốn sôi động hơn với vốn hóa thị trường chứng khoán trong tháng 6 đạt mức 47 tỷ USD, gấp 7 lần mức 6,4 tỷ USD của Singapore. Hong Kong là thị trường đầu tư của nhiều công ty Trung Quốc, cũng như là địa điểm lý tưởng để các đại gia đại lục cất giấu tiền.
Theo báo cáo của Financial Times hồi tháng 6, có hơn 420 quỹ phòng hộ đặt trụ sở tại Hong Kong, quản lý tài sản trị giá gần 91 tỷ USD, nhiều hơn số tiền được quản lý tại Singapore, Nhật Bản và Australia cộng lại.
Dân số của Hong Kong là 7 triệu người, bao gồm khoảng 650.000 cư dân nước ngoài. Trong khi đó, Singapore có dân số 5,7 triệu người với gần 1,7 triệu người nước ngoài. Khoảng 400.000 người nước ngoài tại Singapore có việc làm với thu nhập mỗi tháng khoảng 1.700- 2.800 USD.
Mặc dù cuộc di dời từ Hong Kong sang Singapore chưa có dấu hiệu rõ ràng, các chủ ngân hàng và chuyên gia kinh tế cho biết đã nhận được các câu hỏi về vấn đề này. Nhiều nhà đầu tư tại Hong Kong hiện tìm cách chuyển tiền vào Singapore và các công ty đang nghiên cứu việc mở rộng hoặc chuyển địa điểm hoạt động.
Một chuyên gia cấp cao cho biết các ngân hàng đã bố trí nhân viên để nhận những khoản tiền chuyển từ Hong Kong. Tuy nhiên, Singapore không hy vọng các doanh nghiệp sẽ từ bỏ Hong Kong.
Cole Tavolato, giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại TMF Group, tiết lộ rằng tập đoàn đã nhận được nhiều yêu cầu từ các công ty để đánh giá khả năng rời Hong Kong tới Singapore. Tuy nhiên, hầu hết câu hỏi không được chuyển hóa thành hành động. "Hầu như không công ty nào có trụ sở hoặc văn phòng chính tại Hong Kong quyết định chọn di dời", ông Cole cho biết.
Hầu hết câu hỏi không được chuyển hóa thành hành động. Ảnh: Getty. |
Ian Loh, giám đốc thị trường vốn tại Knight Frank, chia sẻ rằng kể từ đầu tháng 1, ông đã nhận được khoảng 30% câu hỏi từ các nhà đầu tư có trụ sở tại Hong Kong. Các câu hỏi chủ yếu liên quan tới việc mua các tòa nhà, văn phòng và căn hộ thương mại ở Singapore.
Vài nhà đầu tư hoàn thành giao dịch và chuyển một số hoạt động kinh doanh sang Singapore. Tuy nhiên, hầu hết vẫn đang ở giai đoạn cân nhắc các lựa chọn và chưa sẵn sàng đưa ra quyết định, ông Ian cho biết thêm.
Otto Von Domingo, trưởng phòng thương mại Đông Nam Á tại Vistra Singapore cho biết công ty đã "đón nhận mạnh mẽ" câu hỏi từ các doanh nghiệp Hong Kong trong tháng 5, đặc biệt là các công ty quản lý quỹ.
"Ý định này nhằm mở rộng kinh doanh tại Singapore để bổ sung cho các hoạt động tại Hong Kong", ông Otto nhấn mạnh.
Ông Tavolato kết luận rằng, sức mạnh của Hong Kong trong tư cách là nguồn vốn tài chính và kinh doanh "mạnh hơn nhiều so với nhận định của nhiều người". Những "lợi thế đương nhiệm" của Hong Kong khiến các công ty không muốn chuyển trụ sở.
Fatas, giáo sư kinh tế tại INSEAD, nhận định quan hệ thân thiết của Hong Kong với Trung Quốc đại lục là một yếu tố chiến lược. Hong Kong là cửa ngõ vào đại lục cho cả các công ty trong và ngoài nước.
Dự đoán tương lai
Sự hấp dẫn của Singapore đã tăng lên đối với các doanh nghiệp chưa gắn bó lâu dài tại Hong Kong và một số cư dân nước ngoài của thành phố. Giới chuyên gia cho biết, những cuộc biểu tình khiến kinh tế bị gián đoạn và làm tổn hại đến danh tiếng của Hong Kong. Trong khi đó, Singapore có giá thuê nhà thấp hơn, đường phố an toàn hơn và các tiện nghi giải trí đang phát triển. Đây là những yếu tố lý tưởng các gia đình hướng đến.
David Kelly, giám đốc điều hành Phòng Thương mại Anh tại Singapore nhận định Singapore là điểm đến tốt để phát triển kinh doanh. "Quy trình thành lập doanh nghiệp ban đầu trơn tru, đặc biệt với sự hỗ trợ từ các công ty như Vistra, trong khi quy định và thông tin về thuế rõ ràng và sẵn sàng để chuyển đổi dễ dàng", ông Kelly cho biết.
Singapore là điểm đến tốt để phát triển kinh doanh. Ảnh: Getty. |
Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore được giao nhiệm vụ quảng bá đất nước như một trung tâm toàn cầu về kinh doanh, đổi mới và tài năng, đồng thời thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Singapore. Hướng dẫn đăng ký trực tuyến mở cửa hàng ở Singapore được đăng tải đầy đủ trên website của Ủy ban, cùng với các chương trình và ưu đãi khác nhau của chính phủ.
Tuy nhiên, nhân lực nước ngoài là một vấn đề gây tranh cãi tại Singapore. Thu hút quá nhiều lao động nước ngoài có thể khiến cơ hội việc làm trở nên khó khăn hơn và làm gia tăng thêm vấn đề về giao thông và nhà ở.
Chính phủ Singapore nhấn mạnh rằng quốc gia này có tỷ lệ sinh thấp và tỷ lệ tham gia lao động cao, nên Singapore cần các công ty nước ngoài đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp như an ninh mạng và trí tuệ nhân tạo.
Fatas cho biết Singapore luôn quan tâm đến các công ty thành lập trụ sở tại quốc gia mình. Những ưu đãi của chính phủ nước này không liên quan tới những gì đang xảy ra ở Hong Kong.
Ông Tavolato cho biết: "Về lâu dài, Singapore tiếp tục thu hút các doanh nghiệp, nhưng chúng tôi không thấy quốc gia này bị trói buộc trong quan hệ một mất một còn với Hong Kong. Singapore và Hong Kong đều là các trung tâm kinh doanh hấp dẫn. Khi Covid-19 kết thúc, và khi sự gián đoạn ở Hong Kong chấm dứt, chúng tôi hy vọng cả hai địa điểm sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ".