Cách Manhattan chỉ khoảng 18 km, Đảo Hart hơn một thế kỷ nay là nơi an nghỉ cuối cùng cho những người vô danh và người nghèo của thành phố New York.
Hòn đảo nằm ngoài khơi quận Bronx trở thành tâm điểm chú ý khi thành phố thông báo sẽ biến nó thành nghĩa trang công cộng cho các nạn nhân Covid-19 vô danh.
Mộ tập thể chôn các nạn nhân Covid-19 trên Đảo Hart. Ảnh: The Washington Post. |
Chôn cất qua nhiều dịch bệnh
Đây là ngôi mộ tập thể lớn nhất ở Mỹ. Ít nhất 1.000 thi thể được chôn cất trên đảo này mỗi năm. Khu mộ vô danh, còn được gọi là City Cemetery, ở cánh đồng gốm có tới hơn 1 triệu thi thể.
Câu chuyện lịch sử của Đảo Hart đã bắt đầu từ rất lâu trước khi virus corona biến bang New York thành tâm dịch của Mỹ, sau đó là của thế giới.
Đây từng được biết đến là nơi đào tạo những người lính trong cuộc Nội chiến Mỹ. Được thành phố mua lại vào năm 1868, hòn đảo phía tây của Long Island Sound, bắt đầu trở thành nhà của các trại giáo dưỡng nam, trại tị nạn, nhà tù, trại cai nghiện và thậm chí là một silo tên lửa hạt nhân – nơi phóng tên lửa.
“Vô danh đơn giản có nghĩa là gia đình không thể tiến hành làm tang lễ cho họ. Điều đó không có nghĩa là người thân không mong muốn mai táng cho họ. Điều đó không có nghĩa là người đó hay gia đình họ nghèo. Chỉ có nghĩa là họ không làm vì bất kỳ lý do gì”, Melinda Hunt, Giám đốc dự án Đảo Hart, tổ chức phi lợi nhuận phụ trách việc chôn cất trên đảo, nói.
“Nó đã phục vụ thành phố qua nhiều dịch bệnh với số lượng người chết chưa từng có”.
Chẳng hạn, khi bùng phát bệnh sốt vàng da và bệnh lao vào thế kỷ 19, hòn đảo được sử dụng làm nơi cách ly cho những người nhiễm bệnh. Nó cũng là chìa khóa trong việc xử lý làn sóng các nạn nhân của đại dịch cúm năm 1918 với hơn 30.000 ca tử vong được ghi nhận trong thành phố, theo Washington Post.
“Thành phố có thể tái sử dụng các ngôi mộ sau 25 năm. Sau khi thi thể phân hủy hết chỉ còn lại xương, ngôi mộ sẽ được tái sử dụng hợp pháp. Đó là lý do thành phố New York chưa bao giờ hết chỗ chôn”, ông Hunt cho biết thêm.
Việc chôn cất tập thể trên Đảo Hart thường được liên tưởng với sự tiêu cực, rất có thể do hình thức chôn cất qua thời gian đã được tư nhân hóa. Tuy nhiên, Thomas Laqueur, giáo sư lịch sử danh dự của Đại học California tại Berkeley, người nghiên cứu về các nghi thức mai táng theo thời gian, cho biết kiểu chôn cất này là phổ biến.
Thành phố New York nói rằng những người được chôn cất đáng được tôn vinh. Ảnh: The Washington Post. |
“Ý tưởng về chôn cất tập thể, ngôi mộ tập thể ngày nay nghiêm trọng hơn vì nó hiếm gặp”, ông Laqueur cho biết. “Trong văn hóa của chúng ta, cái chết vô danh dường như là điều gì đó không thể chấp nhận được”.
Đảo Hart còn từng là nơi chôn cất người chết trong dịch AIDS vào cuối những thập niên 1980-1990 khi đại dịch đã giết chết hơn 100.000 người ở New York. Những thi thể được chôn ở đây để cách ly với các thi thể khác vì bị kỳ thị và nỗi lo thiếu hiểu biết về sự lây lan của AIDS.
Dữ liệu của hội đồng thành phố New York cho thấy số lượng các ngôi mộ đã tăng đột biến vào giữa năm 1988 vì dịch AIDS. Với 1.329 người được chôn cất ở New York, chiếm 1/4 nước Mỹ, Đảo Hart trở thành nghĩa trang lớn nhất trong đại dịch AIDS.
Tù nhân chôn cất
Việc chôn cất trước nay được tiến hành bởi các tù nhân, thường là từ đảo Rikers.
“Bạn đã nghe mọi người nói rằng nếu đến Hart, bạn sẽ bị ám ảnh suốt quãng đời còn lại chưa”, Saxon Palmer, cựu tù nhân Đảo Rikers, người đã chôn cất trong suốt thời gian án tù 4 tháng của ông ta năm 2019, nói. “Đó là trải nghiệm nhục nhã nhất của tôi”.
Người phát ngôn của Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết khi số tù nhân giảm đi, thành phố đã phải ký hợp đồng với một công ty đô thị tư nhân để họ tiếp quản công viên trên đảo từ ngày 6/4. New York cũng vấp phải làn sóng phẫn nộ về việc sử dụng tù nhân để chôn cất.
“Chúng tôi có những người chết vì virus corona không có người thân”, ông Laqueur cho biết. “Chúng tôi phải đấu tranh để họ trở thành một phần của cộng đồng, những người đáng được tôn vinh chứ không phải là điều nhục nhã”.
Mặc dù tin tức về các nạn nhân Covid-19 vô danh được chôn trên Đảo Hart đã làm dấy lên mối quan tâm của thành phố, ông Laqueur và ông Hunt vẫn cho rằng đây là cách tôn trọng nhất đối với những người đã khuất.
“Tôi thường nhắc đến Đảo Hart như ngôi mộ gia đình của thành phố New York. Chôn cất cùng những người của thế hệ trước là điều thực sự ý nghĩa”, ông Hunt hy vọng những người đã khuất có thể duy trì kết nối với nhau. “Thành phố đã tôn vinh mọi mạng sống”.