Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Liệu cầu thủ Việt kiều có dám đổ máu vì tuyển Việt Nam?'

Chủ đề có nên trao cơ hội lên tuyển cho cầu thủ Việt kiều đang nóng lên những ngày gần đây, với nhiều quan điểm đa chiều.

Trao đổi với Zing.vn, cựu HLV Steve Darby nói: "Gọi cầu thủ Việt kiều lên tuyển còn tùy vào định nghĩa thế nào là "Việt kiều". Nếu họ có bố mẹ là người Việt Nam, những cầu thủ này xứng đáng được lên tuyển. Còn với những cầu thủ nhập tịch, tôi không nghĩ tuyển Việt Nam nên trao cơ hội cho họ".

Phân tích thêm về vấn đề trên, vị HLV  từng giúp tuyển nữ Việt Nam giành huy chương vàng SEA Games 2001 nhắc tới khái niệm "danh dự". Lúc này, một cầu thủ nhập tịch hay Việt kiều luôn phải phải nhận nhiều hoài nghi về sự tận hiến, và bao nhiêu người sẽ dám đổ máu vì tuyển Việt Nam?

cau thu Viet kieu anh 1
Cầu thủ Việt kiều Alexander Dang (áo xanh) đang thi đấu tại giải hạng nhất Na Uy. Ảnh: Adressa.

Đây không phải bài toán dễ dàng với HLV Park Hang-seo. Thà rằng cơ hội được dành cho cầu thủ bản địa, những người sẵn sàng chiến đấu vì tinh thần màu cờ sắc áo, còn hơn trao suất lên tuyển cho những ngoại binh không hiểu văn hóa và bản sắc của đội tuyển họ đại diện.

Khi làm việc tại Singapore, ông Darby biết được một cầu thủ người Brazil đã nhập tịch rất muốn khoác áo đội tuyển quốc gia nước này. Tuy nhiên, những thành viên của "The Lions" khi ấy lại không muốn anh chàng đó xuất hiện trong đội tuyển, vì hoài nghi về khát khao cống hiến cho đội tuyển.

Rồi lúc HLV Darby dẫn dắt tuyển Lào, nhà cầm quân này phát hiện có nhiều cầu thủ mang dòng máu Lào chơi tại giải đấu của Pháp. Tuy nhiên, chính phủ Lào chỉ để những gương mặt ấy chơi cho đội tuyển quốc gia nếu từ bỏ quốc tịch Pháp. Mà khi đó, họ đều có bố hoặc mẹ là người Lào.

"Những thành viên trong CLB coi nhau như người bạn và đồng đội. Tuy nhiên, một số cầu thủ lại không thích sát cánh cùng những gương mặt nhập tịch lúc lên tuyển. Được đá cho đội tuyển luôn là danh dự. Nhưng bao nhiêu cầu thủ nhập tịch sẽ tận hiến với quốc gia họ thi đấu?", ông Darby cho biết.

cau thu Viet kieu anh 2
Aleksandar Duric là cầu thủ nhập tịch từng khoác áo tuyển Singapore. Ảnh: Goal.

Trong quá khứ, tuyển Singapore đi đầu trong chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch. Họ có Agu Casmir, Itimi Dickson, Mirko Grabovac hay Aleksandar Đurić.... Không ai cấm "The Lions" gọi cầu thủ nhập tịch nếu điều đó thật sự cần thiết để cao chất lượng chuyên môn đội tuyển tranh tài ở sân chơi lớn

Nhờ dàn cầu thủ nhập tịch, tuyển Singapore đã rất thành công ở đấu trường AFF Cup với 4 lần vô địch. Nhưng trái ngọt chỉ đến với họ ngắn hạn. Việc quá phụ thuộc vào cầu thủ nhập tịch khiến nền đảo quốc này bỏ quên công tác đào tạo trẻ, yếu tố quan trọng phát triển bóng đá nước nhà.

Tuyển Singapore lụn bại dần theo thời gian, bởi các quốc gia lân cận với nội lực thật sự từ nền tảng cầu thủ bản địa liên tục được nâng tầm. Trong ba kỳ AFF Cup gần đây, "The Lions" đều không qua được vòng bảng. Bài học nhãn tiền của tuyển Singapore rất đáng để HLV Park Hang-seo phải lưu tâm.

Theo HLV Darby, tuyển Việt Nam của ông Park đang có lứa cầu thủ trẻ tiềm năng với lối chơi hiện đại. Họ cũng liên tiếp gặt hái được thành công trong hơn 1 năm qua. Từ những gì đạt được, "Những ngôi sao vàng" nên tiếp tục định hướng phát triển đã được các nhà làm bóng đá nước này đề ra ban đầu.

Tuyển Việt Nam cần cầu thủ Việt kiều, nhưng không quá lạm dụng hay phụ thuộc vào họ. Công tác đào tạo trẻ mới quan trọng hơn tất cả. Bổ sung ào ạt cầu thủ nhập tịch hay Việt kiều dễ làm biến sắc văn hóa đội tuyển. Đó chưa kể bao nhiêu người sẵn sàng đổ máu khi lên tuyển. Không ai chắc điều đó cả.

Màn trình diễn của Alexander Dang tại Na Uy Tiền đạo gốc Việt Alexander Dang có nhiều pha ghi bàn đẳng cấp tại các đội bóng anh chơi ở Na Uy.

Cầu thủ Việt kiều ít cơ hội lên tuyển Việt Nam ở King’s Cup

Ngoài Đặng Văn Lâm, những cầu thủ Việt kiều đang ở nước ngoài khác có rất ít cơ hội được gọi lên đội tuyển Việt Nam trong đợt tập trung King’s Cup vào tháng 6 tới.

Nguyên Trí

Bạn có thể quan tâm