Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Lịch sử giúp ích gì cho chúng ta?

Đọc sử liệu rất thú vị, nhưng lịch sử giúp ích gì cho chúng ta trong việc tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn? Sách "Những bài học lịch sử" trả lời cho câu hỏi đó.

Bai hoc lich su anh 1

Nói tới Will và Ariel Durant, hẳn ai cũng nhớ ngay tới công trình đồ sộ Lịch sử Văn minh mà hai ông bà đã dành cả cuộc đời để viết ra. Đương nhiên, cũng thật khó quên câu bình luận về lịch sử cũng của chính Will Durant trong tác phẩm để đời của ông: “History is mostly guessing, the rest is prejudice” - (tạm dịch: Lịch sử phần lớn là phỏng đoán, còn lại là định kiến).

Thoạt đọc qua, quả thật khó tránh khỏi cảm thấy có chút gì mâu thuẫn giữa câu này và công sức tâm huyết cả một đời ông cùng vợ bỏ ra để nghiên cứu về lịch sử văn minh nhân loại. Nhưng bất cứ ai từng bỏ thời gian tìm hiểu về lịch sử khi ngẫm kỹ lại hẳn đều nhận ra sự xác đáng, tinh tế trong câu nhận xét ngắn ngủi của Will Durant.

Phải là người nghiên cứu sâu và thấu hiểu về cách thức lịch sử loài người được ghi chép, truyền tải lại, đồng thời phải là một học giả thẳng thắn, chân thành, Will Durant mới có thể đưa ra nhận xét ngắn nhưng mô tả đầy đủ bản chất của các nguồn sử liệu được con người truyền nối lưu lại cho thế hệ sau.

Tổng kết hành trình xuôi dòng lịch sử văn minh nhân loại

Thú vị hơn thế, Will Durant còn nhìn xa hơn, thấy được ý nghĩa quan trọng của sử liệu về quá khứ, bất chấp chúng luôn thấm đẫm tính “phỏng đoán” và tinh thần “định kiến”. Chẳng thế ông đã dành cả cuộc đời cho bộ sách dài hơi Lịch sử Văn minh.

Ông cũng cùng người bạn đời của mình chấp bút cho tác phẩm súc tích Những bài học lịch sử như một tổng kết ngắn gọn lại những gì hai người đã đúc kết ra sau cuộc hành trình trong tâm thức xuôi dòng lịch sử nền văn minh nhân loại.

Những bài học lịch sử được hai tác giả viết vào thời điểm họ đã hoàn tất 10 tập đầu tiên của bộ Lịch sử Văn minh, gồm 13 chương ngắn. Trong đó, 11 chương của cuốn sách (từ chương 2 tới chương 12) giống như 11 bài luận nhỏ tương đối độc lập với nhau, mỗi chương đề cập tới một khía cạnh của tiến trình lịch sử nhân loại.

Những bài luận này được sắp xếp theo trình tự logic tương ứng với sự phát triển về chất của loài người từ khi bứt lên khỏi các sinh vật khác trên Trái Đất để rồi tạo dựng nên những giá trị vật chất và tinh thần vẫn được gọi chung là nền văn minh.

Hai tác giả bắt đầu từ việc trả lời câu hỏi thú vị và quan trọng: Ai cũng biết đọc các bản sử ký, sử liệu rất thú vị, nhưng nghiêm túc mà nói, lịch sử có giúp ích gì cho chúng ta trong việc tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn hay không, hay chỉ đem lại cảm xúc hấp dẫn tức thì của kiểu “mua vui cũng được một vài trống canh”?

Câu trả lời về sự hữu ích của tìm hiểu lịch sử được thể hiện ra một cách khéo léo ngay từ cách các tác giả phân tích mối quan hệ giữa con người và Trái Đất.

Bai hoc lich su anh 2

Sách Những bài học lịch sử. Ảnh: Omega Plus.

Lịch sử là ngọn hải đăng chỉ đường

Quá trình phân bố, phát triển của con người ban đầu bị chi phối mạnh mẽ bởi điều kiện địa lý của trái đất, song lịch sử đã cho thấy con người chưa bao giờ chấp nhận khoanh tay cam chịu mà ngày càng vượt ra khỏi vòng kiềm tỏa của địa lý.

Đó cũng chính là bài học lớn nhất, đầy lạc quan một cách thực tế và lý trí từ lịch sử: Con người chính là chủ thể sáng tạo nên văn minh, định đoạt vận mệnh chính mình nhờ vào những quyết định đúng đắn.

Và lịch sử chính là ngọn hải đăng duy nhất chỉ đường cho con người hải hành vào tương lai từ những gì đã diễn ra trong quá khứ. Vì thế, dù sử liệu không hoàn hảo đúng như Will Durant đã nhận xét, tìm hiểu, nghiên cứu về sử liệu vẫn không chỉ đem lại thú vui giải trí nhất thời mà thực sự có ích cho tương lai của loài người.

