Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lên Sài Gòn mót củi mưu sinh, kiếm 100.000 đồng/ngày

Không phải ở rừng xanh hay núi thẳm heo hút mà từ hơn chục năm qua, ngay giữa lòng Sài Gòn hoa lệ luôn có hàng chục người lặng lẽ với nghề mót củi để mưu sinh.

Với thu nhập mỗi ngày khoảng một trăm ngàn, những cây, cành củi bỏ đi ở khu vực bãi rác của khuôn viên công ty Công viên cây xanh TP.HCM thực sự là nguồn sống, là sinh kế của nhiều người nghèo nơi đây.

Tiều phu giữa… Sài thành

Từ sáng sớm, khi những chiếc xe chở cành cây, gốc cây gãy đổ ở khắp thành phố đã được mang về quy tụ, đỗ lại ở khu đất trống của công ty Công viên cây xanh thành phố thuộc địa phận ấp 3 (xã Đông Thạnh, Hóc Môn, TP.HCM), chúng tôi đã thấy hàng chục người hối hả chạy tới bắt đầu công việc của mình. Bà Tho, một người làm nghề tiều phu này đã 6, 7 năm tươi cười cho biết: Mặc dù tôi không phải là người dân ở đây, nhưng mấy năm trước do cơ duyên nên đã gắn bó với nghề chặt cây, mót củi này. 

Bà Tho với thành quả lao động của mình.
Bà Tho với thành quả lao động của mình.

Hồi đó, hai vợ chồng tôi ở trên Bình Phước lưu lạc xuống thành phố làm ăn, có thuê nhà ở trọ chỗ cầu Rạch Tra. Ban đầu là làm phu hồ, sau đó chẳng may chồng bị tai nạn ngã gãy chân nên không làm việc nặng được. Nhân lúc chưa biết làm gì tiếp để sinh nhai thì có bà người quen gần đây bảo đi kiếm củi cùng.

Lúc đầu nghĩ ở thành phố giờ đa phần người ta dùng ga, dùng điện làm chất đốt. Ngay cả những nhà hàng, quán ăn họ cũng dùng than chứ mấy ai dùng củi. Với lại, thành phố đâu đâu cũng là nhà, đất trống còn chẳng có lấy đâu ra rừng mà đi mót củi. Sau một hồi đắn đo tôi vẫn quyết định đi theo. Dần dà, cái nghề chặt cây, cắt cành này theo tôi từ bấy đến nay. 

Mà nghĩ kể cũng lạ, hồi ở Bù Nho (Bình Phước) thì không làm nghề tiều phu mà xuống giữa thành phố lại theo nghề này. "Ban đầu chỉ mình tôi, sau đó cả chồng cũng theo ra, ngồi chặt, đốn phụ giúp vợ. Nhờ có nghề này mà ba đứa con tôi đều đã học hành đầy đủ, đã ra trường đi làm với một công việc khá tốt", bà nói. 

Về công việc hiện tại, bà Tho cho biết thêm, từ hơn một tháng nay, thành phố bước vào mùa mưa, số lượng cây, cành bị gẫy, bị hư hay được cắt bỏ rất nhiều, vì tuyến đường nào cũng có trồng cây xanh. Mỗi ngày có cả hai chục xe chở cây, cành củi về đổ ở đây nên chúng tôi làm từ sáng tới tối mịt chưa hết việc. Nhìn có vẻ khá đơn giản nhưng việc chặt cành, cắt lá để những cành cây biến thành củi lại không hề đơn giản, khá tốn sức lao động, nhất là khi những người mót củi ở đây hầu hết đều là phụ nữ, người già. Mỗi ngày, nếu chăm chỉ thì có thể chặt được tối đa từ 6, 7 bó củi. Theo bà, nếu có một chiếc máy cưa thì sẽ dễ dàng hơn, bởi vật dụng duy nhất là con dao rựa nhiều lúc cứ trượt đi vì lực không đủ mạnh để chặt cành. Vậy nhưng, với giá bán khoảng năm triệu đồng, việc sở hữu một chiếc máy đó với những người tiều phu mót củi này thực sự là ngoài khả năng. 

Kiếm củi để mưu sinh

Theo quan sát, tại khu vực bãi rác đổ cây xanh này có khoảng gần 20 người làm nghề mót củi. Từ những bà cụ bảy mươi cho tới những cậu bé hơn chục tuổi theo mẹ ra chặt cành, hay một vài thanh niên thất nghiệp cũng theo vợ ra đây kiếm kế sinh nhai. Trong số đó có anh Thỏa - một người ngụ ở xã Bình Mỹ (Củ Chi) cho biết: "Trước tôi làm công nhân chế biến thủy sản ở bên quận 12, nhưng từ tháng 8, công ty cho nghỉ việc vì lý do sản xuất khó khăn. Thế là tôi cùng vợ sang đây kiếm củi bán để mưu sinh. Nghề này có chút vất vả, lại phải làm việc ở ngay giữa bãi rác, nơi người ta đổ bỏ cây củi đi nên nhiều người cảm thấy e ngại chứ thực ra, thu nhập cũng khá tốt. Nếu chăm chỉ, một ngày 2 vợ chồng cũng chặt được một xe củi, bán được hơn hai trăm ngàn đồng, thu nhập cao hơn so với nghề khác".

Mặc dù chỉ là khu vực bãi rác - nơi những cành cây, gốc củi được vứt bỏ đi nhưng đây lại là nơi nương náu của khá nhiều mảnh đời với những hoàn cảnh cơ cực khác nhau. Như bà Tho tâm sự thì nếu không có những cành củi khô này, bà đã không biết phải nương náu vào đâu để sống. 

Theo anh Thuận, nhân viên bảo vệ của công ty công viên cây xanh thành phố, mặc dù quy định của công ty là không cho người lạ ra vào, nhưng do hầu hết những cành, cây củi được đem về đây đều là phế thải, sẽ bị đốt thiêu hủy nên thấy một số người dân nghèo trong khu vực tìm đến chặt, đốn đem về bán mọi người cũng tạo điều kiện. Hiện nay, sau khi những người mót củi đó chặt, lấy những khúc củi cần thiết, những phần còn lại của cây, cành đều được nhân viên công ty đem đốt thiêu hủy để đảm bảo vệ sinh môi trường và tạo khoảng không cho những xe chở cây cành tiếp theo, bởi lượng cây cành gãy đổ, bị chặt bỏ ở khắp thành phố là rất lớn.

Cậu bé ăn xin thành giám đốc công ty du lịch cực nhọc

Từ một đứa trẻ phải đi ăn xin để chống đói, với 10 triệu đồng trong tay, Nguyễn Đình Hiếu trở thành giám đốc công ty du lịch chuyên thiết kế các tour cực nhọc, vất vả.

http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=92340&menu=1434&style=1

Theo Đoàn Xá/ Đại Đoàn Kết

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm