Vụ tranh chấp bản quyền bộ truyện Thần đồng đất Việt sẽ được đưa ra tòa phân xử vào ngày 28/12. Trước ngày phiên tòa diễn ra, cả phía họa sĩ Lê Phong Linh (Lê Linh) và công ty Phan Thị đều đưa ra những lý lẽ biện hộ cho mình.
Họa sĩ Lê Linh: “Tôi là tác giả duy nhất của Thần đồng đất Việt”
Ngày 22/12, họa sĩ Lê Linh đăng tải trên mạng xã hội thông tin phiên tòa về bản quyền bộ Thần đồng đất Việt sẽ diễn ra vào 28/12, nhiều độc giả ngỡ ngàng vì câu chuyện tranh chấp tưởng đã lùi vào dĩ vãng.
Theo họa sĩ Lê Linh, bản thân ông vẫn theo đuổi vụ kiện, nhưng đến thời điểm tòa xử thì ông mới đưa thông tin lên. “Tôi làm cho tới khi sự thật được phơi bày thì thôi”, họa sĩ Lê Linh nói.
Khi được hỏi sự thật mà ông nói ở đây là gì, họa sĩ Lê Linh khẳng định: “Là tôi là tác giả duy nhất. Đó là yêu cầu tôi đặt ra ngay từ đầu”.
Họa sĩ Lê Linh hơn 10 năm trước. |
Năm 2001, ông Lê Linh tới công ty Phan Thị làm việc. Vai trò của bà Phan Thị Mỹ Hạnh (giám đốc công ty Phan Thị) đối với bộ Thần đồng đất Việt theo góc nhìn của họa sĩ Lê Linh là “một người ra đề bài”: “Bà Phan Thị Mỹ Hạnh giống người ra đề, tôi đã bắt tay vào làm hết tất cả mọi thứ. Kịch bản, nội dung, hình ảnh tôi đều làm hết”.
“Bà Mỹ Hạnh yêu cầu làm một bộ sách nói về các quan trạng và những câu chuyện thông minh của những danh nhân thời xưa. Tôi bắt tay vào làm, tra cứu tư liệu rất nhiều, viết kịch bản, lên kế hoạch sáng tác… Tôi làm hết, nên không chấp nhận bà Mỹ Hạnh cũng là đồng tác giả. Bà ấy đâu có làm gì đâu”, họa sĩ Lê Linh nói.
Theo họa sĩ Lê Linh, những nhân vật Tí, Dần, Sửu, Mẹo từ tạo hình, tính cách cụ thể như nào, tình tiết câu chuyện ra sao đều do ông nghĩ ra. “Bà Hạnh không tham gia gì vào quá trình sáng tác hết. Nếu tham gia thì bà ấy phải ghi tên trên truyện chứ, vì bà ấy là giám đốc mà”, ông Lê Linh lập luận.
Tác giả 78 tập truyện Thần đồng đất Việt kể năm 2006 Phan Thị bắt đầu đưa các họa sĩ khác vẽ những hình ảnh y chang như trong truyện ông vẽ cho Thần đồng đất Việt vào các sản phẩm như: Thần đồng đất Việt khoa học, Thần đồng đất Việt Mỹ thuật… Họa sĩ Lê Linh nói đó là sự vi phạm về quyền nhân thân.
Tranh cãi giữa họa sĩ Lê Linh và phía công ty Phan Thị nổ ra. Họa sĩ Lê Linh mô tả sự việc bằng thông tin và tranh trên mạng xã hội: “Đầu năm 2006 mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh khi bà Hạnh bảo những người khác vẽ lại tranh của tôi trên các ấn bản khác, tôi yêu cầu xác định lại bản quyền thì phát hiện… trong hồ sơ đăng ký bản quyền, bà Hạnh cũng tự nhận là tác giả các nhân vật Thần đồng đất Việt”.
Ông Lê Linh nói mình đã ký chung vào hồ sơ đăng ký bảo hộ đó, nhưng theo ông đó là bản đăng ký đồng sở hữu hình tượng 4 nhân vật trong Thần đồng đất Việt.