Từ sự khẳng định của bài luận đầu tiên này, hai tác giả đã đi tiếp vào phân tích các khía cạnh của bản thể con người và xã hội loài người, từ những khía cạnh tự nhiên (sinh học, nòi giống, tính cách) cho tới những khía cạnh xã hội (luân lý đạo đức, tôn giáo, kinh tế, chủ thuyết chính trị, chính quyền, chiến tranh).

Những bài học mang tính quy luật được các tác giả đúc rút một cách ngắn gọn nhưng sinh động từ từng khía cạnh trên của lịch sử đã cho thấy bản chất hai mặt trong tiến trình phát triển của loài người.

Một mặt, dường như những quy luật cơ bản chi phối con người vẫn y nguyên không có mấy đổi thay kể từ khi chúng ta bước chân vào kỷ nguyên văn minh cho tới nay. Hơn thế, những quy luật cơ bản đó (như cạnh tranh sinh tồn, xu hướng khuếch trương số lượng cá thể của giống loài, xu hướng tập trung quyền lực) ở loài người cũng giống hệt với mọi loại sinh vật khác, dù ở bậc nào của thang tiến hóa.

Bai hoc lich su anh 3

Hai tác giả Will và Ariel Durant. Nguồn: Will Durant Foundation.

Mặt khác, phần con người xã hội của chúng ta lại ghi nhận những biến động hết sức đa dạng, nhưng thoạt nhìn có vẻ luôn đan xen giữa hai chiều hướng: Tốt lên và tồi đi.

Từ những nền văn minh đầu tiên được manh nha hình thành cho tới ngày nay, lịch sử đã chứng kiến sự lớn mạnh rồi suy tàn của rất nhiều nền văn minh, quốc gia, dân tộc, hình thái kinh tế, học thuyết chính trị, hình thức chính quyền, đức tin tôn giáo... cũng như những tiến bộ xen lẫn thoái bộ về khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật.

Mỗi bước tiến bộ hay cú trượt thoái bộ đều khiến loài người phải trả một cái giá nhất định như một định mệnh không thể tránh khỏi. Nhưng quan trọng hơn thế, Will và Ariel Durant đã chỉ ra vai trò tối hậu của lịch sử với con người qua những phân tích khoa học.

Hai tác giả đã chỉ ra lịch sử chính là cơ sở dữ liệu ghi lại những cái giá loài người phải trả để đạt được mỗi tiến bộ, cũng như phải chịu từ mỗi thoái bộ.

PGS.TS Lê Đình Chi

Hai tác giả đã chỉ ra lịch sử chính là cơ sở dữ liệu ghi lại những cái giá loài người phải trả để đạt được mỗi tiến bộ cũng như phải chịu từ mỗi thoái bộ. Có nghĩa là nếu chịu khó lật giở lại cuốn sổ ghi lại chi phí cho những trải nghiệm cả ngọt ngào lẫn đắng cay của các thế hệ đi trước này, có lẽ thế hệ đi sau sẽ ít phải trả giá hơn.

Để chốt lại cho bản tổng kết “các bài học từ lịch sử” của mình, các tác giả dừng bước ở câu hỏi mà bất cứ ai trong chúng ta cũng từng trăn trở tự hỏi: Liệu tiến bộ có thực không, ngày mai liệu có hứa hẹn hơn ngày hôm qua không?

Không lạc quan cũng không bi quan thái quá, Will và Ariel Durant chốt lại tập sách nhỏ của họ bằng lời khẳng định đầy thuyết phục rằng tiến bộ là có thật dù không dễ dàng và không luôn bền vững.

Song mọi cái giá con người từng và sẽ còn bỏ ra cho tiến bộ đều là xứng đáng. Đồng thời cái giá phải trả cho thế hệ tương lai sẽ nhẹ nhàng hơn, thành quả thu được lớn lao, bền vững hơn nếu những bài học từ lịch sử được lắng nghe nghiêm túc, nếu ngày mai chịu học hỏi từ hôm qua.

PGS.TS Lê Đình Chi (sinh năm 1977) công tác tại Đại học Dược Hà Nội. Ông là người chuyển ngữ nhiều cuốn sách văn học, lịch sử, tiểu sử nổi tiếng như: Napoleon đại đế, Lịch sử (Herodotus), Những kỳ vọng lớn lao, Những người nuôi giữ bồ câu, Biểu tượng thất truyền.

Sức sống của tác phẩm hơn 2.000 năm

Phó giáo sư Lê Đình Chi cho rằng những điều mà Herodotus viết trong tác phẩm “Lịch sử” vẫn còn nguyên giá trị, sức hấp dẫn với bạn đọc hôm nay.

PGS.TS Lê Đình Chi

Bạn có thể quan tâm