Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Leonardo da Vinci được nuôi dạy như thế nào?

Ban đầu, ông Piero muốn con trai trở thành luật sư. Khi phát hiện tài năng của Leonardo da Vinci, ông quyết định đầu tư cho con theo nghệ thuật.

Ông Piero vẫn thường xuyên quan sát con trai của mình, trông ông ngày càng đăm chiêu hơn. Ông nhận thấy cậu không hề quan tâm hay thích thú đến nghề nghiệp của mình, cái nghề đã mang lại cho ông và gia đình một đời sống khá giả và cả sự kính trọng của mọi người xung quanh.

Nhưng Leonardo không bao giờ quan tâm những câu chuyện mà ông nói với khách hàng, không để ý đến các vụ kiện tụng hay các điều luật. Cậu chỉ say mê học hỏi nhà bác học Toscanelli ẩn dật và kỳ quặc kia.

Họ nghiên cứu và tìm hiểu về các vấn đề khoa học, rồi họ trở thành một nhóm người lập dị. Ở Florence, đặc biệt là trong giới tín đồ ngoan đạo, người ta nói về họ chẳng mấy tốt đẹp.

Những việc làm đó liệu có mang lại điều gì tốt lành cho Leonardo không? Người ta sẽ nghĩ gì nếu con trai ông lại đi học những nhà khoa học huyền bí không quan tâm lắm đến ý kiến của giáo hội Cơ đốc? Ông Piero biết rằng trong số những người hay lui tới nhà của Toscanelli, còn có những người nổi tiếng được cả Florence kính trọng.

Ke chuyen cuoc doi nhung thien tai anh 1

Bảo tàng Leonardo Da Vinci ở trung tâm Florence. Nguồn: leisure-italy.

Ông Piero nghĩ: “Nếu nó không muốn theo đuổi nghề nghiệp của mình thì tốt nhất là cho nó làm họa sĩ. Mà họa sĩ ở Florence cũng được trọng vọng lắm chứ. Ngay cả bạn ta đấy thôi, tên tuổi Verrocchio cũng lừng lẫy khắp nơi. Phải rồi, ta sẽ nói chuyện với ông ấy xem sao”.

Leonardo rất vui khi biết ý định của bố. Cậu mong chờ ngày này lâu lắm rồi. Từ hồi còn ở Vinci, cậu đã vẽ nguệch ngoạc khắp nơi trong nhà, kể cả trong khu vườn nhỏ của cậu. Cậu muốn vẽ những gì mình thấy và cảm thấy thích thú về điều đó.

Ngay hôm đó, ông Piero đã rảo bước đến gặp danh họa Andrea di Michele di Francesco dé Cioni, biệt danh là Verrocchio.

Khi đến gần nhà Verrocchio, ông Piero nghe thấy từ xa tiếng người lao xao, cứ như thể có một cuộc cãi lộn đang xảy ra. Giọng đám thanh niên vang lên đầy kích động át cả tiếng hét giận dữ mà ông Piero nhận ngay ra là tiếng của bạn mình:

- Ta bảo trật tự rồi cơ mà! Để cậu ta nói xem câu chuyện thế nào.

Và khi tất cả đã im lặng, một giọng nói yếu ớt, nhát gừng vang lên:

- Làm sao con có thể chịu được khi người ta xúc phạm đến thầy.

Cậu bé vừa dứt lời thì đáp lại là tiếng cười khẽ của Verrocchio, tiếng cười rất quen thuộc với ông Piero:

- Bây giờ con về nhà đi đã, thầy sẽ nói chuyện với con sau.

Ông Verrocchio bước vào phòng, nơi ngổn ngang những vật dụng của xưởng vẽ. Ông không biết để mũ áo vào đâu, chỉ sợ bị dây sơn và màu vẽ vào áo. Đây là cảnh thường thấy của tất cả họa sĩ chứ không riêng gì ông. Verrocchio là họa sĩ, một nghệ nhân kim hoàn và là nhà điêu khắc, vì vậy, căn nhà ông luôn bề bộn những dụng cụ lỉnh kỉnh.

