Từ nước Anh, Leicester đã chứng minh tiền bạc không phải tất cả khi tạo nên câu chuyện thần kỳ trong thời buổi bóng đá kim tiền. Khi các CLB còn mải mê đi tìm công thức mở ra cánh cửa vinh quang bằng sức mạnh đồng tiền, thì chức vô địch cho "The Foxes" (biệt danh của Leicester) càng trở nên đáng quý và cần được trân trọng hơn.
Nhìn vào tân vương giải Ngoại hạng Anh, người ta thấy một tập thể gắn kết như những người anh em. Thế giới từng ca tụng rất nhiều về Lionel Messi, Luis Suarez và Neymar của Barca khi họ nhường quyền đá phạt đền cho nhau, thì từ nước Anh, hình ảnh tương tự cũng diễn ra. Leicester không được biết tới vì sự bất công mặc nhiên vì họ chỉ là đội bóng nhỏ.
Leicester vô địch Ngoại hạng Anh vì họ xứng đáng. |
Tháng 11 năm ngoái, Jamie Vardy rỉ tai Riyad Mahrez nhường quyền đá phạt đền cho mình trong trận Leicester thắng Watford 2-1. Lý do vì Vardy muốn có bàn thứ 9 liên tiếp. Mahrez mất vài giây để suy nghĩ, nhưng anh đã cho thấy tinh thần đồng đội đáng nể phục. Cầu thủ người Algeria nhường quyền đá phạt đền cho Vardy.
"Tôi là người được giao quyền đá phạt đền. Thế nhưng tôi nghĩ điều đó sẽ khiến Vardy mất đi niềm cảm hứng. Vậy nên tôi trao quyền cho anh ấy," Mahrez kể lại. Hình ảnh đó chứng minh Leicester có những cầu thủ gắn bó với nhau như đồng đội thân thiết trên chiến trường khốc liệt. Họ biết hy sinh vì mục tiêu chung và không để bản ngã lấn át lý trí.
Để đạt được điều đó, tất cả nhờ vào HLV Claudio Ranieri. Bằng nghệ thuật khéo léo, ông thầy người Italy biến những cá tính trong tập thể Leicester thành một. Tuổi 64 và sự từng trải giúp ông hiểu cần làm điều gì tốt nhất cho Leicester. Cái hay của Ranieri nằm ở sự điều tiết cảm xúc. Ông không quá hân hoan khi đội nhà chiếm ngôi đầu vì sợ tự mãn.
Ranieri đứng đằng sau thành công của Leicester mùa này. |
Ranieri biết cách làm sao biến những học trò thành mãnh thú với cái đầu lạnh và không biết sợ hãi. Trên sân, họ nghe theo răm rắp những gì HLV chỉ bảo. Lúc Ranieri cấm Vardy tập sút, tiền đạo người Anh cũng không hề cãi lại. Tác giả 22 bàn thắng tin vị HLV như một người con dành sự tôn kính cho ông bố. Và những cái tên khác cũng vậy.
Với 11 cầu thủ áo xanh di chuyển liên tục trên các thảm cỏ nước Anh, mọi thứ chỉ kết thúc khi tiếng còi trọng tài vang lên và không có chỗ cho mơ mộng hão huyền. Ranieri biến Leicester thành một tập thể như vậy. Đó là một nghệ thuật không hề đơn giản và chỉ người đàn ông ở tuổi trên 60 mới đủ "công lực" làm điều đó.
Nói Leicester không cần tiền để vô địch là phù phiếm và điên rồ. Với "The Foxes", thành công của họ cũng gắn liền với đồng tiền, nhưng tất cả được chi tiêu rất hợp lý và có một sự xứng đáng. Khi Jamie Vardy được gia hạn hợp đồng với mức lương 75.000 bảng/tuần, đó là vì anh xứng đáng với nhiều bàn thắng ghi được cho CLB.
Vậy là cuộc đua tới ngôi vô địch đã khép lại sớm trước hai vòng đấu. Cuối tuần này, Leicester sẽ ra sân ở King Power với tư cách nhà vua. Thật trùng hợp khi chữ "King Power" theo tên gọi sân vận động của họ cũng được dịch là "sức mạnh nhà vua". Với đội bóng nhỏ bé này, sức mạnh không đến từ đồng tiền, mà phụ thuộc vào nhiều giá trị khác nhân văn hơn.
Thành công Leicester cũng là bài học cho bóng đá Anh. Sự mù quáng vào giá trị đồng tiền đang khiến nhiều đội bóng lạc lối. Với họ, tiền bạc chi phối mọi thứ, ngay cả con người. Khi một điều gì đó bị lạm dụng quá nhiều, nó trở thành tiêu cực. Leicester mùa trước chỉ tốn 57 triệu bảng để vận hành quỹ lương toàn đội, thấp thứ ba ở giải Ngoại hạng Anh.
Tiền ít, song, khao khát của cầu thủ không hề bị ảnh hưởng. Họ ra sân vì niềm tin mãnh liệt, sự quyết tâm như ngọn núi lửa bùng cháy và cả tình đồng đội gắn kết tất cả. Câu chuyện cổ tích của Leicester vào một ngày tháng 5 được viết lên như thế.
Bảng xếp hạng giải Ngoại hạng Anh sau 36 vòng đấu. |