Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/3 ký sắc lệnh cấm nhập cảnh mới, có hiệu lực từ ngày 16/3. Dù được cho là phiên bản "nâng cấp" của lệnh hành pháp cũ từng bị tòa án liên bang chặn đứng, sắc lệnh mới của ông Trump đang tiếp tục gây nhiều tranh cãi về nội dung, tính hợp pháp cũng như hiệu quả.
Vì sao Iraq được 'miễn'?
Sắc lệnh hành pháp mới của chính quyền Trump tạm thời dừng cấp thị thực cho những người đến từ 6 nước Hồi giáo gồm Syria, Iran, Libya, Somalia, Yemen và Sudan. 6 quốc gia này được đưa vào danh sách bởi năng lực thông tin và rà soát của họ không đạt tiêu chuẩn an ninh Mỹ.
So với danh sách 7 nước bị cấm trong sắc lệnh đầu, Iraq là quốc gia duy nhất được "miễn trừ". CNN dẫn thông tin từ một quan chức cấp cao Mỹ cho hay sự thay đổi này diễn ra sau khi chính phủ Iraq tiến hành cuộc vận động hành lang mạnh mẽ với Washington.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi từng điện đàm để thảo luận về việc bỏ Iraq ra khỏi danh sách các nước bị cấm trong sắc lệnh nhập cư mới. Ảnh: knnc.net. |
Cuộc vận động được thực hiện bởi các quan chức cấp cao nhất của Baghdad. Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi hôm 10/2 đã gọi điện cho Tổng thống Donald Trump. Ngày 18/2, ông Abadi cũng có cuộc trò chuyện trực tiếp với Phó tổng thống Mike Pence ở Munich, Đức.
Những cuộc tiếp xúc trên diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và quan chức Baghdad nhiều lần thảo luận về các biện pháp an ninh nhằm ngăn khủng bố từ Iraq tới Mỹ.
Ông cho biết trong tháng qua, hai bên đã xem xét kỹ và đề ra nhiều biện pháp an ninh để cải thiện khả năng kiểm tra lý lịch công dân Iraq. Bộ Ngoại giao Mỹ và chính phủ Iraq sẽ triển khai các biện pháp đó nhằm ngăn chặn tội phạm và khủng bố xâm nhập vào nước Mỹ.
Tòa có thể chặn sắc lệnh mới không?
Theo Washington Post, lệnh hành pháp về nhập cư "phiên bản 2.0" được đánh giá là "mềm mỏng" hơn sắc lệnh cũ về một số điểm. Nó không áp dụng với người có thị thực vào Mỹ, cư dân thường trú tại Mỹ và giảm từ cấm nhập cư vô thời hạn đối với người tị nạn Syria xuống còn 120 ngày.
Bộ Tư pháp khẳng định sắc lệnh mới không nhằm vào người Hồi giáo, hợp pháp và phù hợp quyền hạn tổng thống.
Theo AP, lệnh hạn chế nhập cảnh mới có thể giúp ông Trump vượt qua một số thách thức về mặt pháp lý. Việc miễn trừ cho người có thị thực và thẻ xanh giúp phiên bản "sửa đổi" khó bị chất vấn về quy trình tố tụng công bằng quy định trong Tu chính án số 5.
Lệnh này cũng không đề cập đến tôn giáo, đồng thời người tị nạn theo đạo Thiên chúa không còn thuộc diện ngoại lệ.
Trước đó, sắc lệnh nhập cư đầu của ông Trump bị tố vi hiến vì phân biệt tôn giáo. Sự "cải tiến" trên có thể giúp cho lệnh mới khó bị ngăn chặn hơn. Luật sư về nhập cư ở New York Ted Ruthizer nói rằng lệnh này "rất, rất khó bị chặn" bởi thẩm phán liên bang.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp hạn chế nhập cư đầu tiên ngày 27/1. Ảnh: Getty. |
Mặc dù vậy, giới phê bình nhận định vẫn còn những "sơ hở" khiến phiên bản "nâng cấp" có thể bị tòa án xem xét. Washington Post đánh giá lệnh mới dù không đề cập trực tiếp nhưng vẫn nhắm vào người Hồi giáo, vấn đề sắc lệnh ban hành hôm 27/1 từng bị toà phản đối.