Họa sĩ Lê Linh đã ngưng vẽ Thần đồng đất Việt và đưa vụ việc ra trước pháp luật để giải quyết với nguyện vọng: “Tôi không đề cập gì đến quyền sở hữu cả. Tôi chỉ muốn xác định tác giả là ai thôi”.
Họa sĩ khẳng định: “Quyền tài sản thì thuộc về công ty. Tôi bảo vệ quyền nhân thân thôi. Quyền nhân thân nếu mình chứng minh được mình là tác giả duy nhất thì nó được bảo hộ suốt đời”.
Một bức tranh của họa sĩ Lê Linh mô tả chi tiết trong vụ kiện. Ảnh: FBNV. |
Trong khi vụ kiện của họa sĩ Lê Linh với công ty Phan Thị chưa được giải quyết, thì phía Phan Thị kiện ngược lại họa sĩ Lê Linh vì đã sử dụng nhân vật trong Thần đồng đất Việt vào sáng tác truyện Long thánh. Họa sĩ Lê Linh khẳng định Long Thánh là một bộ truyện hoàn toàn mới. “Vụ án này tòa cũng đình chỉ vì phải chờ vụ Thần đồng đất Việt”.
Bỏ ra 12 năm trời kiện cáo, họa sĩ Lê Linh nói ông tơi tả, bầm dập. Ông không lý giải được vì sao tòa không xử, cứ kéo dài mãi. Trước ngày phiên tòa diễn ra, họa sĩ Lê Linh tự tin: “Đương nhiên, đó là con của mình đẻ ra, mình là tác giả thì mình phải tự tin rồi”.
Đại diện Phan Thị: “Họa sĩ Lê Linh đòi trả cực kỳ nhiều tiền”
Trong vụ tranh chấp tác quyền Thần đồng đất Việt, giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Vân Nam là người bảo vệ quyền và lợi ích của công ty Phan Thị. Trước ngày phiên tòa diễn ra, ông Vân Nam có những chia sẻ xung quanh sự việc.
Trước yêu cầu của phía họa sĩ Lê Linh muốn công nhận ông là tác giả duy nhất, đại diện Phan Thị nói: “Trước hết, yêu cầu đó đụng chạm trực tiếp đến đạo đức, đạo lý khi thực hiện những giao kết dân sự, những đạo đức, đạo lý đã được luật hóa trong Bộ Luật dân sự”.
Ông Vân Nam giải thích rằng ông Lê Linh với chữ ký của mình đã ký xác nhận bà Phan Thị Mỹ Hạnh là đồng tác giả. Theo điều 3 Bộ Luật Dân sự Việt Nam, ai tự nguyện, tự do ký kết một giao dịch thì người ấy có nghĩa vụ phải thực hiện giao dịch đó. Nếu không thực hiện thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Theo ông Vân Nam, ông Lê Linh đã ký công nhận bà Hạnh là đồng tác giả và yêu cầu Cục Bản quyền tác giả cấp giấy chứng nhận. Cục Bản quyền tác giả cũng đã cấp giấy chứng nhận hai người là đồng tác giả. Thế nhưng, ông Linh giờ lại khởi kiện yêu cầu tòa tuyên ông là tác giả duy nhất.
Cho đến khi chữ ký xác nhận công nhận bà Phan thị Mỹ Hạnh là đồng tác giả với mình còn hiệu lực, thì đến khi đó ông Lê Linh vẫn không có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên ông là tác giả duy nhất.
Ông Nguyễn Vân Nam - đại diện Phan Thị trong vụ việc liên quan đến Thần đồng đất Việt. Ảnh: Lê Quang Nhật. |
“Ông Lê Linh khởi kiện không phải như lý do ông ấy lan truyền là tác giả duy nhất. Nguyên nhân sâu xa, đích thực chỉ có một thôi, bởi ông ta yêu cầu công ty Phan Thị trả cực kỳ nhiều tiền mà công ty Phan Thị không đáp ứng được”, ông Nguyễn Vân Nam khẳng định.
