Năm 1973, Lee Byung Chul đã nói với Lee Maeng Hee rằng nếu không thể làm tốt được mọi việc thì hãy chỉ làm những việc mà bản thân có thể làm tốt.
Đây cũng là lời nói hàm ý sâu xa, không chỉ có con trưởng - Lee Maeng Hee - mới có thể trở thành người thừa kế. Hay nói cách khác, Lee Byung Chul đang nghĩ đến quyết định chọn một người mới cho vị trí này.
Và đúng như lời ông nói, vào tháng 9/1976, đêm trước khi Lee Byung Chul sang Nhật để phẫu thuật khối u phổi, ông tập hợp mọi người lại và tuyên bố: “Sau này, ta sẽ để cho Kun Hee dẫn dắt Samsung".
Mọi người trong gia đình đều bất ngờ [...]. May mắn thay vào đêm đó, Lee Kun Hee vẫn đang ở Nhật.
Tháng 8/1977, sau khi Lee Byung Chul trải qua cuộc phẫu thuật thành công tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Tokyo, ông đã tuyên bố Lee Kun Hee chính thức trở thành người thừa kế của Samsung.
Chủ tịch Watanabe Miti của Tập đoàn Dịch vụ Thực phẩm Watami, với doanh thu hàng năm đạt 1.200 tỷ won, trong cuốn Tổ chức chiến đấu, từng đề cập một trong những tư chất quan trọng mà nhà lãnh đạo phải có. Đó là sức mạnh dám đối đầu và không trốn chạy.
“Không chạy trốn và dám đối đầu với thực tại. Chỉ cần điều đó thôi đủ chứng minh một người bình thường mang trong mình tư chất của một nhà lãnh đạo. Đó là người khi gặp phải một bài toán vượt quá khả năng của bản thân thì năng lực bản thân từ 100 sẽ trở thành 120. Sau đó, khi đối mặt bài toán với độ khó 140, người ấy sẽ nâng năng lực lên 140 bằng cách trực tiếp đối đầu và giải quyết bài toán".
Cố chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun Hee. Ảnh: Speedsalgoo. |
Nếu coi câu nói trên là điều kiện cần thì Lee Kun Hee là người có 200 phần năng lực và thậm chí còn hơn thế. Ông không trốn chạy mà thẳng thắn đối đầu với thực tại và tương lai bằng tinh thần ý thức trách nhiệm về nghĩa vụ lớn lao mà bản thân được giao phó.
Bằng cách xây dựng, thực hiện chiến lược và giải quyết những bài toán vượt quá tầm năng lực, một lần nữa, ông đã cho thấy mình là một nhà lãnh đạo có năng lực vượt trội. Đây cũng chính là cái tôi (bản ngã) của Lee Kun Hee mà một người chưa từng tìm hiểu về ông cũng có thể phát hiện được.
Việc Lee Kun Hee - người không phù hợp cả về thể chất lẫn năng lực - lại có thể trở thành người thừa kế doanh nghiệp lớn Samsung là vì tư chất và sự phi phàm được ẩn sâu bên trong.
Một điều đáng ngạc nhiên hơn là ngay từ khi con nhỏ Lee Kun Hee đã tự mình rèn luyện và phát triển tư chất và sự phi phàm ấy một cách chiến lược giống như con chim ác là cắp từng chiếc lá về xây tổ.
Thực tế có không ít những chiến lược gia vĩ đại được tôi luyện bằng kinh nghiệm, nỗ lực và tinh thần học tập không ngừng. Nhưng việc Lee Kun Hee thể hiện diện mạo mang phong thái của một nhà chiến lược ngay cả trước khi ông có được nỗ lực, kinh nghiệm và học tập ghi lại dấu ấn như một câu chuyện thần bí khác về ông.
Cuối cùng, ngày 29/2/1979, Lee Kun Hee đã vượt qua hai người anh ưu tú của mình trở thành Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung. Đây cũng là xuất phát điểm cho những bài học kinh doanh đầy gian khó. Nó diễn ra cho đến năm 1987 khi Chủ tịch Lee Byung Chul qua đời.