Những thay đổi có thể khiến lệnh nhập cư mới chặt chẽ hơn về mặt pháp lý song "các vụ kiện tụng sẽ không chấm dứt", Stephen Yale-Loehr, luật sư về nhập cư tại Đại học luật Cornell, cho biết. Phe phản đối cam đoan sẽ tiếp tục đối mặt với Tổng thống Trump tại tòa.
"Nhiều người Mỹ sẽ kiện vì không thể gặp người thân. Các công ty sẽ kiện vì không thể tuyển dụng người lao động từ 6 nước bị cấm. Các trường đại học sẽ lo lắng về ảnh hưởng của sắc lệnh đối với việc tuyển sinh viên quốc tế", ông Yale-Loehr nói.
Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson, người kiện lệnh nhập cư đầu tiên ra tòa khiến nó bị chặn trên toàn quốc, nói rằng ông đang xem xét sắc lệnh mới để quyết định bước đi pháp lý tiếp theo.
Liệu nước Mỹ có an toàn hơn?
Ngoại trưởng Tillerson phát biểu hôm 6/3 rằng sắc lệnh hành pháp mới là "biện pháp sống còn để tăng cường an ninh quốc gia", "giúp cho người dân được an toàn".
Tuy nhiên, nhà phân tích Ilya Somin nhận định trên Washington Post rằng lệnh cấm nhập cư mới của Washington gây thiệt hại lớn cho người nhập cư trong khi mang lại lợi ích không đáng kể về an ninh. Hàng nghìn người tị nạn sẽ bị đẩy vào cảnh khổ sở và có thể mất mạng vì lý do an ninh rất phi lý.
Lệnh cấm nhập cư của ông Trump làm dấy lên làn sóng biểu tình mạnh mẽ nhằm phản đối việc phân biệt đối xử với người Hồi giáo. Nhiều người Hồi tại Mỹ lo sợ lệnh cấm nhập cư sẽ khiến họ không thể gặp các thành viên trong gia đình mình do hạn chế đi lại. Ảnh: Getty. |
Chính quyền Trump lý giải việc đưa các quốc gia nhất định vào danh sách cấm là vì những nước đó không thể kiểm soát chặt lý lịch của công dân tới Mỹ, cho rằng đó là nơi "hiện diện" hoặc là "ẩn náu an toàn của chủ nghĩa khủng bố". Tuy nhiên, trong phiên tòa xem xét sắc lệnh nhập cư cũ, Washington đã không chỉ ra được bất cứ ai đến từ những nước bị cấm từng tấn công khủng bố ở Mỹ.
Những người chỉ trích các lệnh nhập cư của ông Trump cho rằng cấm công dân các nước Hồi giáo để chống khủng bố là một biện pháp sai lầm.
"Nếu chúng ta gửi tín hiệu tới Trung Đông rằng Mỹ coi người Hồi giáo là khủng bố, những kẻ tuyển mộ sẽ nói với con cháu chúng nước Mỹ cấm đạo Hồi, nước Mỹ chống đạo Hồi", Thượng nghị sĩ Ben Sasse từ bang Nebraska cho biết.
Theo ông Sasse, cách làm này sẽ chỉ khiến thế giới Hồi giáo càng căm ghét và muốn chống lại nước Mỹ. "Cách tiếp cận đó là sai và sẽ càng làm cho chúng ta không an toàn".
Với việc hạn chế công dân 6 nước Hồi giáo nhập cư, sắc lệnh mới của ông Trump còn có thể sẽ khiến những người dân ở các nước bị cấm không hợp tác chiến đấu cùng lực lượng Mỹ, từ đó làm gia tăng nguy cơ khủng bố.