Những quả pháo đầu tiên
Người Trung Quốc nhồi thuốc súng vào thân trúc tạo thành pháo hoa và kích nổ chúng bằng cách ném vào lửa. Ảnh minh họa: Keleidoscope |
Cách đây cả nghìn năm, người Trung Quốc phát minh ra quả pháo hoa đầu tiên. Ở thời kỳ đầu, pháo hoa rất đơn giản. Người ta nhồi thuốc súng, một phát minh khác của người Trung Quốc, vào thân trúc khô tạo thành pháo hoa. Họ kích nổ bằng cách ném nó vào lửa.
Trong chuyến thăm của một vị hoàng đế vào thế kỷ 12, họ đốt pháo và pháo hoa như một nghi thức chào mừng. Đây là lần đầu tiên con người sử dụng pháo hoa trong dịp lễ long trọng. Pháo hoa thời kỳ này có hình cầu, giống như viên bi với đầu dây dẫn để kích nổ.
Pháo hoa du nhập châu Âu
Tranh minh họa lễ hội bắn pháo hoa bên bờ sông Thames, thành phố London, Anh, vào ngày 15/5/1749. Ảnh: Epoch Times |
Người ta vẫn chưa thể khẳng định liệu người châu Âu tự phát minh ra thuốc súng và pháo hoa hay chúng du nhập vào đây từ Trung Quốc khi quân Mông Cổ xâm chiếm lục địa già vào giữa thế kỷ 13. Theo ghi chép của thầy tu người Anh Roger Bacon, vào năm 1267, người châu Âu đã sử dụng loại pháo nổ phát sáng như tia chớp và tạo ra tiếng ồn như tiếng sấm.
Năm 1377, một Đức Giám mục ở thành phố Vicenza, Italy, ra lệnh đốt pháo hoa trong cung điện của ông. Pháo hoa tạo ra chùm sáng rực rỡ.
Vào thế kỷ 15, người dân ở các thành phố của Italy và Tây Ban Nha cũng đốt pháo hoa trong các bữa tiệc mừng ngoài trời. Nhà luyện kim người Italy, Vannoccio Biringuccio từng miêu tả cảnh bắn pháo hoa ở hai thành phố Florence và Siena trong các dịp lễ lớn.
Người Đức cũng sử dụng pháo hoa trong các ngày lễ như lễ hội Schembart ở thành phố Nuremberg. Một tác giả đã đưa hình ảnh người tham gia lễ hội vào sách. Trong bức ảnh, những người đàn ông diễu hành qua các đường phố trong trang phục sặc sỡ. Một bức ảnh khác cho thấy hình một người đàn ông đội mũ hình lâu đài với pháo hoa và khói bốc lên từ đỉnh tháp. Đây là bằng chứng về sự xuất hiện của pháo hoa ở Đức trong thế kỷ 15.
Tranh minh họa lễ hội bắn pháo hoa Schembart ở thành phố Nuremberg, Đức. Ảnh: Thư viện Kỹ thuật số UCLA |
Những vì sao rơi xuống từ thiên đường
Màn biểu diễn pháo hoa Girandola vào cuối thế kỷ 15 là mốc đánh dấu việc sử dụng pháo hoa trong dịp lễ trọng đại ở châu Âu. Girandola diễn ra nhân dịp Giáo hoàng mới nhậm chức.
Pháo hoa nở rộ trên bầu trời. Những chùm sáng khiến người xem liên tưởng đến cảnh thiên đường gần kề với mặt đất.
Từ đó, truyền thống bắn pháo hoa hình thành. Trong thế kỷ 16, các lễ hội pháo hoa tầm cỡ như Girandola cũng xuất hiện ở Bắc Âu với hình thức đa dạng. Chúng thường gắn liền với các hoạt động của hoàng gia.
Năm 1533, người Anh bắn pháo hoa trong lễ đăng quang của hoàng hậu Anne Boleyn, vợ thứ hai của vua Henry II. Trong thập niên 70 thế kỷ 16, sau khi lên ngôi, Nữ hoàng Elizabeth I rất thích tổ chức bắn pháo hoa.
Màn bắn pháo hoa tại lâu đài Sant'Angelo ở thành phố Rome, Italy, vào năm 1775. Tranh minh họa:acob Hackert |
Các vị hoàng tử nước Đức thường tổ chức màn trình diễn pháo hoa mô phỏng trận chiến giữa những con rồng khổng lồ với đàn cá voi phun lửa. Vua Pháp thích ngắm các màn biểu diễn pháo hoa hình sư tử, mặt trời và các ngôi sao. Mới đầu, chi phí hoàng gia bỏ ra cho những thú vui ấy khiến người dân vô cùng kinh hãi. Họ cảm thấy pháo hoa là một thứ đáng sợ. Tuy nhiên, người ta dần bắt đầu cảm nhận vẻ đẹp của chúng. Với họ, đó là những trải nghiệm hiếm hoi và mới lạ.
Sức thu hút lâu bền
Pháo hoa xuất hiện cách đây hàng nghìn năm. Nó bắt đầu từ những quả pháo thô sơ của người Trung Quốc. Khi pháo hoa du nhập vào văn hóa châu Âu, người ta nâng nó lên tầm nghệ thuật. Dù vậy, phải đến thế kỷ 19, người ta mới chú trọng vào tạo hình cho các chùm sáng của pháo hoa. Tới thế kỷ 20, con người đã có thể tạo hình những con rồng, tòa lâu đài trong các màn trình diễn. Một nhà phê bình từng nhận xét pháo hoa là loại hình tinh khiết nhất của nghệ thuật trừu tượng.
Pháo hoa rực sáng trên bầu trời thành phố London, Anh, vào ngày đầu năm 2015. Ảnh: EPA |
Với cấu tạo rất đơn giản gồm thuốc súng được nhồi trong các vật đựng, hàng trăm năm qua, pháo hoa tạo ra các chùm sáng cùng tiếng nổ khiến người xem luôn ngạc nhiên và thích thú. Pháo hoa, dựa vào trí tưởng tượng vô tận của con người, sẽ tiếp tục là một trong những loại hình nghệ thuật ấn tượng nhất trong nhiều thế kỷ tới.