Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Leflair sang tay chủ mới khi còn hàng chục tỷ đồng công nợ?

Society Pass - đơn vị sở hữu Sopa.asia và #Hottab - mới đây liên hệ một số nhà cung cấp mời hợp tác bán hàng, nêu rõ Leflair là một phần của hệ sinh thái.

Đại diện một nhà cung cấp cũ của sàn thương mại điện tử Leflair cho biết vừa nhận được email mời hợp tác bán hàng từ Công ty TNHH SoPa Technology (Social Pass).

Theo giới thiệu, hệ sinh thái của doanh nghiệp này không chỉ có ứng dụng đặt đồ ăn, ví điện tử Sopa và đơn vị cung cấp dịch vụ POS #Hottab mà còn có Leflair. Điểm khác biệt là địa chỉ trang web đã được thay đổi từ Leflair.vn sang Leflair.com.

Động thái này xuất hiện sau khi Leflair được chấp thuận mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật hồi tháng 3. Như vậy, gần 1 năm sau thông báo ngừng hoạt động tại thị trường Việt Nam và nộp đơn xin phá sản, sàn thương mại điện tử này lại tái xuất dưới sự quản lý của một chủ sở hữu mới.

Social Pass đăng ký kinh doanh tại Việt Nam từ tháng 10/2019 với các ngành nghề chính là tư vấn quản lý, xuất bản phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu...

Leflair sang tay chu moi anh 1

Hệ sinh thái của Social Pass bao gồm Leflair. Ảnh: SoPa.

Cuối tháng 4/2020, doanh nghiệp thay đổi người đại diện pháp luật từ ông Cory Steven Bentley (sinh năm 1990, người Canada) sang bà Ngô Thị Châm (sinh năm 1973). Từ đó, bà Ngô Thị Châm cũng được bổ nhiệm làm tổng giám đốc thay thế ông Cory Steven Bentley.

Tính cả Leflair, Social Pass cho biết đã đạt tổng doanh thu 10 triệu USD năm 2019 với hệ sinh thái gồm 1,5 triệu người dùng và 5.500 đối tác bán hàng. Tháng 3 năm nay, mức doanh thu đạt 6.000 USD.

Theo một số nguồn tin, Leflair hiện đã được chuyển nhượng quyền sở hữu tên thương mại và các tài sản vô hình đi kèm nhãn hiệu Leflair theo luật quốc tế. Từ đây, chủ sở hữu mới sẽ vận hành sàn thương mại điện tử này và không chịu trách nhiệm với bất cứ hoạt động nào của doanh nghiệp cũ đã từng sử dụng thương hiệu Leflair.

Hiện nay, các nhà cung cấp cũ của Leflair tại Việt Nam đang tỏ ra bức xúc và cho biết không muốn tiếp tục hợp tác với thương hiệu này, dù thuộc sở hữu của doanh nghiệp nào. Nguyên nhân là đến nay, họ vẫn chưa nhận được khoản thanh toán công nợ từ Leflair.

Trước đó, trong buổi làm việc với các nhà cung cấp vào ngày 2/3/2020, ông Pierre Antoine Brun - đồng sáng lập và COO của Leflair - cho biết số công nợ chưa xử lý với khoảng 500 nhà cung cấp lên đến 2 triệu USD. Tuy nhiên, khoản tiền mặt còn lại trong tài khoản của doanh nghiệp chưa đến 50.000 USD.

Đến giữa tháng 6/2020, đồng sáng lập còn lại là ông Loic Erwan Kevin Gautier thừa nhận đang hoàn thiện thủ tục xin phá sản và việc thanh toán công nợ sẽ được tiến hành theo quy định của pháp luật sau đó.

Leflair là sàn thương mại điện tử chuyên phân phối các sản phẩm chính hãng với mức giá phải chăng, có mặt tại Việt Nam từ năm 2015. Doanh thu mỗi năm ước đạt hàng chục triệu USD với giá trị đơn hàng trên mỗi khách hàng cao nhất thị trường.

Ôm nợ hàng chục tỷ đồng, hai ông chủ Leflair đầu quân cho Maison?

Dù chưa giải quyết xong hàng chục tỷ công nợ với khoảng 500 nhà cung cấp, hai nhà sáng lập Leflair được cho là đã trở thành giám đốc Tập đoàn bán lẻ thời trang Maison.

'Tôi là chủ nợ mà bị Leflair đối xử quá tệ'

Sáng 10/3, Leflair gặp mặt một số nhà cung cấp để giải quyết công nợ. Tuy nhiên, cuộc gặp chưa xử lý triệt để vấn đề và để lại nhiều bức xúc cho hầu hết nhà cung cấp.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm