Thuật ngữ "tai thỏ" (hay "notch" trong tiếng Anh) xuất hiện trong 2 năm nay và dần được chấp nhận bởi giới truyền thông cũng như người dùng smartphone. Đây là từ dùng để chỉ cách thiết kế màn hình có một phần khuyết, thường là nằm ở ngay chính giữa.
Ai đã tạo nên "tai thỏ"?
Essential Products - công ty do cha đẻ Android là Andy Rubin sáng lập - luôn là cái tên được đề cập đến khi mọi người đưa ra câu hỏi này. Được giới thiệu vào tháng 5/2017 và chính thức lên kệ từ tuần cuối tháng 8, Essential Phone được xem là chiếc smartphone đầu tiên trên thị trường có tai thỏ.
Viền trên của máy được làm rất mỏng, ngay chính giữa màn hình được khoét một phần nhỏ để chứa camera trước. Vì thế kiểu thiết kế này còn được gọi là "nốt ruồi".
Tuy nhiên, Essential Products không phải hãng đầu tiên sản xuất smartphone "tai thỏ", danh hiệu đó thực chất thuộc về Sharp. Hãng di động đến từ đất nước mặt trời mọc tung ra mẫu Aquos S2 trước vài ngày với kiểu thiết kế gần như tương tự.
Điểm chung của Aquos S2 và Essential Phone là viền trên rất mỏng với phần tai thỏ rất nhỏ chỉ để chứa camera trước còn viền dưới lại khá dày và thừa thãi.
Trước đó, vào năm 2014 Sharp thậm chí tung ra chiếc smartphone Aquos Crystal "không có viền" ở bên trên. Họ chọn giải pháp đưa camera trước xuống viền màn hình phía dưới thay vì khoét ở bên trên.
Tuy nhiên, cách thiết kế này ảnh hưởng khá lớn đến trải nghiệm người dùng. Muốn chụp ảnh selfie, người dùng phải xoay ngược chiếc điện thoại lại và rất dễ bị chạm tay vào màn hình, che mất camera.
Tóm lại, ngoại trừ Mi Mix với cả viền trên và dưới đều được xử lý mỏng một cách đáng ngạc nhiên thì các sản phẩm khác đều để lại khiếm khuyết hoặc ở viền dưới màn hình, hoặc ở phần tai thỏ.
Tai thỏ của Apple
Vào tháng 9/2017, Apple công bố iPhone X. Cả thế giới Android đã cho rằng sản phẩm này ăn theo cách thiết kế của Aquos S2 và Essential Phone. Tuy nhiên, iPhone X lại hoàn toàn không có viền phía dưới, phần tai thỏ thì lớn hơn rất nhiều, chứa cả camera trước, một loạt các cảm biến cần thiết và hệ thống camera TrueDepth nhằm phục vụ cho tính năng Face ID. Họ còn gọi phần màn hình ở hai bên là "sừng".
Apple không phải là người đầu tiên làm ra tai thỏ nhưng họ đã làm cho nó khác biệt, hiệu quả và khiến cho các đối thủ phải sao chép.
Các nhà sản xuất Android bắt đầu thiết kế tai thỏ chứa camera trước, cảm biến tiệm cận, đèn LED thông báo. Họ có thể làm tai thỏ bé hơn nhưng lại giữ gần giống như kích thước trên iPhone X. Họ sao chép điều này chỉ vì thẩm mỹ, thay vì là một tính năng cần thiết.
Họ vẫn giữ các viền màn hình khá lớn, đủ để bố trí những chi tiết cần thiết, nhưng vì chạy theo xu hướng do iPhone X khởi xướng, lần lượt những chiếc smartphone có tai thỏ ra đời, từ bình dân đến cao cấp.
Apple thì ngược lại. Mục đích của họ tạo ra tai thỏ là để tận dụng tối đa diện tích mặt trước, phần bị khuyết của màn hình là diện tích tối thiểu để chứa các chi tiết khác. Thay vì tập trung nói về tai thỏ, họ lại chú trọng đến phần màn hình 2 bên, tận dụng tối đa nó.
Tương lai là không viền, không tai thỏ
Viền màn hình smartphone mỏng dần qua các năm và sẽ tiếp tục mỏng theo xu thế này, tuy nhiên tai thỏ có lẽ sẽ phải tồn tại thêm một thời gian nữa.
Loại bỏ tai thỏ và viền màn hình, kể cả phía dưới đòi hỏi phải di chuyển camera trước sang vị trí khác. Có cách làm điều này nhưng vẫn còn nhiều trở ngại về mặt kỹ thuật.
Vivo Apex là một ví dụ. Bản mẫu của chiếc smartphone này đã đưa ra giải pháp khá hay. Cảm biến vân tay được nhúng vào bên trong màn hình và camera selfie giấu trên đỉnh máy, chỉ bật ra khi cần thiết.
Ý tưởng này có vẻ rất tốt, tuy nhiên vấn đề về mặt kỹ thuật vẫn chưa được xử lý triệt để. Nếu thường xuyên sử dụng, camera trước sẽ phải "thò ra thụt vào" với cường độ cao, bộ phận cơ học sẽ giảm tuổi thọ và dẫn đến hỏng hóc. Đó là chưa kể đến việc người dùng có thể vô tình làm kẹt camera khi chụp hình selfie nhưng lại để ngón tay che ngay vị trí camera.
Ngoài ra, nếu những nhà sản xuất muốn bố trí nhiều hơn một camera trước thì giải pháp này cũng sẽ gặp khó, chi phí sản xuất cũng sẽ tăng lên.
Đó chính là lý do tại sao trong tương lai gần, viền màn hình có thể tiếp tục giảm nhưng tai thỏ thì vẫn sẽ tồn tại.