Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LeEco: 'Ngôi sao mới' của làng công nghệ Trung Quốc

Với quyết sách đầu tư theo kiểu "điếc không sợ súng", LeEco hứa hẹn sẽ bùng nổ giống như các hiện tượng Alibaba, Huawei, Xiaomi và Oppo trước đây.

Cái tên LeEco hứa hẹn sự bùng nổ trong giới công nghệ Trung Quốc.

Với nhiều người, cái tên LeEco chỉ được nhắc tới gần đây khi công ty này bỏ 2 tỉ USD ra mua lại Vizio, hãng sản xuất TV của Mỹ.

Tuy nhiên, LeEco là cái tên khá quen thuộc ở Trung Quốc với hàng loạt liên doanh trong mảng smartphone, TV, thể thao, phim ảnh, thương mại điện tử, thậm chí cả ôtô điện.

CEO của LeEco, Jia Yueting, nổi tiếng vì ăn nói mạnh bạo. Ông này từng gây tranh cãi khi ví Apple như Hitler thời công nghệ.

CEO LeEco, Jia Yueting, tại lễ công bố mua lại Vizio với giá 2 tỉ USD.

Xuất hiện từ giữa thập kỷ trước, LeEco (trước đây có tên Letv) ban đầu chỉ là trang phát video trực tuyến Letv.com nhằm đón đầu xu hướng bùng nổ video trực tuyến khi các trang web như Vimeo bắt đầu thông dụng ở Mỹ.

Khi IPO trên sàn chứng khoán Thâm Quyến năm 2010, LeTV là một trong những dịch vụ phát video trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, được ví như "Netflix của Trung Quốc".

Lãnh đạo LeTV từng mạnh bạo tuyên bố rằng "Netflix chính là Letv của Mỹ".

Vật đổi sao rời, trong khoảng 6 năm sau đó, người ta ít thấy bóng dáng của Letv ngoài những dịch vụ có sẵn, lỗi thời và không có gì mới mẻ.

Bất thình lĩnh vào tháng giêng đầu năm nay, Jia Yueting tuyên bố Letv sẽ đổi tên thành LeEco, viết tắt của từ Le Ecosystem (Hệ sinh thái Le), và tách phần phát video và sản xuất nội dung sang một mảng khác.

Rất ngạc nhiên khi LeEco đột nhiên lại tỏ ra hăng hái đến lạ. Công ty này tham gia vào hàng loạt lĩnh vực, từ sản xuất smartphone cho thị trường Trung Quốc và Ấn Độ đến sản xuất TV. 

Phong cách "nổi loạn"

Khi những cái tên lớn trong làng công nghệ Trung Quốc như Huawei, Xiaomi và Tencent cố gắng vươn ra toàn cầu để được thế giới công nhận thì LeEco lại chọn cách tiếp cận hoàn toàn khác.

Công ty này cả gan đầu tư vào những lĩnh vực hoàn toàn mới mà bản thân chưa có bất cứ kinh nghiệm nào. Điển hình là việc sản xuất xe hơi thể thao chạy bằng điện, giống như các mẫu xe của hãng Tesla, Mỹ.

Chiếc điện thoại Le Max Pro của LeEco được giới thiệu tại CES 2016.

Tiếp đến là việc nhảy vào lĩnh vực điện thoại khi thị trường smartphone Trung Quốc đang có dấu hiệu bão hòa. Không ngạc nhiên khi giới công nghệ mắt tròn mắt dẹt trước quyết định này của LeEco. Họ không thấy bất cứ lợi thế nào của công ty này trước các đối thủ rất mạnh như Oppo, Vivo và Xiaomi.

Ấy vậy mà họ làm nên chuyện. Chính sự "nổi loạn", phong cách đầu tư bạt mạng "coi trời bằng vung" của LeEco lại thành công. Hiện LeEco đang chiếm thị phần tới 13 tỉ USD, hơn bất cứ công ty công nghệ nổi tiếng nào của Trung Quốc.

