Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lễ kỷ niệm ‘lạ’ của Vietnamobile

Thay vì tập trung vào những kết quả đạt được, các lãnh đạo của mạng di động nhỏ còn “sót lại” trên thị trường đua nhau cầu cứu Chính phủ thay đổi chính sách hiện hành.

Tối 8/5, buổi lễ kỷ niệm 5 năm thành lập mạng di động Vietnamobile với những bài diễn văn không giống như các sự kiện tương tự. Trong bài phát biểu của mình, ông Garman Shaw - Tổng điều hành Vietnamobile chia sẻ ngắn gọn, kết quả quan trọng nhất mà nhà mạng này đạt được là “một trong 4 nhà mạng còn hoạt động hiệu quả trên thị trường mà tỷ lệ khách hàng dùng di động đã vượt quá 137%” và có thị phần đạt 9%.

Trước đó, ông Garman Shaw nhấn mạnh: “5 năm trôi qua, các nhà đầu tư nước ngoài (trên thị trường thông tin di động Việt Nam) đã không còn, 2 nhà mạng và 2 nhà mạng di động ảo đã ngừng hoạt động, một nhà mạng chỉ giữ lại quy mô thuê bao đã có”.

A
Ông Phạm Ngọc Lãng - Chủ tịch Hanoi Telecom tại lễ kỷ niệm.

Phần quan trọng nhất trong bài phát biểu của lãnh đạo này tập trung vào chính sách hiện hành. Ông Garman Shaw cho rằng, chính sách đang ủng hộ và bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước, tập trung quá nhiều nguồn lực về tần số, kho số, cước kết nối vào những đơn vị này. Trong một bối cảnh như vậy các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi Việt Nam.

Đại diện của nhà mạng nhỏ còn tồn tại có hiệu quả trên thị trường đề xuất Chính phủ nên tăng phần ưu đãi về cước kết nối. Theo đó thay vì mức chênh lệch 10% (Vietnamobile phải trả thấp hơn cho các mạng lớn) hiện nay, Chính phủ nên nâng lên tỷ lệ tối thiểu 30% bởi Tổ chức quản lý viễn thông châu Âu thường áp dụng tỷ lệ phi đối xứng giữa mạng lớn và nhỏ là 35%.

Ngay sau bài phát biểu của ông Garman Shaw, Chủ tịch Hanoi Telecom (đối tác Việt Nam trong Vietnamobile) ông Phạm Ngọc Lãng cũng có bài phát biểu với những ý tương tự. Ông Lãng cho rằng việc Vietnamobile đầu tư hơn 1 tỷ USD vào hạ tầng viễn thông góp phần làm thị trường có tính cạnh tranh hơn. “Tuy nhiên, việc tập trung quá mức và dồn mọi nguồn lực đến mức bất hợp lý cho các doanh nghiệp viễn thông Nhà nước có thị phần thống lĩnh trên 95% là trở ngại to lớn với sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ nói riêng và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực viễn thông nói chung”, ông Lãng nói.

Chưa hết, ông Dennis Lui - Tổng giám đốc Tập đoàn viễn thông Hutchison (đối tác nước ngoài tại Vietnamobile) trong bài phát biểu cũng đề nghị các chính sách cần cải thiện nhiều hơn nữa để tạo ra một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho ngành viễn thông và người tiêu dùng.

Trong bài phát biểu của mình tại lễ kỷ niệm, ông Lê Nam Thắng - Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin Truyền thông cũng chúc mừng sự phát triển của Vietnamobile và hy vọng thương hiệu này sẽ trở thành “một mạng di động quan trọng của Việt Nam”.

Nhận định về sự phát triển của thị trường viễn thông trong thời gian tới, ông Thắng cho rằng đây vẫn là lĩnh vực có cạnh tranh mạnh. Thêm vào đó, các dịch vụ OTT xuất hiện nhiều hơn và đang tác động trực tiếp đến doanh thu của các dịch vụ viễn thông truyền thống. “Trong bối cảnh đó các mạng di động muốn phát triển và duy trì trên thị trường không còn cách nào khác là phải tăng cường đầu tư mở rộng mạng lưới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có thể cạnh tranh về giá trị thay vì giá cước đơn thuần như hiện nay”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, nhận định về những than phiền của lãnh đạo Vietnamobile, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thông tin di động tại Việt Nam nói: “Giờ họ chưa tìm thấy cửa nào trong việc phát triển nên cứ nêu kiến nghị thôi chứ thực ra các chính sách hiện hành là hợp lý”. Theo chuyên gia số này, Vietnamobile là mạng di động nhỏ ra đời sau thì không thể có nhiều tần số, kho số là chuyện đương nhiên bởi họ đâu có nhiều thuê bao để dùng đến. Bên cạnh đó, cũng không thể nói việc nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vì lý do này.

“Chính sách viễn thông của Việt Nam hiện nay có thiên hướng bảo vệ người tiêu dùng và điều đó là nguyên tắc cơ bản trên toàn thế giới. Việc bảo vệ nhà mạng nhỏ là đúng nhưng ở lúc thị trường còn chưa cạnh tranh, còn khi thị trường đã quá cạnh tranh rồi thì sẽ khác. Giờ các nhà đầu tư nước ngoài không ai còn muốn đầu tư mới vào Việt Nam vì thị trường đã quá cạnh tranh và mật độ bão hoà chứ không phải vì những lý do khác”, ông này nhận định.

Một cựu lãnh đạo của S-Fone chia sẻ, thực tế, những bức xúc của Vietnamobile cũng có lý do nhưng việc đáp ứng phải căn cứ vào chuyện chính sách thay đổi có giúp cho người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn không, có làm cạnh tranh tăng lên không? “Nếu chỉ đơn thuần để bảo vệ nhà mạng nhỏ là Vietnamobile thì chắc sẽ khó được chấp nhận”, ông bình luận.

Hoàng Ly

Bạn có thể quan tâm