Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Liệu có cuộc chiến phá V.League 2020?

Nhiều đội bóng muốn ban tổ chức V.League 2020 hủy giải đấu vì dịch bệnh, nhưng liệu đó có phải là nguyên nhân chính dẫn đến đề xuất của các CLB?

v league anh 1

Chơi tiếp hay nghỉ? Câu hỏi được đặt ra suốt nhiều ngày qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Nhiều người cho rằng VPF đang quá chậm chạp, loay hoay, thiếu giải pháp lúc này. Ai cũng nghĩ một cách đơn giản là có 3 cách: đá tiếp, hủy giải, hoãn giải và cho rằng chỉ việc chọn một trong 3 cách mà lãnh đạo VPF cũng không làm được. Sự thực có hẳn là dễ dàng như thế?

V.League 2020 có bị hủy?

Giữa tình hình dịch bệnh căng thẳng, rõ ràng việc giải đấu thể thao có diễn ra hay không chắc chắn là bài toán khó. Nếu như rơi vào đúng thời kỳ giãn cách xã hội, tạm dừng mọi hoạt động vui chơi, giải trí, biểu diễn, trình diễn, thì bóng đá cũng phải dừng là nghiễm nhiên.

Khi đời sống xã hội vẫn vận động, dẫu là trong tư thế cảnh giác cao, bóng đá chắc chắn cũng chưa phải chịu nghĩa vụ phải dừng hẳn. Tuy nhiên, việc chơi tiếp như thế nào để vẫn đảm bảo trách nhiệm xã hội lại là chuyện khác, khi dịch bệnh ở mỗi địa phương lại có tình trạng không giống nhau.

Việc hủy giải thật ra là phương án nhàn nhất cho VPF, đúng theo kiểu phủi trách nhiệm. Cái cớ "tuân thủ nghiêm ngặt việc phòng chống dịch bệnh" đủ để chống đỡ bất kỳ công kích nào. Và hủy theo cách một số giải châu Âu đã làm, như giải VĐQG Hà Lan chẳng hạn, là cách hủy dễ nhất. Mùa giải V.League 2020 coi như không tồn tại, vì dịch bệnh gác lại hết, mùa sau đá lại từ đầu. Nếu quyết định như thế, có dư luận đi chăng nữa thì cũng chỉ dăm ba ngày, không đủ để VPF muối mặt.

Nếu hủy giải như thế đồng nghĩa với việc chỉ đáp ứng cái "nhàn" của lãnh đạo VPF. Bóng đá còn cầu thủ, HLV, trọng tài, bao nhiêu người liên quan. VPF chẳng thể nào chỉ vì cái nhàn của mình mà mặc kệ cảm xúc, đời sống của cả nghìn con người còn lại ra sao. Nếu hủy kiểu ấy, chắc chắn sẽ không ít CLB vin cớ này để giảm lương, thậm chí cắt lương cầu thủ. Hủy kiểu này rõ ràng là vô trách nhiệm.

Bởi thế, VPF mới phải cân nhắc chứ không phải loay hoay gì. Làm sao cho vẹn mọi đường là việc khó. Chúng ta vẫn nói với nhau câu "không thể làm hài lòng tất cả", và đây là lúc VPF phải tìm phương án hài lòng tất cả. Nếu đặt mình vào vị trí của họ, có lẽ chúng ta còn loay hoay hơn nhiều lần.

v league anh 2

Lúc này, hủy V.League 2020 là điều không hề đơn giản. Ảnh: Minh Chiến.

Trước mắt, chắc chắn VPF không thể và không dám nghĩ đến chuyện hủy giải. Họ chờ đợi tình hình dịch bệnh để có phương án phù hợp nhất và có vẻ như tín hiệu đang lạc quan dần khi việc khống chế dịch bắt đầu có chiều hướng tích cực hơn mỗi ngày. Có thể nói, bóng đá đang trong tình trạng câu giờ chờ tình hình dịch lắng lại để có thể tiếp tục.

