Lee Nguyễn: Sao ''ẩn'' hay sao ''ảo''?
Những gì cựu tuyển thủ QG Mỹ thể hiện trong trận gặp QK4 chiều qua khiến người ta hồ nghi, liệu Lee Nguyễn là ngôi sao đang "ẩn mình" hay chẳng qua cũng chỉ là hư danh?
Trận đấu gặp QK4 chiều qua, khi HAGL vắng bóng Thong lao, những tưởng sẽ là cơ hội để Lee Nguyễn khẳng định mình, sau những trận đấu đáng thất vọng trước đó. Thế nhưng...
Sao "ẩn"...
Không thể phủ nhận tài năng của Lee, một cầu thủ từng chơi ở ĐT U20 QG Mỹ, một nền bóng đá không thuộc hàng mạnh của Thế giới, nhưng cũng ở tầm rất xa so với Việt Nam. Lee cũng đã khẳng định được tên tuổi của mình, khi được tập cùng đội một của câu lạc bộ PSV, từng được HLV Hiddink ngợi khen. Rõ ràng so với mặt bằng V-League, Lee được đánh giá ở cái tầm cao hơn thế nhiều lần. Vậy thì tại sao cho đến thời điểm này Lee vẫn chỉ là cái bóng của chính mình ?
Cái ngày mà Lee đặt chân đến phố núi, ngay trận đấu đầu tiên với tư cách của một cầu thủ "thử việc", anh đã "nã" đúng 3 bàn vào lưới Bình Định ở một trận đấu giao hữu. Chứng kiến màn trình diễn khá ấn tượng của cầu thủ Mỹ gốc Việt này, lúc ấy bầu Đức đã "mừng run", còn mạnh miệng phát biểu "Khả năng của Thong lao chỉ bằng 50% Lee Nguyễn". Thế là bầu Đức quyết mang bằng được Lee Nguyễn về Pleiku.
Khi Lee chính thức khoác áo HAGL, bầu Đức đã tổ chức riêng cho anh một buổi họp báo ra mắt hết sức hoành tráng. Có thể hiểu, sự kỳ vọng của bầu Đức vào Lee lớn như thế nào, ông không chỉ xem Lee sẽ là nhân tố tiên quyết giúp đội bóng phố núi vô địch V-League, sau 4 năm chỉ biết ngước nhìn ĐTLA và Bình Dương "làm mình làm mẩy". Bầu Đức còn muốn Lee sẽ là điểm nhấn cho HAGL vươn lên một tầm cao mới, vượt qua ranh giới của V-League. Thế mới có chuyện ông Đức sẵn sàng "gạt bỏ" Agostinho, chân sút số một của HAGL mùa giải trước chỉ vì gây hấn với Lee Nguyễn.
Ở cái tuổi 21, Lee đã phải mang trên mình một trọng trách thực sự lớn, nhất là khi đây mới là lần đầu tiên anh được làm quen với một môi trường bóng đá kiểu như của VN, không thể nói Lee không ít nhiều gặp áp lực. Hành động cởi áo sau khi ghi bàn để rồi phải nhận thẻ vàng thứ hai ở trận gặp Hải Phòng là minh chứng cho điều đó.
Ở HAGL Lee giống như một "ngôi sao cô đơn" cả trên sân bóng lẫn sinh hoạt ngoài đời. Người ta có thể lý giải cho đó là sự khác biệt về văn hóa, về phong cách thi đấu. Nhưng không thể phủ nhận rằng Lee đang gặp vấn đề nhất định với bóng đá và cuộc sống tại Việt Nam.
Bóng đá là môn thể thao tập thể, bởi vậy việc một cá nhân không hòa nhập được với tập thể ấy, thi đấu không tốt cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề của Lee lúc này chính là làm sao có thể sớm hòa nhập được với môi trường bóng đá, văn hóa và cuộc sống ở Việt Nam. Nếu Lee là ngôi sao thực thụ, thì chỉ cần thêm thời gian ngôi sao đang "ẩn mình" ấy có sẽ dịp tỏa sáng.
... Hay chỉ là sao "ảo"
Có một thực tế là, những gì mà chúng ta biết về Lee Nguyễn đều từ Internet. Ngay cả bản thân Lee cũng cho thấy sự xuống dốc nhanh chóng về phong độ. Ở câu lạc bộ PSV Lee chỉ được tập cùng đội bóng, và sau đó bị loại vì không đạt yêu cầu. Tiếp theo là những chuỗi ngày chật vật kiếm tìm một bến đỗ, nhưng tất cả những câu lạc bộ tiếp theo Lee đến thử việc họ đều lắc đầu. Việc Lee đồng ý sang Việt Nam có thể xem như đã là biện pháp cuối cùng của cầu thủ 21 tuổi này. Như vậy cũng đủ hiểu phong độ của Lee lúc này đang nằm ở đâu.
Trước đây bóng đá VN cũng từng đón chào một nhà vô địch OLympic, đó là Fatusi, người từng lên ngôi cùng Nigeria năm 1996. Thế nhưng, quãng thời gian ngắn cầu thủ này thi đấu tại VN đều mang lại sự thất vọng. Hay ngay như câu lạc bộ HAGL từng thử việc cựu tiền đạo ĐTQG Brazil Luizao, nhưng cầu thủ này cũng không đạt yêu cầu. Hai tên tuổi trên nếu đem so với Lee Nguyễn bây giờ thì cũng chưa biết ai hơn ai. Việc cầu thủ chỉ thi đấu nổi lên một thời gian, rồi sau đó "lặn ngụp" cũng không phải là chuyện lạ trong bóng đá.
Liệu Lee Nguyễn có nằm trong số này?
Sẽ là khiên cưỡng khi vội vàng đánh giá về một cầu thủ khi mới chứng kiến anh ta thi đấu một vài trận. Chúng ta vẫn cần thêm thời gian và cả một quá trình dài để hậu xét về Lee Nguyễn.
Lê Thương
Theo Bưu điện Việt Nam