Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lịch sử hàng trăm năm của chữ viết chúng ta đang sử dụng

Công trình của TS Phạm Thị Kiều Ly "Lịch sử chữ Quốc ngữ, 1615-1919" vừa ra mắt bản dịch tiếng Việt, là một đóng góp mới vào kho tài liệu về lịch sử chữ Quốc ngữ.

lich su anh 1

Đến nay chữ Quốc ngữ đã có lịch sử hình thành và phát triển khoảng 400 năm, kể từ thập niên 20 của thế kỷ 17. Đây là hành trình đủ dài để một hệ thống ngôn ngữ trở thành ngôn ngữ viết chuẩn mực.

Kể từ khi ra đời, với vị trí âm thầm và lặng lẽ bên cạnh chữ Nôm và chữ Hán, chữ Quốc đã đóng một vai trò không thể thay thế trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Song thực tế, chữ Quốc ngữ mới được đón nhận và sử dụng rộng rãi bởi mọi thành phần người Việt chỉ khoảng 100 năm qua, kể từ năm 1919.

Đưa lịch sử chữ Quốc ngữ đến gần bạn đọc

Những năm gần đây, một số công trình về lịch sử chữ Quốc ngữ được giới thiệu đã cho bạn đọc nguồn tư liệu phong phú, tương đối gần gũi, dễ tiếp cận. Năm 2023, công trình Lịch sử chữ Quốc ngữ (Linh mục Đỗ Quang Chính, in lần đầu năm 1972) được tái phát hành, cùng đó là tác phẩm sách tranh Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ do Phạm Thị Kiều Ly viết lời và Tạ Huy Long minh họa.

Năm 2018, TS Phạm Thị Kiều Ly bảo vệ luận án tiến sĩ về lịch sử chữ Quốc ngữ tại Đại học Sorbonne Nouvelle (Pháp) và được trao giải thưởng luận án xuất sắc năm 2020 của GIS Asie (Groupement d’intérêt scientifique Études asiatiques - Nhóm nghiên cứu khoa học về châu Á).

Sau khi bảo vệ luận án, tác giả đã tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung luận án và xuất bản ở Pháp năm 2022 dưới tựa đề Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien(1615-1919) (Lịch sử chữ Quốc ngữ, 1615-1919), được đánh giá là công trình công phu và toàn diện nhất trước nay về lịch sử chữ Quốc ngữ, dựa trên nguồn tài liệu phong phú.

Tâm niệm kiến thức khoa học cần được phổ biến tới đại chúng, năm 2023, cô đã cùng họa sĩ Tạ Huy Long xuất bản cuốn sách tranh về lịch sử chữ Quốc ngữ dành cho trẻ em kể trên.

lich su anh 2

Sách Lịch sử chữ Quốc ngữ, 1615-1919 chụp tại cong đường mang tên một trong những người có công với lịch sử hình thành chữ Quốc ngữ.

Tháng 6 năm nay, đúng dịp kỷ niệm 400 năm giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Maiorica đến Việt Nam, ấn bản tiếng Việt của công trình Lịch sử chữ Quốc ngữ, 1615-1919 được xuất bản với 6 chương: Quá trình mô tả các ngôn ngữ trên thế giới, Phiên âm tiếng Đàng Trong bằng chữ La-tinh (1615-1631), Phiên âm tiếng Đàng Ngoài bằng chữ La-tinh, Hệ thống nguyên âm trong Dictionarium (Từ điển) của de Rhodes (1651) và chuẩn hóa chính tả, Chữ Quốc ngữ thời kỳ Hội Thừa sai Paris (1658-1858), Chữ Quốc ngữ thời thuộc địa.

Công trình công phu với nhiều phát hiện mới

Kế thừa và tiếp bước các thế hệ học giả tiền bối, tác giả đã dày công trang bị kiến thức về tiếng La-tinh, tiếng Bồ Đào Nha và về cổ văn châu Âu để có thể tiếp cận, sưu tầm và phân tích các văn bản được viết bằng tiếng La-tinh, Bồ Đào Nha, Italy nằm rải rác trong văn khố ở Roma, Paris, Lisbon, Ávila, và Madrid. Từ đây, tác giả đã phục dựng lại được khá chi tiết thời kỳ đầu tạo ra chữ Quốc ngữ nhờ việc sưu tầm và phân tích một số lượng lớn các văn bản viết tay.

Khung thời gian nghiên cứu trải dài hơn 300 năm, từ năm 1615 - thời điểm các giáo sĩ dòng Tên tới truyền giáo ở Đàng Trong và kết thúc vào năm 1919 - năm cuối cùng của khoa thi Hội tổ chức ở kinh đô Huế. Cuốn sách nêu bật những mốc thời gian quan trọng như chữ La-tinh đầu tiên xuất hiện trong văn bản năm 1617, hay "hội nghị" đầu tiên về chữ Quốc ngữ của các Thừa sai ở Macao (Trung Quốc) năm 1630 hay khi Gaspar do Amaral soạn từ vựng năm 1634.

Công trình này đặt sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ trong bối cảnh chung của ngữ học truyền giáo trên toàn thế giới thay vì chỉ liên hệ với quá trình văn tự La-tinh hóa tiếng Nhật và tiếng Trung như các công trình trước đó. Ngoài ra, cuốn sách cũng nhấn mạnh vai trò của António de Fontes, linh mục người Bồ Đào Nha đến Đàng Trong năm 1624, ông là cầu nối của chữ Quốc ngữ từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài.

Đồng thời, công trình cũng chỉ ra sự thay đổi vai trò của chữ Quốc ngữ: từ một công cụ học tiếng của các thừa sai người nước ngoài sang công cụ trao đổi thông tin giữa các giáo sĩ người nước ngoài và linh mục, giáo dân người Việt sau khuyến nghị của Giám mục Deydier năm 1685. Vai trò của các chủng sinh người Việt trong công cuộc soạn từ điển Việt - La năm 1772-1773 cũng được làm rõ, vì trước giờ ta thường gán tác giả cho cuốn từ điển này là Pigneaux de Béhaine, nhưng thực tế đó là tư duy làm từ điển của người bản xứ...

Ngoài ra, dù cho sự hình thành chữ Quốc ngữ nằm trong trào lưu chung của ngữ học truyền giáo, nhưng việc chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của Việt Nam là một trường hợp đặc biệt ở Đông Á, nên không thể thoát khỏi những tác động của bối cảnh chính trị, xã hội.

Vì vậy, bên cạnh việc đúc kết lịch sử chữ viết trong quãng thời gian gần 300 năm, tác giả Phạm Thị Kiều Ly còn lồng vào đó những câu chuyện không kém phần quan trọng là lịch sử truyền giáo, lịch sử - chính trị Việt Nam từ phong kiến tới thời thuộc địa và bảo hộ. Phần nào đây chính là những câu chuyện về lịch sử báo chí, văn hóa, giáo dục ở Việt Nam một thời đoạn.

Văn phong như kể chuyện lịch sử lồng những phân tích ngôn ngữ của Lịch sử chữ Quốc ngữ, 1615-1919 khiến cuốn sách trở thành một tài liệu giúp người Việt dễ dàng nắm bắt và hiểu hơn về nguồn cội chữ viết mình đang sử dụng hàng ngày.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Tâm Anh

Bạn có thể quan tâm