Cái câu giờ này rõ ràng tất cả đều cùng đang chấp nhận một cách nghiễm nhiên, vì ai cũng hiểu tình hình nước sôi lửa bỏng như thế nào. Vậy tại sao vẫn có những lào xào xoay quanh VPF suốt thời gian qua? Nếu lục lại các dòng thông tin báo chí gần đây, ai cũng nhận thấy thực ra lào xào lại đến từ chính trong lòng bóng đá. Chính xác hơn là từ chính các CLB.

Từ những đề xuất đáng ngờ

Khi dịch Covid-19 vừa tái bùng phát, hàng loạt CLB cùng kiến nghị dừng giải, giữ nguyên hiện trạng điểm và vị trí, không có đội xuống hạng và trao chức vô địch cho CLB Sài Gòn. Vẫn biết VPF là cơ cấu công ty cổ phần, với 35% cổ phần của VFF và phần còn lại là của 20 CLB, nên nếu số cổ đông nắm giữ đa số % cổ phần theo quy định và điều lệ công ty cùng đưa ra quyết định chung, VPF sẽ phải đi theo hướng quyết định ấy. Song, chỉ là những phát ngôn trên báo chí thì nói thẳng đó là quan điểm cá nhân không hơn không kém.

Tuy nhiên, chính những quan điểm cá nhân ấy lại cho thấy cái "tức cười" trong cách nghĩ về bóng đá và làm bóng đá chuyên nghiệp của những người cầm trịch các CLB V.League. Bóng đá là cuộc chơi sòng phẳng. Công nhận đội vô địch, thì phải chấp nhận xuống hạng. Đơn giản suất xuống hạng ấy liên quan đến vận mệnh của các đội bóng đang đứng đầu bảng xếp hạng ở hạng đấu dưới nữa. Có vẻ như mấy “ông” V.League chỉ nghĩ đến bản thân mình chứ không vì tổng thể.

Ví dụ tham khảo điển hình là Ligue 1 của Pháp mùa 2019/20. Giải cũng bị dừng lại vì dịch Covid-19, với chức vô địch trao cho đội đầu bảng là PSG. Ngày 9/6, Toà án Tối cao Pháp ra phán quyết 2 đội chót bảng là Toulouse và Amiens không phải xuống hạng. Tuy nhiên, 2 tuần sau, phán quyết này bị bác bỏ và cả Toulouse lẫn Amiens đều phải chấp nhận xuống hạng dù ấm ức đến mấy.

Dễ hiểu, nền bóng đá chuyên nghiệp với các cấp độ giải khác nhau là cuộc chơi chung mà tất cả CLB đều có quyền lợi liên quan. Không thể vì quyền lợi của đội bóng này mà bỏ đi lợi ích của CLB khác. Đấy mới là cuộc chơi sòng phẳng, quân tử và văn minh.

Quay trở lại với V.League 2020, có thể nói những đề xuất của các CLB về chuyện dừng giải trao chức vô địch cho CLB Sài Gòn, không đội nào xuống hạng là đề xuất nực cười. Nó nực cười hơn nữa khi được phát xuất từ các CLB đang ở phía dưới bảng xếp hạng, thậm chí có nguy cơ xuống hạng.

v league anh 3

Nhiều đội bóng đề xuất trao chức vô địch cho CLB Sài Gòn (áo tím). Ảnh: Quang Thịnh.

Dù rằng những CLB đưa đề xuất kể trên dựa trên cái lý là mùa giải sau V.League tăng số đội, nghĩa là việc không xuống hạng sẽ không ảnh hưởng đến vận mệnh của các đội đầu bảng hạng dưới đi nữa, thì nó cũng thiếu quân tử.

Điều đó giống như kiểu bước vào trận bóng, đá được 70 phút, thấy mình thua sâu bèn bảo "thôi mưa quá, xí xoá, mai mốt đá lại từ đầu". Lối tư duy này chắc chắn sẽ khiến CĐV có tự trọng không vui. Với CĐV, đội bóng của họ không chỉ là thành tích, mà còn là danh dự và tinh thần của chính địa phương mang màu áo ấy nữa.

