Mai anh đào nở rộ ở Đà Lạt. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đà Lạt những ngày xuân, tôi rong ruổi theo người con của xứ ngàn thông, nghe lòng mình dậy sóng những niềm thương.
Biểu tượng của mùa xuân Đà Lạt
Cứ nghe gió chạp hiu hắt, người trẻ thích xê dịch, người trót phải lòng Đà Lạt, người lỡ vương hồn mình vào những mùa hoa, cứ hay nhắn tin ngược xuôi hỏi thông tin về hoa đào Đà Lạt đã nở chưa. Bởi vì, mai anh đào mỗi năm mỗi khác, có khi thật sớm trước mùa Noel, cũng có khi lại thật muộn đến tận tháng Hai hoặc tháng Ba. Các cung đường ngắm mai anh đào cũng không đồng đều. Thường thì trên các triền núi, khu vực ngoại ô Đà Lạt sẽ nở sớm hơn bên trong đô thị và trung tâm thành phố Đà Lạt.
Nói tới hoa đào của Đà Lạt, bạn bảo “hoa đào Đà Lạt phải gọi đúng tên là mai anh đào”. Đây là một giống hoa cổ nguồn gốc từ cao nguyên Lâm Viên từ thuở nguyên sơ. Thân cây thật lớn vững chãi thuộc giống đào mận, có những gốc đào già có thể cao đến ba mươi mét hơn nhưng cánh hoa lại nhỏ xíu xiu với năm cánh rõ rệt.
Có lẽ vì vậy, người ta mới gọi tên hoa kết hợp giữa đào và mai. Sắc hồng tươi của đào và hình dáng mảnh khảnh của mai. Khi ngắm mai anh đào, người ta có thể liên tưởng đến cốt cách và phong thái của người Đà Lạt. Những con người xứ núi vững vàng cứng cỏi nhưng lại nhẹ nhàng tinh tế thong dong.
Thực ra ở Đà Lạt hiện tại tồn tại cùng lúc đến ba loại hoa đào; mai anh đào truyền thống, đào Nhật Tân - Hà Nội và đào Nhật Bản (du nhập vào năm 1964 và 1990). Tuy nhiên, với người Đà Lạt, mai anh đào mới thật sự là giống hoa của Lâm Viên và luôn tự hòa với loài hoa đặc biệt vừa đào vừa mai này. Đối với cả giới trẻ Đà Lạt, không vẻ đẹp nào qua khỏi mai anh đào nở rộ vào xuân bởi hoa chính là hồn người Lâm Viên tự bao đời.
Bạn bảo, nếu tìm hiểu quá trình di dân di hoa của người Hà Nội, Nghệ An từ những năm 1927 không ai không nhớ cụ Nguyễn Thái Hiến, người được xem là ông tổ nghề hoa tại Đà Lạt (1989-1956).
Theo người xưa kể lại, khi cụ Hiến được giao nhiệm vụ trồng cây cảnh trong khuôn viên các dinh thự, các trục lộ ven hồ Xuân Hương ông đã phát hiện ra giống mai anh đào trong một khu rừng ở gần ấp Tân Lạc nên đã đề nghị đem về trồng trong trung tâm thành phố. Bắt đầu từ 1935, chính tay cụ Hiến đã trồng những gốc mai anh đào đầu tiên từ cầu Ông Đạo lên đến rạp Hòa Bình. Kể từ đó, sắc hồng vừa mai vừa đào này đã tô đẹp cho Đà Lạt mỗi độ xuân về. […]
Bạn dẫn tôi đi qua những thung sâu ngọt hồng mai anh đào. Mùa xuân chấp chới trên vòm trời biêng biếc. Một tối muộn, giữa ngôi nhà sàn đơn sơ, chúng tôi nhấp từng ngụm rượu mai anh đào. Nghe xuân căng tràn lên tuổi đôi mươi. Bạn bảo, sau khi hoa tàn, sẽ lộ ra các trái nhỏ từ gốc của đài hoa.
