Một áo đấu khổng lồ của Messi được trưng bày ở thành phố Rosario, Argentina. Ảnh: Reuters. |
Khi Diego Maradona đưa đội tuyển Argentina vô địch World Cup năm 1986, mức lạm phát trung bình năm tại quốc gia Nam Mỹ này là 116%. Khi Argentina vô địch kỳ World Cup trên sân nhà năm 1978, con số thậm chí còn lớn hơn: 176%.
Theo Bloomberg, đây có thể là một trong những lý do khiến người Argentina thêm tự tin vào thành tích của đội nhà trong kỳ World Cup tại Qatar lần này. Tỷ lệ lạm phát của Argentina được dự báo đạt mốc 99% vào tháng 12 này, cũng như sẽ sớm đạt mốc ba con số.
Dù vậy, lạm phát đã là điều mà người Argentina quá quen thuộc. Họ không cần phải chờ tới khi vô địch World Cup mới phải hứng chịu tình trạng này.
Khi Maradona và các đồng đội thất bại trước Tây Đức trong trận chung kết và giành ngôi á quân World Cup 1990, Argentina đang phải đối mặt với siêu lạm phát khoảng 2.000%.
Năm 2014, khi Argentina một lần nữa thua Đức, tỷ lệ lạm phát được Buenos Aires công bố là 22%, nhưng giới quan sát nghi ngờ số liệu không chính xác.
Dù sao, thành tích của Messi và các đồng đội tại kỳ World Cup lần này cũng được coi như “liều thuốc” xoa dịu xã hội Argentina giữa khó khăn về kinh tế.
Trong suốt giải đấu kéo dài một tháng, những khó khăn về kinh tế của Argentina đang bị lép vế trước tình yêu bóng đá, khi đội tuyển của họ liên tục tiến sâu.
"Bóng đá giúp chúng tôi phần nào quên đi những khó khăn hiện tại. Và chúng tôi cần quên chúng đi", Natalie Acosta, một người dân Argentina, chia sẻ với Wall Street Journal. "Chúng tôi chẳng khá hơn dù Argentina vô địch. Nhưng ít nhất, chúng tôi sẽ hạnh phúc".
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...