Mạng xã hội, mà cụ thể là Facebook đang tạo ra môi trường mở, giao lưu, tìm kiếm kiến thức cho rất nhiều người. Tuy nhiên, cũng thông qua đây xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân tung ra những thông tin thất thiệt, mưu cầu lợi ích riêng từ việc lừa được cộng đồng rộng lớn.
Câu “like” để kiếm tiền, nổi tiếng
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội.
- Thưa bà, gần đây có nhiều câu chuyện liên quan đến các hành vi gây sốc trên mạng xã hội Facebook, tiêu biểu như việc cô gái dựng chuyện nuôi bé gái con của người tử tù… Bà nghĩ căn nguyên của hiện tượng này là gì?
- Tôi thấy các hiện tượng như vậy thời nào cũng có và không phải là chuyện lạ. Vấn đề là cách biểu hiện khác nhau. Tâm lý chung là thời nào cũng có những người muốn nổi tiếng bằng những thứ như thế.
Câu chuyện người đốt đền là một ví dụ điển hình, có nhiều người muốn nổi tiếng bằng nhiều cách, thậm chí tiêu cực. Tuy nhiên, thời đại bây giờ mạng xã hội đang trở nên rất phổ biến, việc sinh hoạt trên mạng xã hội là hình thức giao lưu được rất nhiều người sử dụng nên cách thức nổi tiếng, thu hút, gây sự chú ý khác đi mà thôi.
- Theo bà những người có các hành động đó đơn thuần chỉ là mưu cầu sự nổi tiếng hay có vấn đề nào khác về tâm lý?
- Có chứ, đó có thể là những người có bệnh hoang tưởng hoặc là có vấn đề về mặt tâm lý, người thiếu trách nhiệm xã hội… đều là những người có nguy cơ cao thực hiện những việc tương tự.
Cho dù màn đùa dai, đùa dại của T.B.Trâm trên Facebook có vì bất kỳ mục đích gì thì đó cũng là hành động nhẫn tâm một khi nhân vật chính lại là một đứa trẻ. |
- Họ làm vậy không chỉ để nổi tiếng mà còn kiếm được tiền, bà nghĩ đó có phải là một trong những nguyên nhân khiến người trẻ bây giờ nương theo chăng?
- Tôi nghĩ là có yếu tố đó. Những người làm những hành động câu “like” một cách tiêu cực, không lường đến hậu quả hoặc lường đến hậu quả nhưng vẫn cố tình làm, nếu không phải là có bệnh hoang tưởng hoặc vấn đề nào về mặt tâm lý thì họ hướng đến sự nổi tiếng và không loại trừ cả việc họ có mong muốn kiếm tiền từ những việc như vậy.
Lỗi ở đám đông- Những câu chuyện nào theo bà thường được vận dụng để câu “like” nhất?
- Mạng xã hội cũng giống bên ngoài cuộc sống thực của chúng ta, những câu chuyện lạ lùng gây chú ý, rồi những câu chuyện thương tâm từ trước đến nay bao giờ cũng dễ mua nước mắt của người khác. Vì thế khi muốn gây sốc, câu “like” trên Facebook thì những chủ đề trên luôn có tần suất sử dụng rất cao. Đó cũng là điều dễ hiểu, không có gì bất thường.
- Theo bà, tại sao những câu chuyện mà ít nhiều chưa được xác thực đó lại được lan tỏa một cách rộng rãi như vậy?
- Điều này có một phần tác động của tâm lý đám đông, mạng xã hội mà cụ thể là Facebook vào nước ta có tốc độ tăng trưởng nhanh về người dùng. Tuy nhiên, mặt bằng chung về kiến thức của người dùng không đồng đều, chưa cao nên dễ dẫn đến tình trạng họ hưởng ứng, họ đồng cảm, họ lan tỏa những thông tin ấy khi chưa có sự xác thực về thông tin.
