Khi còn thi đấu, Lê Huỳnh Đức từng là tiền đạo chủ chốt của đội tuyển Việt Nam. Ông cũng là cầu thủ Việt đầu tiên ra nước ngoài thi đấu khi bóng đá nước nhà chuyển mình lên chuyên nghiệp.
Thậm chí, cựu trung phong sinh năm 1972 hoàn toàn có thể đứng hạng nhất với những chiến công lẫy lừng của ông cả trong thời gian chơi bóng lẫn khi trở thành một HLV.
Lê Huỳnh Đức là người duy nhất thuộc "thế hệ vàng" đầu tiên giành chức vô địch quốc gia trên cương vị HLV. Ảnh: Quang Thịnh. |
Trung phong lý tưởng
Lê Huỳnh Đức là “của hiếm” trong bóng đá Việt Nam. Ông là dạng trung phong mà giới chuyên môn vẫn thường gọi là “Target man” – tiền đạo mục tiêu điển hình, chuyên gia “mắc màn” trong vòng cấm địa. Đội tuyển Việt Nam qua các thời kỳ không thiếu cầu thủ tấn công nhỏ người, nhanh nhẹn, khéo léo. Song do nhiều yếu tố mà ít khi có trung phong được như Huỳnh Đức.
Cựu tiền đạo sinh năm 1972 có mọi tố chất để trở thành một trung phong hoàn hảo. Trong thế hệ vàng đầu tiên sau khi bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại, ông là người có thể hình lý tưởng bậc nhất. Huỳnh Đức có sức mạnh tốc độ, sức càn lướt, khả năng dứt điểm tốt bằng cả hai chân, không chiến xuất sắc và làm tường cũng rất cừ. Sự toàn diện giúp ông trở thành tiền đạo số một Việt Nam trong nhiều năm, ba lần giành Quả bóng vàng cùng hàng loạt những bàn thắng để đời.
Thành tích của Lê Huỳnh Đức khi còn là cầu thủ và khi trở thành huấn luyện viên. Đồ hoạ: Minh Phúc. |
Huỳnh Đức là người gốc Huế nhưng sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Cha ông là cựu danh thủ Lê Văn Tâm lừng lẫy một thời. Gien bóng đá trong người Huỳnh Đức sớm bộc lộ từ khi ông bắt đầu sự nghiệp ở đội Quân khu 7 năm 12 tuổi, trước khi thành danh tại Công an TP.HCM. Đỉnh cao đầu tiên của ông là chức vô địch quốc gia năm 1995. Cùng năm, Huỳnh Đức và các đồng đội ở tuyển Việt Nam giành tấm HCB tại SEA Games 18, cột mốc cho sự ra đời của “Thế hệ vàng” đầu tiên.
Thế nhưng cũng chỉ 1 năm sau, Huỳnh Đức dính cú “phốt” đầu tiên trong sự nghiệp. Ở trận chung kết vô địch quốc gia năm 1996 với Đồng Tháp, ông cùng các đồng đội đuổi theo trọng tài Tuấn Hùng. Hành động phản cảm này khiến Huỳnh Đức bị dính án treo giò 6 tháng từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Cú ngã đầu tiên đó cũng giúp cho ông có được bài học lớn đầu tiên.
Lê Huỳnh Đức gặt hái nhiều danh hiệu trên cả cương vị HLV và cầu thủ. Ảnh: Quang Thịnh. |
Cú sốc 2003
Thời của Lê Huỳnh Đức là giai đoạn mà bóng đá Việt Nam vẫn ở trong cảnh “tranh tối tranh sáng”. Xung quanh một trận đấu “có mùi” là đủ các dạng tin đồn, tin “nội bộ” và nhiều câu chuyện cho đến thời điểm này vẫn chưa được làm rõ trắng đen. Chỉ biết đó là thời điểm mà sự nghi ngờ giống như một đám mây u ám luôn lởn vởn trên đầu các cầu thủ, sẵn sàng ập xuống bất cứ lúc nào sau một trận đấu có vấn đề.
Lê Huỳnh Đức tất nhiên không phải ngoại lệ. Vị thế ở CLB và đội tuyển của ông ngày càng được củng cố bằng khả năng chuyên môn, song cũng vì chất thủ lĩnh mà những tin đồn xung quanh Huỳnh Đức xuất hiện càng nhiều.
Huỳnh Đức tất nhiên không phải người hiền lành, không có một trung phong xuất sắc nào trên thế giới lại thiếu bản lĩnh và độ quái. Chính sự khôn ngoan trong cách ứng xử một phần đã giúp ông luôn có được vị trí thủ lĩnh đội bóng. Khi những đồng đội cùng thời đã từ giã đội tuyển, ông là người ở lại sau cùng, và vẫn chứng tỏ được giá trị của mình.