Tuy nhiên, đỉnh điểm của tấn trò phải là chuyện sau đề xuất kể trên là công văn gửi VPF đề nghị dừng giải đấu của SLNA, CLB Quảng Nam, đội Nam Định và công văn xin rút khỏi V.League 2020 của CLB Thanh Hóa nếu không được hỗ trợ tài chính. Riêng công văn của CLB Thanh Hóa, sau khi gửi được vài ngày, công văn được rút về vì bầu Đệ chưa thông qua ý kiến của tỉnh.

Trường hợp CLB Thanh Hóa là đáng nói nhất. Thực chất, bầu Đệ chỉ là "chủ tịch đại diện" ở CLB Thanh Hóa không hơn không kém. CLB Thanh Hóa vẫn là đội bóng của địa phương, dùng ngân sách địa phương. Cái làm mình làm mẩy thực chất là mũi tên nhắm 2 đích của bầu Đệ, mà một trong hai là yêu sách với tỉnh để xin thêm tiền trong giai đoạn khó khăn này.

Thực tế, ai mới là người người khởi phát cho vụ bỏ giải? Nói như phát biểu của ông Thái Toán (Giám đốc Điều hành CLB Nam Định) thì có vẻ như ông Đệ của CLB Thanh Hóa. "Đó là tiếng nói của nhiều CLB, và ông Đệ là người tiên phong nói ra. Phương án dừng giải thực tế nhiều đội nói từ đầu tháng.

Tuy nhiên, lần này bầu Đệ nâng lên một bước là xin nghỉ luôn, kiểu các anh không nghỉ tôi tự nghỉ. Không ai mong muốn điều này cả, nhưng dịch bệnh thế này quả là khó khăn", chính ông Toán đã phát biểu như thế nhưng thực tế có hẳn là vậy?

Chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh của CLB SLNA tiết lộ ông Trần Mạnh Hùng của CLB Hải Phòng là người vận động hành lang cho cuộc chiến này. Ông Thanh kể ông Hùng nói: "Em đã thăm dò 8-9 đội bóng rồi, họ cũng thống nhất". Và có lẽ, ông Đệ, ông Húp (CLB Quảng Nam), Thái Toán (CLB Nam Định) cũng đều nhận được cuộc điện thoại kiểu này.

Chưa biết thực hư, nhưng chắc chắn điều ông Hồng Thanh nói không phải đùa. Ông Hồng Thanh là người làm bóng đá lâu năm, uy tín như thế nào thì ai cũng hiểu. Một lời nói ra nặng bằng chín đỉnh, làm sao một người Nghệ quyết liệt như ông Thanh lại dám nói xàm. Và nếu nhìn vào thực trạng của CLB Hải Phòng và ông Hùng, chúng ta sẽ thấy nhiều điểm đáng ngờ.

Ông Hùng thực tế cũng không khác ông Đệ là mấy, khi chỉ là người làm chủ tịch "thuê" cho địa phương. CLB Hải Phòng vẫn là đội của địa phương, dùng ngân sách địa phương (khoảng 40 tỷ đồng/mùa) và nguồn ngân sách là từ quỹ đào tạo VĐV tài năng. Mùa này, CLB Hải Phòng đang vật lộn ở nửa dưới bảng xếp hạng. Rớt hạng thì ông Hùng phải chịu trách nhiệm chính với CĐV và UBND Thành phố Hải Phòng.

Nếu những điều ông Hồng Thanh nói về ông Hùng trong đợt vận động bỏ giải này là đúng, công văn của CLB Hải Phòng gửi VPF mới là chìa khóa mở ra căn phòng “cười”. Trong khi CLB Thanh Hóa, Quảng Nam, SLNA, Nam Định có công văn xin ngừng giải, thì CLB Hải Phòng gửi công văn đề nghị VPF cân nhắc và sẵn sàng đá tiếp với CLB Đà Nẵng ở vòng kế tiếp kèm điều kiện VPF phải có phương án rà soát, xét nghiệm toàn bộ lực lượng thi đấu và làm nhiệm vụ của đội Đà Nẵng.

