Mới đây, hai tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc Samsung và SK đã yêu cầu các giám đốc cấp cao làm việc vào cuối tuần, tạo cảm giác áp lực và kích hoạt “chế độ khẩn cấp” trong nội bộ.
Tuy nhiên, động thái này gây ra không ít tranh cãi, bởi nhân viên lo ngại nó sẽ có tác động hoặc lan truyền đến chính sách làm việc tại các công ty khác và các cấp bậc thấp hơn.
Làm thêm giờ nhưng không được hưởng lương tăng ca
Hầu hết nhân sự quản lý ở quốc gia áp lực cao như Hàn Quốc đã quen với việc làm việc vào thứ bảy hoặc chủ nhật khi cần thiết. Nhưng yêu cầu chính thức về việc làm thêm ngày và buộc các nhân viên cấp cao phải chấp nhận chính sách làm việc 6 ngày/tuần trở nên khó chấp nhận với phần lớn lao động nước này.
Cuộc họp giám đốc cấp cao định kỳ của SK, trước đây vốn được tổ chức vào một ngày bất kỳ trong tháng, giờ đây sẽ diễn ra vào hai ngày thứ bảy mỗi tháng. Đây cũng là lần đầu tiên nhân sự tại tập đoàn này phải làm việc cuối tuần, sau 24 năm kể từ khi áp dụng tuần làm việc 5 ngày vào năm 2000.
Câu hỏi chính sách làm thêm giờ ép buộc như vậy sẽ có thể tạo ra hiệu quả hay không hiện vẫn chưa có lời giải. Ảnh: Bloomberg. |
Thay đổi này được đưa ra khi tập đoàn phải đối mặt với nhiều thách thức mới trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị hiện nay. Việc thay đổi lịch làm việc đang buộc một số nhân viên, cả trong và ngoài nhóm giám đốc điều hành, phải làm việc đến 6 ngày.
“Từ đầu năm đến giờ, nhiều buổi họp kinh doanh của nhóm nhân sự cấp cao luôn được lên lịch vào thứ bảy. Một số nhân viên cấp dưới không thể tránh khỏi cảnh bị buộc phải làm việc vào cuối tuần, vì họ phải chuẩn bị báo cáo hoặc tài liệu do giám đốc yêu cầu”, một nguồn tin nội bộ của tập đoàn SK nói với JoongAng Daily.
Hầu hết nhân sự cấp cao tại các tập đoàn này không được hưởng tiền làm thêm giờ, vì họ được xếp vào nhóm nhà tuyển dụng theo luật lao động Hàn Quốc.
Các công ty thành viên của Samsung bao gồm Samsung Electronics, Samsung C&T, Samsung SDS và Samsung Display cũng chính thức yêu cầu các giám đốc điều hành phải chọn một ngày làm việc thêm và phải xuất hiện tại văn phòng vào thứ bảy hoặc chủ nhật.
Yêu cầu làm việc 6 ngày được gửi đến thông qua các kênh nội bộ như email, nền tảng tin nhắn và trò chuyện trực tiếp, nhiều giám đốc tại các công ty thành viên của Samsung đã xác nhận.
“Trước đây, lịch làm việc 6 ngày/tuần sẽ được thông báo riêng từng bộ phận hoặc từng công ty. Điều đáng chú ý là Samsung đã biến nó thành truyền thống mới, áp dụng đều đặn hàng tuần”, một giám đốc cấp cao giấu tên nhận định.
Nhưng không phải tất cả công ty dưới trướng Samsung đều áp dụng cùng một quy tắc. Một số công ty tài chính nằm ngoài sự thay đổi này.
“Đôi khi chúng tôi vẫn làm việc vào cuối tuần khi cần thiết, nhưng chúng tôi không nhận được thông báo hoặc yêu cầu chính thức từ công ty để làm việc vào mỗi cuối tuần”, một nhân sự tại Samsung Life Insurance nói.
Gián tiếp ảnh hưởng đến nhân viên cấp dưới
Các lãnh đạo cấp cao của Samsung đã bị cảnh báo không được yêu cầu các nhân viên cấp dưới đi làm vào cuối tuần. Tuy nhiên, một số nhân viên cho biết họ lo ngại rằng quyết định này có thể buộc những người không phải là quản lý như họ phải làm thêm giờ.
“Rất khó để chia khối lượng công việc một cách nghiêm ngặt giữa cấp trên và các thành viên của một phòng ban”, đại diện Hội đồng công đoàn Quốc gia của Samsung Electronics - công đoàn lao động lớn nhất của tập đoàn - nói. Người này cũng cho biết hiện tại, các nhân viên chưa có kế hoạch biểu tình tập thể nhưng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình trong tương lai.
Samsung triển khai kế hoạch làm việc 6 ngày/tuần cho giám đốc để tạo cảm giác khủng hoảng và nỗ lực hết mình, vượt qua giai đoạn khó khăn. Ảnh: Yonhap News. |
Nói với Korea Times, các giám đốc điều hành cho rằng chính sách làm việc 6 ngày/tuần là "lỗi thời và không hiệu quả". Điều này đi ngược lại mô hình toàn cầu, làm suy yếu niềm tin của nhân viên và tinh thần chung tại nơi làm việc.
"Ngay cả khi các nhân viên bình thường không làm việc 6 ngày, họ vẫn sẽ cảm thấy áp lực và mệt mỏi khi các giám đốc điều hành phải làm việc cả trong cuối tuần. Điều này rõ ràng đi ngược lại mô hình lao động toàn cầu. Bên cạnh đó, chính sách làm thêm giờ ép buộc như vậy sẽ có thể tạo ra hiệu quả hay không hiện vẫn là câu hỏi chưa có lời giải”, một giám đốc giấu tên nói.
Đồng ý với quan điểm này, một nhân sự cấp cao khác khẳng định với vị thế là những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc, thay đổi của Samsung và SK sẽ tạo ra tác động tiêu cực trong toàn ngành. “Họ có thể sẽ làm dấy lên xu hướng mới, thúc đẩy các giám đốc điều hành từ các công ty lớn hoặc nhỏ khác đi theo cách tương tự", vị giám đốc này nói.
Trên hết, theo ông, nếu các giám đốc điều hành làm việc vào cuối tuần, họ có thể sẽ thúc đẩy nhân viên hoặc thành viên trong nhóm của mình thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn bình thường.
“Khi các giám đốc điều hành vạch ra kế hoạch như vậy cho từng bộ phận, những nhân viên cấp dưới sẽ chịu nhiều áp lực phải làm việc chăm chỉ hơn. Đây là phong cách làm việc lỗi thời theo quan niệm người trẻ. Hiện vẫn không rõ liệu chế độ làm việc 6 ngày/tuần của các giám đốc điều hành có hiệu quả hay giúp cải thiện năng suất hay không”, giám đốc giấu tên nói.
Với tập đoàn Hyundai Motor Group và LG, 2 cái tên còn lại trong 4 đế chế hàng đầu của Hàn Quốc cho biết họ không áp dụng lịch làm việc 6 ngày trong tuần và cũng không có kế hoạch thực hiện vào thời điểm hiện tại.
Lee Kun Hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung
Cuốn sách cho thấy những chọn lựa chiến lược nhạy bén và đúng đắn của ông Lee Kun Hee, từng bước đưa Samsung đến vị trí hôm nay. Bên cạnh đó, sách đề cập tinh thần và ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý độc đáo của Lee Kun Hee.