Sau khi Trump bất ngờ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống còn đảng Cộng hoà giành quyền kiểm soát ở quốc hội, câu hỏi hiện nay đối với các nhà ngoại giao ở LHQ là chính quyền mới của Mỹ sẽ cắt giảm bao nhiêu ngân sách cho các chương trình của cơ quan này.
Phần lớn đảng viên Cộng hoà không có thiện cảm với LHQ. Một khảo sát gần đây của Trung tâm Pew cho thấy chỉ 43% người thuộc đảng Cộng hoà có cái nhìn tích cực đối với LHQ. Khoảng cách này giữa phe Cộng hoà và Dân chủ nới rộng tới 37 điểm, mức cách biệt lớn nhất kể từ khi Pew nghiên cứu về chủ đề này vào năm 1990, theo Reuters.
Gần 3 tuần sau ngày chiến thắng, tổng thống đắc cử Trump vẫn chưa công bố chính sách với LHQ, nhưng ông đã nhiều lần bày tỏ quan điểm không thiện cảm với cơ quan này suốt giai đoạn tranh cử.
Trump cho rằng Mỹ đầu tư tiền của cho LHQ một cách không hiệu quả. Ảnh: AP. |
Những khoản đóng góp “không hiệu quả"
Về vấn đề ngân sách cho LHQ, vị tỷ phú cho rằng “Mỹ không được lợi gì từ LHQ” và khoản đóng góp tài chính của Mỹ cho cơ quan này “phân chia không hợp lý và không xứng đáng”. Ông Trump cũng nhiều lần chỉ trích việc chính quyền Obama hỗ trợ cho các chương trình phát triển bền vững và biến đổi khí hậu của LHQ. Ông thẳng thắn đe doạ sẽ rút Mỹ khỏi các cam kết này, kéo theo đó là cắt giảm hoặc bãi bỏ hỗ trợ ngân sách.
Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách chính của LHQ (khoảng 22%). Nước này cũng là nhà tài trợ hàng đầu cho các tổ chức lớn của LHQ, như Cơ quan các vấn đề tị nạn LHQ (khoảng 1,5 tỷ USD từ Mỹ), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP). Trong năm 2015, Mỹ đóng góp cho WFP và UNDP lần lượt là 1,48 tỷ USD và 83 triệu USD.
Về chi phí hoạt động của lực lượng gìn giữ hoà bình (7,87 tỷ USD), riêng khoản đóng góp từ Mỹ đã chiếm 28.5%, theo Reuters. Đây là mức "kịch khung" đối với một quốc gia, theo sau đó là Đức và Nhật. Đội lính “mũ nồi xanh" đang trong giai đoạn hoạt động cao điểm nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. 16 sứ mệnh gìn giữ hoà bình đang diễn ra chủ yếu ở các vùng xung đột tại Trung Đông và châu Phi.
Tài trợ từ Mỹ chiếm 1/3 ngân sách hoạt động của lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ. Ảnh: Al Jazeera. |
Trump cũng lên tiếng về việc LHQ muốn trùng tu lại trụ sở chính của cơ quan này tại Manhattan. Một nghiên cứu của LHQ năm 2015 tính toán rằng họ sẽ tốn khoảng 964 triệu USD đến 1,054 tỷ USD để nâng cấp khu phức hợp 50 năm tuổi này, cùng khoảng 500 triệu USD trả lãi vay.
Hồi tháng 8, Trump khẳng định ông có thể thúc đẩy kế hoạch diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và ít tốn kém hơn, giúp LHQ tiết kiệm 1 tỷ USD. “Tôi có thể thực hiện kế hoạch 500 triệu USD, thế mà họ lại định tiêu tốn 1,5 tỷ USD. Điều khác biệt là sản phẩm của tôi sẽ hoàn hảo hơn”, ông trùm bất động sản nói.
LHQ lo lắng tìm cách đối phó với chính quyền Trump
Một cựu quan chức cấp cao ở LHQ nhận định việc chính quyền Trump muốn rút khỏi các chương trình của LHQ sẽ ít vấp phải cản trở từ quốc hội hơn là so với rút khỏi NATO.
Thượng nghị sĩ Chris Coons, thành viên Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện và từng tham gia phái đoàn Mỹ tại LHQ, lo ngại về những gương mặt mà Trump muốn đưa vào bộ máy. “Phần lớn họ không đánh giá cao giá trị của chủ nghĩa đa phương. Đảng Cộng hoà từ lâu nay luôn chất vấn, thách thức hoặc không ủng hộ việc Mỹ tích cực tham gia với LHQ”, ông Coons nói với Politico.
Sau khi Trump chính thức nhậm chức tổng thống, các nhà ngoại giao tại trụ sở chính của LHQ ở New York sẽ phải suy tính cách làm việc với chính quyền mới của Mỹ, vốn sẽ xa lánh những hiệp ước đa quốc gia và giảm nhẹ vai trò những tổ chức quốc tế.
Đề cử của Trump cho chức Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley, là người không có kinh nghiệm ngoại giao. Ảnh: AP. |
Phó tổng thư ký sắp mãn nhiệm Jan Eliasson cho rằng LHQ cần phải chứng tỏ với chính quyền Trump rằng việc hợp tác với LHQ cũng phù hợp với lợi ích của Mỹ.
“Chẳng hạn, cần giải thích với họ rằng việc ủng hộ hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ sẽ giúp Mỹ tránh khỏi tham gia quá nhiều khu vực quan trọng, trong khi họ có những nơi ưu tiên khác để cử quân hơn”, ông Eliasson nói.
Tuần qua, LHQ thông báo ông Trump đã nhận lời và sẽ thu xếp gặp gỡ Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon trước khi ông Ban chính thức kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31/12/2016.
Sau chiến thắng của Trump, ông Ban cố gắng trấn an những lo lắng về một trật tự thế giới mới dưới thời Trump. “Khi ông ta trở thành tổng thống, ông ấy sẽ từ bỏ những phát ngôn hùng hồn khi tranh cử và nhanh chóng bắt tay xử lý những khủng hoảng toàn cầu như biến đổi khí hậu. Đội chuyển tiếp của Trump gồm nhiều chuyên gia và các nhân vật có tầm nhìn xa. Tôi tin rằng nước Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu”, ông Ban nói.