Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, từ tháng 9/2018 đến tháng 5/2019, văn phòng nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã phỏng vấn hơn 330 tù nhân Triều Tiên, phần lớn là phụ nữ cố gắng đào tẩu đến Trung Quốc.
"Có nhiều báo cáo về các vụ hành quyết công khai tù nhân cố gắng đào tẩu, ăn cắp hoặc có hành vi phạm tội khác trong thời gian bị giam", ông Guterres nói, theo Guardian.
Các tù nhân bị thẩm vấn, đôi khi tới một tháng hoặc lâu hơn, và buồng giam đông người đến mức họ không có chỗ để nằm.
Theo báo cáo của ông Guterres, quản giáo tại trại giam buộc tù nhân Triều Tiên phải cởi quần áo và liên tục rà soát cơ thể họ để tìm tiền hay đồ vật bị giấu đi.
Một người lính canh tại trại giam gần sông Yalu, Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Những người từng bị giam giữ cáo buộc quản giáo có hành vi "vi phạm quyền sống còn, quyền tự do và an toàn của công dân", ông Guterres nói.
Triều Tiên từng nhiều lần bác bỏ các cáo buộc này. Vào tháng 5, đại sứ Triều Tiên tại Thụy Sĩ Han Tae Song, cho biết chính phủ đã "nỗ lực hết mình vì lợi ích của người dân", và "vi phạm nhân quyền, dưới bất kỳ hình thức nào, đều không thể chấp nhận được".
Tuy nhiên, Triều Tiên đã từ chối cấp thị thực cho các quan chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc, ngoại trừ một lần vào năm 2017, khi nước này cấp thị thực cho một điều tra viên nghiên cứu về tình trạng người khuyết tật.
Theo ông Guterres, những người từng bị giam giữ nói rằng họ phải ăn ở trong điều kiện cực kỳ mất vệ sinh, không có đủ thực phẩm gây ra suy dinh dưỡng, bệnh tật và đôi khi là tử vong.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết có tình trạng "quản giáo trại giam bạo hành tình dục tù nhân nữ, thông qua việc rà soát cơ thể để kiểm tra".
Lính canh buộc tù nhân phải ngồi hoặc quỳ cả ngày, chỉ "cho phép họ duỗi chân tay trong hai phút mỗi giờ". Nếu đi lại mà không có sự cho phép, tù nhân sẽ bị phạt riêng hoặc theo nhóm, ông Guterres nói.