Đại diện Phan Thị cho biết trước đây ông Lê Linh là nhân viên làm theo hợp đồng chính thức của công ty Phan Thị, nhận lương hàng tháng để vẽ ra hình tượng các nhân vật. Ngoài lương hàng tháng, khi ấn bản các tập truyện Thần đồng đất Việt ra thị trường, ông Lê Linh còn được nhận thêm tiền nhuận bút.
Cho đến khi rời khỏi công ty Phan Thị, ông Lê Linh đã nhận tiền nhuận bút là 3 tỷ 90 triệu đồng. “3 tỷ 90 triệu đồng cách đây 12-15 năm còn giá trị hơn 15 tỷ đồng hiện nay. Vào lúc đó, đây thật sự là một số tiền khổng lồ”, đại diện Phan Thị nhận định.
Ông Nguyễn Vân Nam nói tiếp: “Nhưng chưa hết, Thấy Thần đồng đất Việt bán chạy, thông qua luật sư của mình, ông Lê Linh yêu cầu Phan Thị trả thêm cho ông ta 10% trên giá bìa từng tập Thần đồng đất Việt. Hơn thế nữa, ông Linh còn yêu cầu chia cho ông 30% trị giá của tất cả các hợp đồng khai thác truyện Thần đồng đất Việt nào mà Phan Thị ký với các đối tác khác”.
Theo phía Phan Thị, đòi hỏi của ông Lê Linh nhìn ở bất cứ góc độ nào, Việt Nam hay quốc tế, vẫn là một đòi hỏi quá đáng. Công ty Phan Thị không đáp ứng được, bởi nếu đáp ứng, thì đồng nghĩa với việc Phan Thị phải làm đơn đăng ký phá sản.
GS. TS. Nguyễn Vân Nam cho rằng, ban đầu ông Lê Linh kiện, yêu cầu Tòa án tuyên ông là tác giả duy nhất, yêu cầu tòa không cho công ty Phan Thị tự ý khai thác Thần đồng đất Việt mà không xin phép ông.
“Đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo điều 39 luật Sở hữu trí tuệ. Bởi ông là người làm cho công ty Phan Thị, nên toàn bộ quyền tài sản - tức là toàn bộ các quyền khai thác, sử dụng tác phẩm để đem lại lợi ích kinh tế, vật chất - đối với tất cả các tác phẩm mà ông làm ra được chuyển hết - chuyển quyền luật định - cho công ty Phan Thị", ông Vân Nam nói.
"Nghĩa là dù ông Linh có muốn hay không, các quyền tài sản này cũng đã thuộc về Phan Thị và ông Linh cũng không có quyền cản trở, hay buộc Phan Thị phải xin phép khi khai thác những tác phẩm đó".
Trước các thông tin họa sĩ Lê Linh đưa lên mạng xã hội nói rằng phía Phan Thị luôn vắng mặt trong các phiên hòa giải, triệu tập của tòa, ông Vân Nam nói đó là thông tin “không đúng sự thật”.
“Chúng tôi không có lý do gì để không tham gia các phiên hòa giải cả. Cá nhân tôi từng nhiều lần gặp riêng ông Linh để khuyên nhủ ông ấy trở lại hợp tác với công ty Phan Thị", ông Vân Nam phản bác.
"Vì sự hợp tác ấy chắc chắn sẽ mang lại những thành quả tốt đẹp không chỉ cho ông Linh, bà Hạnh, công ty Phan Thị, cho độc giả, mà còn góp phần quan trọng để xây dựng và thúc đẩy ngành công nghiệp truyện tranh hoạt hình của Việt nam phát triển vượt bậc. Trước sau như một, ông Linh đều không muốn hòa giải, không muốn hợp tác”, ông Vân Nam nói.
Với vụ việc Phan Thị kiện ông Lê Linh vì cho rằng ông Linh dùng nhân vật trong Thần đồng đất Việt vào truyện Long Thánh, GS TS Nguyễn Vân Nam đưa thông tin khác hẳn với họa sĩ Lê Linh.
Ông Nam nói: “Vụ Long Thánh là một vụ hiếm hoi ở Việt Nam mà tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Căn cứ quyết định của Toà, chúng tôi có quyền tịch thu 10.000 ấn phẩm Long thánh”.