Tập đoàn muốn tạo ra cảm giác khẩn cấp khi rủi ro địa chính trị và kinh tế toàn cầu tăng lên. Ảnh: KED. |
Bắt đầu từ tuần này, toàn bộ giám đốc ở các đơn vị thuộc tập đoàn Samsung sẽ phải làm việc 6 ngày/tuần để chuyển sang chế độ khẩn cấp. Động thái này được đưa ra giữa bối cảnh đồng KRW mất giá, giá dầu tăng cao và phí vay cao làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn của tập đoàn.
Biểu hiện rõ nhất là vào năm 2023, nhiều mảng kinh doanh chủ chốt tại Samsung ghi nhận kết quả thấp hơn kỳ vọng.
Phá vỡ truyền thống làm việc 5 ngày/tuần
Theo Korean Economic Daily, các giám đốc của Samsung Electronics, bao gồm cả bộ phận sản xuất và bán hàng, sẽ lựa chọn tăng ca vào thứ 7 hoặc Chủ nhật sau khi đã làm việc đủ 5 ngày trong tuần, theo các quan chức của tập đoàn.
Họ sẽ xem xét chiến lược kinh doanh và có thể điều chỉnh để thích ứng với môi trường kinh doanh đang thay đổi, các rủi ro địa chính trị gia tăng từ xung đột Nga - Ukraine, hay căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
"Hiệu suất của các mảng kinh doanh chính, bao gồm Samsung Electronics, thấp hơn mong đợi trong năm 2023. Do đó, chúng tôi đã triển khai kế hoạch làm việc 6 ngày/tuần cho các lãnh đạo cấp cao để tạo cảm giác khủng hoảng và nỗ lực hết mình, vượt qua giai đoạn khó khăn", một giám đốc tại tập đoàn cho biết.
Biểu đồ giá cổ phiếu Samsung Electronics đầu năm 2024. Ảnh: Sunny Park. |
Theo Korean Economic Daily, Samsung chuyển sang chế độ khẩn cấp sau khi tập đoàn năng lượng - viễn thông SK tổ chức họp ban giám giám đốc điều hành đến từ các chi nhánh hôm 13/4.
Trước đó, tập đoàn đứng thứ 2 Hàn Quốc đã áp dụng lịch làm việc 5 ngày từ tháng 7/2000. Nhằm thay thế cuộc họp ủy ban chiến lược mỗi tháng một lần, cuộc họp ban giám đốc được tổ chức vào các ngày trong tuần cho CEO của các đơn vị.
Các công ty hóa chất dầu trong nước cũng đang thắt lưng buộc bụng để sống sót trong giai đoạn suy thoái do chuỗi cung ứng bành trướng từ các đối thủ Trung Quốc. LG Chem và Lotte Chemical đều phải liên tục tái cơ cấu doanh nghiệp bằng cách đóng cửa một số hoạt động thua lỗ hoặc đưa các mảng kinh doanh trọng yếu ra bán.
Các tập đoàn Hàn Quốc khác dự kiến cũng sẽ làm theo. Bên cạnh đó, kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc vào tuần trước đã đặt ra hàng loạt nghi ngờ xoay quanh tính khả thi của các đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp do Tổng thống Yoon Suk Yeol đưa ra. Đảng Dân chủ đối lập đã giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử vào ngày 10/4, chiếm thế đa số ở quốc hội.
Cạnh tranh tăng cao, rủi ro chính trị liên miên
Ban quản lý cấp cao tại Samsung Display, Samsung Electro-Mechanics và Samsung SDS sẽ áp dụng tuần làm việc suốt 6 ngày sớm nhất là từ tuần này. Công ty Bảo hiểm Samsung Life và các công ty dịch vụ tài chính khác thuộc tập đoàn có thể sẽ được triển khai sau. Còn ở Samsung C&T, Samsung Heavy Industries và Samsung E&A, các giám đốc đã tự nguyện làm việc 6 ngày/tuần từ đầu năm nay.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, các nhân viên dưới cấp quản lý của tập đoàn vẫn sẽ tiếp tục làm việc 5 ngày/tuần - truyền thống đã kéo dài từ năm 2003.
Chủ tịch Samsung Electronics Jay Y. Lee (thứ ba từ trái sang) thăm một dây chuyền bán dẫn ở Hàn Quốc năm 2023. Ảnh: Samsung. |
Theo Korean Economic Daily, năm 2023, Samsung Electronics ghi nhận khoản lỗ lên đến 15 nghìn tỷ KRW (11 tỷ USD) trong lĩnh vực bán dẫn cốt lõi. Trong đó, bộ phận Giải pháp Thiết bị (Device Solution) - chuyên về chất bán dẫn - chiếm khoảng 80% doanh thu của Samsung.
Đến đầu tháng này, nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới đã cho thấy dấu hiệu thị trường bán dẫn sắp kết thúc suy thoái, sau khi công bố lợi nhuận dự kiến tăng trưởng gấp 10 lần trong quý I/2024. Tuy nhiên, tập đoàn có thể gặp khó khăn khi đồng KRW giảm mạnh và sự leo thang giá dầu, kết hợp với rủi ro chính trị từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Trong tuần này, giá đồng KRW đã giảm giá xuống mức 1.400 KRW/USD, mức thấp nhất kể từ ngày 7/11/2022. Giá dầu Dubai tăng lên 90,26 USD/thùng vào ngày 16/4, từ mức 86,31 USD vào cuối tháng trước.
Samsung đang cố gắng vượt qua đối thủ trong nước là SK Hynix Inc. trên thị trường bộ nhớ băng thông cao (HBM) đang phát triển. Sản phẩm này được sử dụng rộng rãi cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong lĩnh vực nhà máy sản xuất chất bán dẫn, tập đoàn Hàn Quốc phải đối mặt với thách thức từ Intel. Hãng này đang có kế hoạch sản xuất vi xử lý cho các công ty bán chip không có nhà máy sản xuất, đồng thời nỗ lực vượt qua kẻ dẫn đầu TSMC.
Lee Kun Hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung
Cuốn sách cho thấy những chọn lựa chiến lược nhạy bén và đúng đắn của ông Lee Kun Hee, từng bước đưa Samsung đến vị trí hôm nay. Bên cạnh đó, sách đề cập tinh thần và ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý độc đáo của Lee Kun Hee.