Với những quy định mới tại Nghị định 100/2019 về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người nào uống rượu, bia (dù uống ít) mà điều khiển xe máy, ôtô, thậm chí là xe đạp cũng bị xử phạt.
Bên cạnh đó, mức xử phạt của nghị định mới cao hơn nhiều so với nghị định cũ. Nhiều chuyên gia pháp lý bày tỏ quan điểm với Zing.vn xoay quanh những quy định mới trong Nghị định 100/2019.
Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Cần nghiêm khắc
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng quy định về mức xử phạt cao hơn Nghị định cũ là rất đáng hoan nghênh. Nhiều nước trên thế giới còn có những quy định nghiêm khắc hơn đối với những người sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.
Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng ở một số nước trên thế giới, tài xế lái ôtô vận tải hành khách chỉ cần bị phát hiện có sử dụng rượu bia, dù chưa gây tai nạn cũng có thể bị xử lý hình sự.
Trong ảnh là Đội CSGT số 6 Công an Hà Nội xử lý chuyên đề người điều khiển phương tiện vi phạm lỗi nồng độ cồn. Ảnh: Việt Hùng |
Như ở Trung Quốc có thể thu bằng tài xế lên đến 5 năm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, bỏ tù. Cũng chính vì quy định nghiêm khắc này mà có thời điểm ở Trung Quốc không xảy ra tai nạn do rượu, bia nào.
Do đó, luật sư Nam cho rằng quy định xử phạt trong lĩnh vực giao thông liên quan đến rượu, bia cần nghiêm khắc hơn nữa. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính thì cần quy định thêm trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, để luật đi vào thực tiễn thì cần có sự phối hợp của nhiều bộ phận, cơ quan. Những quán bán rượu, bia cũng cần được quản lý chặt chẽ, ví dụ phát hiện bán cho người dưới 19 tuổi thì bị tịch thu giấy phép kinh doanh. Có như vậy thì mới mong giảm thiểu được những tai nạn đáng tiếc do rượu, bia.
Răn đe nhưng có nghiêm thực hiện?
Tuy nhiên, theo luật sư Hưng, với Nghị định 100/2019, chuẩn mức nồng độ cồn trong máu và khí thở bị hạ xuống gần như thành nghiêm cấm tuyệt đối. Việc nếm thử một ly bia, ly rượu cũng bị phạt thì chưa phù hợp thói quen của người Việt.
Mặt khác, các nước khác trên thế giới đều xử phạt khi vi phạm ở một mức độ nồng độ cồn cho phép nào đó, chứ không cấm sử dụng rượu, bia tuyệt đối như ở nước ta. "Tôi lo ngại quy định mới này khó có tính khả thi trên thực tế", luật sư Hưng nói.
Trong khi đó, luật sư Cồ Lê Huy (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định mức phạt cao cũng là một biện pháp bình thường mang tính răn đe. Tuy nhiên, chuyên gia pháp lý băn khoăn liệu có tác dụng hoàn toàn.
Các chuyên gia lo ngại nếu áp dụng không nghiêm thì có thể dẫn tới tiêu cực. Ảnh: Việt Hùng. |
"Quan trọng nhất là ý thức của người tham gia giao thông. Lo lắng cho tính mạng của mình và người đi đường thì sẽ chọn giải pháp không điều khiển xe khi đã uống rượu, bia. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao cũng phải liêm chính, không thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp".
Bày tỏ quan điểm, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng cho rằng mức phạt theo Nghị định 100/2019 mang tính răn đe cao.
Nhưng vị luật sư cũng băn khoăn trong quá trình thực thi trên thực tế có nghiêm chỉnh hay không, có kiểm tra được tất cả các trường hợp hay không, kể cả người đi xe đạp đã uống rượu, bia.
Cần điều chỉnh thẩm quyền xử phạt
Bên cạnh quy định các mức xử phạt các lỗi trong tham gia giao thông đường bộ, đường sắt, Nghị định 100/2019 còn nêu ra thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm.
Cụ thể, chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 4 triệu đồng; chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tiền đến 20 triệu đồng; chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 40 triệu đồng.
Trưởng công an cấp huyện, trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục CSGT, trưởng phòng công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 8 triệu đồng.
Giám đốc công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 20 triệu đồng và Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có quyền phạt tiền đến 40 triệu đồng.
Như vậy, trưởng công an cấp huyện chỉ có thể xử phạt đối với vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp nhất. Từ mức thứ 2 trở đi hoặc phải chuyển cho chủ tịch UBND cấp huyện hoặc giám đốc công an cấp tỉnh.
Với thẩm quyền xử phạt như vậy thì về luật không sai nhưng công việc có lẽ cần điều chỉnh cho phù hợp.
"Giá trị đồng tiền thay đổi theo thời gian nhưng Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định quy định thẩm quyền với số tiền cụ thể, điều này dẫn đến tuổi thọ của các văn bản này không cao. Nó sẽ nhanh lỗi thời so với thực tế", luật sư Hoan nói và đề xuất nên chăng mức xử phạt cần theo mức lương cơ bản thì tính ổn định của các văn bản này sẽ cao hơn.