Người dân sẽ hái những trái mai anh đào này đem về ngâm rượu để tạo ra một loại đặc sản rất đặc biệt dành riêng cho người bản xứ. Rượu mai anh đào ít được phổ biến, chỉ truyền dạy lại cho người trong nhà với nhau. Vì thế, món thức uống đặc biệt sau mùa xuân này vẫn còn là một bí mật gia truyền của vài hộ gia đình ở Đà Lạt.
Tiết trời se lạnh, các con dốc yên bình, ánh nắng len qua từng khe nhỏ giữa các cánh hoa, mùi hương thoảng của mai anh đào trong gió cứ phảng phất khiến lòng mình khoan khoái một cách bình yên. Vậy nên, mai anh đào từ rất lâu đã được coi là biểu tượng của mùa xuân Đà Lạt.
Hồn tôi quẩn quanh theo cánh trắng rơi
Nhiều năm gần đây, thành phố ngàn hoa Đà Lạt lại có thêm một nét đặc trưng mới cho những ngày tiết trời cuối chạp đầu xuân, đó là “mùa trắng hoa ban”. Rất nhiều du khách đổ dồn về cao nguyên lạnh này, để săn cho được những bức ảnh tinh khiết và trắng ngần của loài hoa này.
Nếu như trước đây, muốn săn hoa ban, phải vất vả tìm về vùng núi Tây Bắc, thì từ năm 2007, Đà Lạt đã bắt đầu đem giống hoa ban từ Tây Bắc về trồng đầu tiên ở các trục đường chính cửa ngõ của Đà Lạt như Trần Phú, Hùng Vương, Phù Đổng.
Từ sau khi có hoa ban, Đà Lạt đã gần như Hà Nội với các mùa hoa quanh năm theo từng tháng và từng mùa thời tiết. Nếu gọi là đủ như Hà Nội mười hai sắc hoa thì Đà Lạt cũng không kém phần. Tháng mười nở rộ dã quỳ tô vàng khắp các triền đồi ven đường, tháng mười một trái hồng chín đỏ mọi con đường cổ xưa của Đà Lạt.
Các trận gió đông về chuẩn bị cho sắc hồng đón xuân của mai anh đào chính là mùa trắng tinh tươm của núi rừng cao nguyên. Hoa ban thường chớm nở cuối đông, rực trắng vào đầu xuân và kéo dài đến tận đầu hạ. […]
Trong cái rét, cái gió, khí trời bàng bạc sương mù, ngước lên cao, hàng cây trắng như tuyết góp phần làm những con đường Đà Lạt nhưng một thước phim lãng mạn. Rất nhiều bạn trẻ đã tìm đến mùa hoa ban Đà Lạt để sáng tạo ra những tác phẩm hình ảnh mê mẩn người xem. Rất nhiều cặp đôi cũng tìm về theo mùa hoa ban để tạo nên những bức hình cưới tinh khôi và băng khiết cho cột mốc đẹp nhất của cuộc đời mình.
Bạn dừng chân đứng lại thật lâu trước cung đường trắng màu hoa ban, bạn nói, với hoa ban đừng nhanh chân bước vội, đừng ngắm một cách mơ hồ nhanh gọn, sẽ không cảm nhận hết được vẻ đẹp của những con đường hoa ban ở Đà Lạt.
Phải đi thật chậm rãi, chọn những con dốc để ngắm hoa ban từ trên cao xuống mới thấy được trọn vẹn cảnh sắc của hoa ban Đà Lạt. Không hùng vĩ như vùng Tây Bắc, ban của Đà Lạt lại có vẻ kiêu kỳ buộc người qua lại phải ngước mắt thật cao hoặc ngắm nhìn từ tận xa. […]
Tôi nói với bạn, hoa ban đã góp thêm thi vị vốn có từ bao đời cho cuộc sống của người Đà Lạt và góp thêm chút ý nghĩa cho thành phố được mệnh danh là tình yêu và nỗi nhớ của bao người mộ điệu Đà Lạt. Họ tìm về đây, không chỉ là những mùa hoa, mà là cả một trời thương tưởng đong đầy nhiều kí ức, nhiều hoài vọng, và rất nhiều bước chân lạc chiều mỗi bận gió rơi.