Trong công văn của CLB Hải Phòng không hề đả động gì đến chuyện bỏ giải hay đề nghị dừng giải như của 4 đồng minh nhanh chân kia. Vậy sự thật câu chuyện ở đây là gì? Một là ông Hùng lật kèo đồng đội hoặc hai là ông Hồng Thanh "vu oan" cho ông Hùng. Kiểu gì thì đáp án nào cũng đều cho thấy những đáng ngờ từ loạt đề xuất ồn ào suốt thời gian qua.

v league anh 4

VPF họp để đưa ra phương án tốt nhất cho V.League 2020. Ảnh: VPF.

VPF không có phương án nào?

Câu hỏi này mới là đáng hỏi nhất. Nếu không tìm được phương án để dung hòa cái lợi chung với lợi riêng, rõ ràng VPF phải xem lại năng lực, đặc biệt là ở năng lực con người. Song, vấn đề nằm ở chỗ năng lực con người ở đây là do “trình độ” hay do "thái độ".

Để trả lời câu hỏi này, phải quay lại "bói" V.League và "bói" VPF qua ông Trần Mạnh Hùng, chủ tịch CLB Hải Phòng. Ông Hùng là ai ở trong chiếu chơi này? Đây chính là điểm mấu chốt, tiên quyết nhất.

Trên sân chơi V.League, ông Hùng là chủ tịch CLB Hải Phòng, còn trong chiếu Công ty CP VPF, ông Hùng lại là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị. Trong các đại diện của cổ đông là CLB ở VPF, ông Hùng là chủ tịch CLB có ghế "oách" nhất. Trọng trách của ông ở VPF có lẽ chỉ sau mỗi ông Trần Anh Tú. Vậy vì điều gì mà ông phó chủ tịch của đơn vị tổ chức giải đấu lại có những động thái rất "đấu giải" như thế?

Chỉ có trời mới hiểu lý do, nhưng rõ ràng các động thái của ông Hùng cho thấy ở cấp cao nhất của VPF không có sự thống nhất. Một khi cấp cao nhất không có sự thống nhất, thì chắc chắn không thể nào có quyết sách đúng đắn, kịp thời nhất được.

Cuộc chiến sẽ còn nhiều màn hay hơn ở cuối năm nay, khi đại hội cổ đông được tiến hành. Nhiệm kỳ cũ sắp hết, nhiệm kỳ mới sắp tới. Cuộc chiến nhân sự này mới là thứ phá vỡ trật tự V.League lớn nhất chứ không phải những thứ khác.

Đến đây, chắc chúng ta đều hiểu cái thế khó của lãnh đạo VPF nằm ở đâu. Đối phó với yêu sách của các CLB, tức các cổ đông, chỉ là chuyện nhỏ. Đối diện những sự thiếu đoàn kết và nhất quán trong nội bộ cấp cao mới là thứ đáng gờm hơn cả. 100 người làm chỉ cần một người phá là đã đủ mệt. Có vẻ như ông chủ tịch VPF và ông tổng GĐ VPF hơi “mỏng lực lượng” khi có sứ quân đa mưu túc trí như ông Hùng.

Bây giờ, có lẽ chúng ta sẽ không còn nghĩ về chuyện hủy giải hay không, hoãn giải đến khi nào như yếu tố chính và quan trọng nữa. Rồi bóng sẽ lại lăn, các cầu thủ và HLV sẽ lại được làm việc trở lại. Tuy nhiên, làm việc trong môi trường "chuyên nghiệp" đến mức nào thì tự hiểu. Thế nên, việc nhắc đến V.League còn ngao ngán dài.

Tài năng 19 tuổi vào top ghi bàn từ sút xa đẹp nhất V.League 2020 Cú vung chân hiểm hóc của Hai Long (CLB Quảng Ninh) trước CLB Nam Định là một trong những pha sút xa đẹp nhất 11 vòng đấu của V.League 2020.

HAGL và nhiều đội tập luyện trở lại để chờ V.League

Ngày 10/8, CLB TP.HCM và HAGL sẽ tập luyện trở lại sau thời gian nghỉ vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thị trường chuyển nhượng cầu thủ ở V.League tạm dừng

Ban điều hành VPF thông báo tạm dừng thời gian đăng ký giữa mùa giải 2020 theo đề xuất của VFF để đảm bảo quyền lợi cho các đội bóng.

Hà Quang Minh

Bạn có thể quan tâm