Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lên mạng xã hội đòi nợ là thiếu văn minh

Ông Đậu Anh Tuấn tư vấn các doanh nghiệp Việt khi làm ăn với đối tác nước ngoài tránh tranh chấp hợp đồng như trường hợp các doanh nghiệp gỗ với công ty của chồng ca sĩ Thu Minh.

Trao đổi với Zing.vn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho hay, lẽ ra trước khi ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp Việt nên tham vấn luật sư, sử dụng các chính sách pháp lý cho chặt chẽ.

cong ty chong ca si Thu Minh anh 1
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI. Ảnh: Vietnamnet.

 

Theo ông Tuấn, doanh nghiệp cũng cần tính đến trường hợp khi có tranh chấp xảy ra thì cách thức giải quyết sẽ thế nào?

“Theo tôi nên khởi kiện ra tòa hoặc chọn trung tâm trọng tài. Đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại… nên chọn hình thức giải quyết tranh chấp qua trung tâm trọng tài vì như thế vừa chuyên sâu vừa đảm bảo công tác giữ bí mật sự việc”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho hay, trọng tài thương mại là phương thức phổ biến, thông minh đã và đang có ở nhiều nước. Ở Việt Nam cũng có trung tâm trọng tài quốc tế, hàng năm giải quyết rất nhiều vụ tranh chấp.

Theo ông, đòi nợ thông qua mạng xã hội, báo chí… thực chất chỉ là tạo sức ép, không phải cách làm phù hợp và văn minh. Thậm chí cách đòi nợ như vậy dễ dẫn tới nguy cơ vi phạm pháp luật như bôi nhọ, xúc phạm danh dự của người khác.

"Do vậy, trước khi đặt bút ký hợp đồng hợp tác, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu kỹ về đối tác, hệ thống pháp luật mà họ đang hoạt động. Để đảm bảo chữ tín cần tìm hiểu rõ tiền sử, bản chất của đối tác, thậm chí người trực tiếp giao dịch với mình xem họ có quyền để đại diện hay không, phạm vi họ được đàm phán thế nào…”, ông Tuấn phân tích.

Thu Minh: Làm ăn với chồng tôi mà tin uy tín tôi là ấu trĩ

Nữ ca sĩ nói: "DN nào nói hợp tác với chồng tôi vì đặt niềm tin vào uy tín của tôi thì thật là ấu trĩ. Nếu còn suy nghĩ như vậy thì việc kinh doanh lụi bại cũng không khó hiểu".

Ở mỗi lĩnh vực khác nhau, cách hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp sẽ khác nhau và nhiều công ty đã thông qua VCCI để tìm hiểu về đối tác nước ngoài. Phòng Thương mại và Công nghiệp từ trước tới nay có nhiều chương trình tập huấn, hỗ trợ kỹ năng giao kết hợp đồng. Đơn vị cũng xuất bản các ấn phẩm để trang bị kiến thức, kinh nghiệm; cung cấp thông tin về pháp luật Việt Nam, hệ thống pháp luật các nước khác...

“Nhiều doanh nghiệp Việt xem nhẹ hoặc không chú trọng đúng mức bước này nên nguy cơ xảy ra tranh chấp rất cao”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Gần đây, vợ chồng ca sĩ Thu Minh thu hút sự chú ý của dư luận khi nhiều doanh nghiệp gỗ đồng loạt tố công ty Global Home tại Việt Nam của chồng Thu Minh trốn nợ.

Ngoài Công ty TNHH Gia Hân đã chính thức gửi đơn tố cáo lên cơ quan chức năng, còn nhiều doanh nghiệp gỗ cũng đã lên tiếng về việc không thanh toán nợ của chồng ca sĩ này.

Ngày 15/8, chia sẻ với Zing.vn, bà Vũ Anh Minh, Trưởng đại diện Global Home tại Việt Nam cho hay, ngày 19/8, ông Otto De Jager (chồng ca sĩ Thu Minh) sẽ về Việt Nam để giải thích mọi chuyện liên quan đến vấn đề bị tố cáo nợ nần.

Bà Vũ Anh Minh cho rằng, tranh chấp giữa công ty Gia Hân và Global Home phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng. Trong hợp đồng còn có điều khoản về cam kết chất lượng, nên trách nhiệm thuộc bên nào thì bên đó phải chịu.

Trong khi đó, công ty Gia Hân không chỉ gửi đơn khiếu kiện đến PC46 Đồng Nai mà còn gửi đơn tố cáo lên Bộ Công an. Doanh nghiệp này cũng khẳng định sẽ hoàn tất hồ sơ để khởi kiện ra tòa.

Công ty chồng Thu Minh phản bác tố cáo trốn nợ

Theo xác nhận của văn phòng đại diện Global Home tại Việt Nam, cuối tuần này, ông Otto De Jager sẽ có mặt tại Việt Nam để đối chất xung quanh tố cáo trốn nợ.

 


Kiều Vui

Bạn có thể quan tâm