Khi ông Piero bước đến, từ giàn gỗ, Verrocchio nhảy xuống đất rồi mở cánh cửa đi sang phòng bên. Căn phòng này thường dùng để tiếp khách nên được xếp đặt gọn gàng, sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi.

Bên tách trà nóng, hai người bạn lâu ngày không gặp chuyện trò triền miên. Họ kể cho nhau nghe về cuộc sống vất vả của mình, về các khoản thu nhập và các khách đặt hàng. Họ còn trao đổi về các vụ kiện tụng gần đây, về những bức tranh đặt hàng ở xưởng vẽ của Verrocchio hay những tác phẩm mới của các nhà thơ.

Những câu chuyện nối tiếp nhau tưởng chừng như không bao giờ hết. Ông Piero đột nhiên chuyển đề tài bằng cách mở cuộn tranh vẽ của Leonardo ra:

- Anh Verrocchio, tôi đến chỗ anh cũng có chút việc đây.

Verrocchio ân cần hỏi:

- Có việc gì thế?

- Tôi muốn hỏi ý kiến của anh về con trai tôi. Cháu vẽ rất nhiều, còn đối với công việc của tôi thì cháu lại thờ ơ. Mời anh xem tranh của cháu, nếu anh thấy cháu có khả năng thì anh hãy nhận cháu làm học trò nhé!

Verrocchio chăm chú xem từng bức tranh một, và ông tỏ ra rất thích thú. Chỉ một số ít học trò của ông mới vẽ được như vậy. Ông thấy cậu bé này có nét vẽ rất táo bạo và có khả năng quan sát thiên nhiên tuyệt vời.

Ngay cả những người vẽ tranh lâu năm cũng hiếm ai có thể thể hiện được một cách trung thực những tư thế của con ngựa khi nó đứng im cũng như khi nó đang vận động. Verrocchio xem xong tranh và vui vẻ nhận lời:

- Tôi sẽ nhận cháu làm học trò. Anh hãy đưa cháu đến chỗ tôi càng sớm càng tốt. Chỉ có điều là tôi không cho phép cháu lười biếng và nghịch ngợm thôi.

Sau đó, hai người trao đổi về điều kiện học tập và kí hợp đồng. Theo bản hợp đồng, ông Piero sẽ nhận một số tiền nhất định vào cuối mỗi tháng vì người học việc cũng được coi là người làm công.

Trong giới họa sĩ ở Florence, Verrocchio rất được trọng vọng. Cũng như rất nhiều họa sĩ khác, ông bắt đầu sự nghiệp của mình từ nghề kim hoàn, rồi dần chuyển sang hội họa và điêu khắc. Nhưng ông thiên về ngành điêu khắc hơn.

Thiên hướng đó được thể hiện rõ trong các bức tranh của ông. Những hình thù trong tranh của ông được khắc họa khá chính xác và tỉ mỉ.

Rõ ràng danh họa nổi tiếng này rất chú trọng đến các chi tiết giải phẫu học. Sau này, bức tượng đồng miêu tả Bartolomeo Colleoni, vị nguyên soái quân đội đang oai phong trên mình ngựa, được đặt ở quảng trường tại Venice đã mang lại vinh quang cho ông.

Nhắc đến tên ông, bất cứ ai cũng đều ngưỡng mộ. Các tác phẩm của ông không phải xem thoáng qua là có thể hiểu ngay mà phải mất nhiều thời gian để đánh giá từng chi tiết nhỏ.

Ở Florence, người ta rất kính trọng ông, họ coi ông như một bậc thầy về nghệ thuật. Đứa trẻ nào cũng muốn trở thành học trò của ông. Mọi người đều biết ông cư xử đúng mực và rất gần gũi với đám học trò.

Rasmus Hoài Nam / Tân Việt Books / NXB

SÁCH HAY