Tự mình làm tất cả

LeEco muốn nghiêm túc thâm nhập thị trường phương Tây. Hai động thái mới đây là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm này.

Đầu tiên là thương vụ mua lại Vizio hồi đầu năm. Vizio là hãng sản xuất TV của Mỹ đã có thâm niên hàng thập kỷ và hiện đang là thương hiệu TV lớn thứ hai tại Mỹ. Cái tên Vizio rất được người Mỹ ưa chuộng.

Thương vụ này cho phép LeEco ngay lập tức có khả năng tiếp cận hàng triệu hộ gia đình Mỹ, chưa kể công nghệ và bí quyết marketing của Vizio cũng có giá trị rất lớn.

Tiếp đến là tham vọng nhảy vào Hollywood của LeEco. Công ty này hiện đã sở hữu hãng phim Le Vision Pictures, một trong những nhà phân phối và sản xuất phim lớn nhất Trung Quốc.

Jia Yueting và tài tử điện ảnh Arnold Schwarzenegger tại lễ ra mắt bộ phim "The Expendables 3".

Đầu năm vừa rồi, LeEco bổ sung tiếp hãng phim Dichotomy Creative Group của Adam Goodman, cựu chủ tịch hãng phim Mỹ Paramount Pictures, vào cơ cấu hoạt động của hãng này. Bộ phim "The Expendables 3" chính là một trong những sản phẩm có sự hợp tác của LeEco.

Với mảng điện thoại, LeEco có tới vài năm sản xuất nội dung cho giới trẻ dùng smartphone tại Trung Quốc. Có lẽ ở một thời điểm nào đó LeEco nghĩ rằng tại sao họ cứ phải làm nội dung cho những hãng Huawei hoặc Samsung hưởng lợi.

Do đó, LeEco quyết định tự mình làm tất cả. Hãng bắt tay vào sản xuất, bán điện thoại và TV có cấu hình rất cao nhưng giá cả lại rất phải chăng.

Với ưu thế sản xuất được cả nội dung và coi nội dung là ưu thế quyết định, LeEco đã gặt hái được không ít thành công.

Cơ cấu tài chính "có một không hai"

Với một công ty tự đặt mình vào tham vọng trở thành một Google thứ hai, LeEco đã khiến không ít người nhíu mày khi biết rằng hãng chỉ huy động được vỏn vẹn 1,19 tỉ USD cho tới nay.

LeEco sản xuất cả xe điện mặc dù chẳng có tí kinh nghiệm nào.

Phần lớn nguồn tài chính của LeEco tới từ các khoản vay. Lạ ở chỗ nhiều khoản vay này là của cá nhân ông Jia Yueting. Sở dĩ có việc này là bởi ban giám đốc công ty không đồng ý với một số thương vụ thâu tóm của LeEco. Để nuôi dưỡng cho tham vọng lớn lao của mình, Jia Yueting đã tự mình đi vay tiền.

Điều đó có nghĩa, nguồn lực tài chính của LeEco và các dự án được tiến hành nhờ tiền của Jia và các nhà đầu tư khác. Khi quy mô công ty mở rộng, các khoản vay này cũng theo đó mà phình ro ra.

Nhìn chung, những thành công của LeEco tới thời điểm này đều dựa trên sự liều lĩnh, dám nghĩ dám làm. Tuy nhiên, chiến lược đầu tư dàn trải và quá liều của LeEco cũng khiến các cổ đông của công ty bao phen lạnh gáy.

Tỷ phú Trung Quốc chê Apple hết thời là ai?

Jia Yueting là tỷ phú giàu thứ 17 Trung Quốc, nắm trong tay công ty LeEco sản xuất các thiết bị như smartphone, TV thông minh. Mới đây, công ty này ra mắt xe điện thách thức Tesla.

Gia Nguyễn

Bạn có thể quan tâm