Những người đến viếng ca sĩ/nhạc sĩ Trần Lập sáng 23/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng đều lặng lẽ, trang nghiêm và cố gắng kìm nén nước mắt. Họ muốn anh đi thật thanh thản, nhẹ nhàng sau bao đau đớn đã trải qua. Họ kể cho nhau nghe những câu chuyện sinh thời của Trần Lập, khi anh còn là một chàng trai mạnh mẽ, hào sảng, đầy nam tính.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh nhớ mãi kỷ niệm, khi anh kể với Trần Lập chuyện con gái hay ốm. Thật chẳng ngờ, một ngày nọ Trần Lập đưa cả thầy phong thủy đến nhà Hồ Hoài Anh và bảo, “Con chú hay ốm. Anh thử đưa thầy phong thủy đến nhà xem thế nào…”. Với bạn bè, đồng nghiệp, Trần Lập sống mãi trong ký ức của họ với những kỷ niệm chân thành và khó quên như thế.
Nam diễn viên Võ Hoài Nam nhớ những ngày Trần Lập và Bức Tường mới đi hát, khoảng giữa năm 1997. Sau mỗi đêm đi diễn về khuya, Trần Lập và Bức Tường vẫn vào quán của anh ăn tối. Khi họ ăn ở đây, nhiều vị khách nhận ra và lập tức đứng lên hát vang giữa quán một ca khúc của Bức Tường. Võ Hoài Nam vẫn nhớ, Trần Lập là một người sung sức và luôn sống đầy nhiệt thành.
Đông đảo bạn bè đến tiễn đưa Trần Lập về nơi an nghỉ cuối cùng. |
Phía bên ngoài nhà tang lễ, rất nhiều người trẻ đứng xếp hàng đợi vào viếng Trần Lập. Họ là sinh viên các trường đại học. Họ đã lớn lên trong âm nhạc của Trần Lập và Bức Tường – thứ âm nhạc biết gieo mầm ước mơ, biết thúc giục những tâm hồn trẻ sống cống hiến, sống khát vọng.
Và những nghệ sĩ, đồng nghiệp đến đứng bên linh cữu anh từ rất sớm. Trong câu chuyện của bạn bè, họ không tin Trần Lập đã ra đi. Họ tiếc thương, khóc nhớ anh, một người còn quá trẻ. Không ai có thể tin, Trần Lập ra đi nhanh như thế. Không ai tin được, một Trần Lập mạnh mẽ, bản lĩnh, hào sảng nhường ấy lại có thể ra đi vội vàng như thế, theo cách như thế.
Nói như nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, “Có những người khi sinh ra và mất đi đều gắn với những sự kiện mang tính xã hội. Trần Lập là một người như thế. Khi còn sống, những ca khúc của anh ấy gắn liền với các vấn đề mang tính xã hội. Khi anh ấy ra đi, sức ảnh hưởng của anh ấy giống như một hồi chuông cảnh tỉnh về bệnh ung thư cho những người ở lại. Anh ấy đã sống và ra đi với một sứ mệnh lớn trên vai”.
Trần Lập đã ra đi và phải gánh trên vai một sứ mệnh quá lớn. Bạn bè kể lại những ngày chiến đấu với bệnh tật, Trần Lập vẫn lạc quan, mạnh mẽ, và tin tưởng. Đứng bên anh những ngày cuối cùng, nhìn anh chiến đấu với cơn đau, bạn bè – gia đình khóc thương anh trong sự bất lực.
Đã có biết bao nhiêu gia đình từng khóc trong sự bất lực như thế?
Đến dự tang lễ của Trần Lập, người ta còn nói với nhau về sự đáng sợ của bệnh ung thư đang tràn lan.
Sẽ còn biết bao nhiêu lễ tang như lễ tang tiễn đưa Trần Lập hôm nay? Nước mắt nghẹn ngào của trẻ thơ, nước mắt đau đớn của người vợ trẻ, nước mắt bất lực của những người đưa tiễn.
Đông đảo bạn bè, đồng nghiệp, khán giả yêu thương tiễn đưa Trần Lập trong nước mắt. |
Dòng người xếp hàng dài bật khóc, lưu luyến đưa linh cữu của Trần Lập lên xe tang trong tiếng hát hào sảng của ca khúc Đường đến ngày vinh quang. Mọi người không ai bảo ai đều đưa tay vẫy chào anh như vẫy chào một vị thủ lĩnh. Linh cữu đã lên xe, dòng người vẫn đi theo níu kéo.
Tiếng hát anh ngân dài, như một nỗi ám ảnh. “Ngày hôm qua như trong giấc mơ/ Bao xa cách chỉ như một chớp mắt…”