Lee Nguyễn: Từ khát vọng bản thân tới bi kịch của sự cô đơn
17 trận đấu, Lee Nguyễn 2 lần nhận thẻ đỏ, hay theo cách nói của dân bóng đá châu Âu, nơi Lee từng học chơi bóng và kiếm tiền, người ta bảo anh “được đi tắm sớm”.
>>Văn Quyến đánh giá về Lee Nguyễn và Công Vinh
>>Pha Lê: ''Lee Nguyễn chưa thể khiến tôi lung lay''
>>Lee Nguyễn ''bồ kết'' MC Pha Lê?
Gần 400 cầu thủ ở V-League 2009, chừng 65 cầu thủ ngoại, kể cả nhập quốc tịch, ở giải đấu cao nhất của BĐVN, chưa có cầu nào mà lại nhận 2 thẻ đỏ sau 18 vòng đấu, trừ Lee Nguyễn.
Lee không phải là cầu thủ chơi xấu. Lee vốn dĩ không phải là kẻ vào sân để lê “máy chém” đương đầu với các cầu thủ khác. Ngay sau vài trận chơi bóng ở quê nội Việt Nam của anh, Lee đã phàn nàn về cách chơi bóng câu giờ, thói quen ăn vạ như Chí Phèo của các cầu thủ ở V-League và hơn một lần bảo rằng các hàng thủ của đối phương đôi khi chỉ nhằm chân của anh mà sút.
Thế nên, 2 chiếc thẻ đỏ của Lee không phải là bằng chứng cho lối chơi thô bạo dù cho chiều Chủ nhật mới rồi, Lee đã vào bóng bằng cả 2 chân với đối thủ và chiếc thẻ đỏ trực tiếp trọng tài rút ra hoàn toàn không phải là quyết định sai trái.
Từ chiếc thẻ đỏ của sự chứng tỏ
Chiếc thẻ đỏ đầu tiên của Lee là 2 chiếc thẻ vàng gộp lại trong một trận đấu. Chiếc thẻ vàng thứ hai hôm ấy, Lee đã lột áo ăn mừng bàn thắng đầu tiên của anh ở V-League khi anh sút từ ngoài vòng cấm vào góc chết của Xi măng Hải Phòng trên Pleiku. Cảm giác dồn nén của một cầu thủ đã có 3 trận đầu tiên ở V-League không thể ghi bàn đã khiến Lee không kiểm soát được cảm xúc của bản thân khi lập công.
Lee Nguyễn đang không thực sự thoải mái ở HAGL?
Ít nhiều đã có sự nghi ngờ về khả năng Lee khó tạo nên sự vượt trội giống như một vài cầu thủ khác. Lương tháng 10.000 USD, cao nhất ở V-League và rất nhiều những điều kiện khác mà HAGL bỏ ra để có anh, để giành chức vô địch và làm thương hiệu trở thành mục tiêu của các sự so sánh.
Người Việt Nam cách nay vài năm chưa được xem Lee chơi bóng đã đọc và xì xầm về anh với sự ngưỡng mộ và thèm thuồng, ước giá như ĐTVN có một cầu thủ như thế. Nó tạo ra một sức ép bên cạnh những áp lực tự tạo của chính anh.
Thông thường, khi một cầu thủ cởi áo ăn mừng, là một cầu thủ không thật lớn, thường là của đội bóng nhỏ sút tung lưới gã khổng lồ nào đó. Nhưng Lee không phải vậy. Từ bàn thắng đầu tiên ấy, sau chiếc thẻ đỏ ấy, Lee đã thể hiện khả năng của anh rõ nét hơn và thực sự nằm trong tốp khoảng chục cầu thủ đáng xem nhất. Nó là kết quả của sự điều chỉnh vị trí mà HLV sắp xếp. Phần lớn khác là ở khả năng thích ứng và sự hồi phục phong độ của Lee.
Tới chiếc thẻ đỏ của sự cô đơn
Một cầu thủ không có tính xấu chơi, khi nhận thẻ đỏ thường có 2 khả năng: một là trả đũa những pha vào bóng ác ý của đối thủ mà trọng tài lại làm ngơ (các thiên tài sân cỏ hay rơi vào trường hợp này) và hai là rơi vào cảm giác bất lực, ức chế dồn đầy lên cổ họng.
Lee nhiều khi cũng bị đối phương chặt chém tới nơi tới chốn. Nhưng trong trận đấu với T&T HN ở Pleiku, anh không rơi vào tình cảnh đó. Lee hôm đó giống với trận đấu ở Lạch Tray, gần như chỉ có mình anh chơi bóng bên phía HAGL, hay nói đúng hơn là không có ai ở đội nhảy cùng anh theo một nhịp điệu, không có người tung hứng với anh trong các pha phối hợp. HAGL vắng Thonglao, Lee thiếu một đối tác lớn.
Phải chăng, HAGL buông súng trong cuộc đua vô địch sớm hơn Lee trông đợi? Hay các đồng đội của anh đã có tư tưởng rã đám không giống với phong cách còn chơi bóng là còn chiến đấu như ở bóng đá châu Âu?
HAGL nói, rằng giữa họ và Arsenal có một thỏa thuận, đội bóng từng 2 lần vô địch V-League có thể cung cấp hay nói đúng hơn là gửi cầu thủ của họ sang London chơi bóng. Lee được ngắm cho thỏa thuận này và nếu thực, nó cũng có thể là một trong những động lực để Lee chơi bóng ở phố núi.
Nhưng liệu anh có chịu đựng được bi kịch này cho tới ngày giấc mơ Arsenal của anh trở thành hiện thực? Và liệu tài năng của Lee có bị mai một và ý chí của anh có trở nên cùn đi sau những bi kịch, khi đó không chỉ là vấn đề của riêng anh mà của cả HAGL, của bầu Đức?
Theo Thể Thao Văn Hóa