Nói cách khác, người dùng Facebook chưa được trang bị những kiến thức trong môi trường thông tin hỗn loạn, khó phân loại, khó kiểm chứng. Hơn nữa, ở trên mạng thì con người ta cũng ảo hơn, họ thường không có sự cân nhắc kỹ như con người thực của mình ở bên ngoài.
- Bà cũng tham gia Facebook, vậy ứng xử của bà trước môi trường thông tin ở đây như thế nào?
- Tôi coi đây là một kênh thông tin, nơi giao lưu bạn bè. Tuy nhiên, đối với những thông tin chưa được kiểm chứng hoặc bản thân còn nghi ngờ thì tôi thường không chú ý, thậm chí tôi còn không đọc những thông tin đó.
Khiến cộng đồng hồ nghi sự thật- Hậu quả dễ thấy nhất đối với cá nhân những người tung tin gây sốc và đối với xã hội như thế nào, thưa bà?
- Về mặt cá nhân, thông tin sai lệch dẫn đến nhận thức không đúng về xã hội, hành vi xã hội và làm cho cá nhân đó gia tăng sự ảo tưởng về bản thân… Về mặt xã hội, nó tạo nên sự hoang mang, dần dần gây ra sự mất niềm tin, chưa kể nó còn có thể tạo ra lối sống không lành mạnh, không phù hợp với những giá trị mà xã hội đang tôn vinh, đang theo đuổi. Thông tin gây sốc còn có thể gây ảnh hưởng, thiệt hại cho những cá nhân nhất định, tức là những người liên quan đến sự việc đó.
Thậm chí đối với những sự việc mà có tính chất vụ lợi, kêu gọi sự ủng hộ của người khác thì còn gây thiệt hại về mặt vật chất cho mọi người. Xa hơn nữa, khi niềm tin liên tiếp bị phản bội thì người ta có xu hướng hồ nghi tất cả sự việc khác khi được khẳng định là đúng đi chăng nữa.
- Theo bà, có cách nào để hạn chế các hành vi này không?
- Tôi nghĩ cách tốt nhất là mỗi cá nhân phải tự trang bị cho mình bản lĩnh khi vào mạng xã hội, phải tỉnh táo, cân nhắc khi đọc thông tin gì lạ, phải phân tích chứ không nên vội vàng tin vào nó. Chúng ta chẳng bao giờ biết được khi nào lại có một nhân vật hoang tưởng nào đó lại tung lên những tin thất thiệt.
Những vụ dựng chuyện trắng trợn
- Tháng 8/2014, thông tin Việt Nam có người nhiễm virus Ebola được chia sẻ từ một tài khoản Facebook khiến nhiều người hoang mang về đại dịch đang cướp đi nhiều sinh mạng trên thế giới.
- Đầu tháng 3/2015, tài khoản Facebook Tung Nguyen đăng ảnh bắt được một con vật lạ có màu xám tro, đầu dẹp, có bốn chân, nằm trên chiếc mâm. Kết quả điều tra của công an chỉ rõ hai bức ảnh “quái vật” được đăng vốn chỉ là ảnh chủ nhân trang Facebook lấy được trên mạng chứ không phải là loài động vật có thật xuất hiện ở địa phương.
- Cuối tháng 4/2015, PC50 Công an TP Hà Nội đã bắt hai nghi phạm cùng trú quận Nam Từ Liêm về tội tung tin bịa đặt một nữ sinh bị hiếp, giết gần ĐH Công nghiệp.
- Ngoài những hành vi trên, người sử dụng mạng xã hội còn có nhiều chiêu trò gây chú ý khác như đăng tin nhặt được món tiền lớn, đào được cổ vật, khoe thành tích giết người, đưa tin người nổi tiếng như Chí Trung, Phan Đình Tùng… gặp nạn, thậm chí họ vừa… chết.
- Mới đây, dư luận xôn xao khi phát hiện câu chuyện tìm người cha tử tù cho đứa trẻ bị bỏ rơi chỉ là trò lừa bịp.