Năm 2002, Huỳnh Đức hoàn tất cú hat-trick Quả bóng Vàng Việt Nam ở tuổi 30, sau một kỳ Tiger Cup mà ông được xem là gạch nối giữa thế hệ cũ của mình với một thế hệ mới nổi lên gồm những cái tên như Văn Quyến, Minh Phương, Tài Em.
Pha bóng ấn tượng nhất của ông trong giải đấu đó, đáng ngạc nhiên không phải là một bàn thắng. Đó là đường chuyền cho Minh Phương băng xuống đánh bại thủ môn Malaysia trong trận tranh Huy chương Đồng. Một đường kiến tạo hoàn hảo của một cầu thủ đã đạt đến độ chín của sự nghiệp cả về chuyên môn lẫn tâm lý thi đấu.
Nhưng chỉ một năm sau, sóng gió lại ập đến khiến Huỳnh Đức bị quy kết là thủ lĩnh nhóm "Quyền lực đen" phải rời Sài thành về Đà Nẵng.
Một trong những dấu ấn để đời của Huỳnh Đức là pha kiến tạo cho Minh Phương ghi bàn hồi 2002. Minh Phương sau này cũng là người thay thế ông dẫn dắt CLB Đà Nẵng sau khi V.League 2017 kết thúc. Ảnh: Dương Nam. |
Quê hương thứ hai
Quê gốc Huế, lập nghiệp và thành danh tại Sài Gòn, rồi lại về miền Trung để bắt đầu mọi thứ lại từ đầu, cuộc đời của Lê Huỳnh Đức luôn có những cơ duyên thú vị.
Ông giải nghệ ở Đà Nẵng và cũng bắt đầu sự nghiệp cầm quân ngay tại đội bóng này. Năm 2009, Huỳnh Đức đưa CLB Đà Nẵng lên ngôi vô địch V.League. Ông là chiến lược gia đầu tiên xuất phát từ “Thế hệ vàng” làm được điều này và đến nay vẫn là người duy nhất.
Sự nghiệp đầy biến động giúp Huỳnh Đức có đầy đủ trải nghiệm cần thiết trên băng ghế huấn luyện. Ông quản quân một cách nghiêm khắc và minh bạch, luôn làm chủ phòng thay đồ. Rất ít cầu thủ ở Đà Nẵng dám “bật” lại thầy Đức bởi đơn giản mọi chiêu trò thì thầy đều đã biết cả!
Nhiều người Đà Nẵng có thể không thích Huỳnh Đức khi dưới thời của ông, một loạt tài năng địa phương như Châu Lê Phước Vĩnh, Phạm Nguyên Sa, Giang Trần Quách Tân, Hà Minh Tuấn… không tìm được chỗ đứng và phải ra đi. Song không thể phủ nhận những gì ông đã mang lại cho đội bóng sông Hàn, mà rõ nhất chính là bảng thành tích với 2 lần lên ngôi vô địch V.League, 1 Cúp Quốc gia, 2 Siêu cúp Quốc gia.
Sau quãng thời gian tạm chia tay Đà Nẵng khi mùa giải 2017 kết thúc, Huỳnh Đức đã trở lại dẫn dắt đội bóng sông Hàn tại V.League 2019. Có lẽ cái ân tình với mảnh đất này là điều đã kéo ông trở lại, bởi nên nhớ rằng trong sự nghiệp của mình, Huỳnh Đức đã 2 lần từ chối dẫn dắt ĐTQG.
Đà Nẵng, nằm cách Huế con đèo Hải Vân, bây giờ là quê hương thứ hai của Huỳnh Đức. Hơn 15 năm sống ở đây, ông cùng với gia đình mình giờ chẳng khác gì người địa phương. Năm ngoái, gia đình Huỳnh Đức vừa khai trương cửa hàng chuyên kinh doanh 2 thương hiệu thể thao, được sử dụng lại từ chính căn nhà nơi gia đình ở khi mới đến Đà Nẵng vào năm 2004.
Chiến lược gia sinh năm 1972 giờ đã rất yên tâm về con cái. Hai cậu con trai lớn của Lê Huỳnh Đức là Lê Hồng Phúc và Lê Trung Hiếu đã đi nước ngoài, theo đuổi ngành hàng không. Với Lê Huỳnh Đức, người chỉ còn 2 năm nữa là đến cái ngưỡng “ngũ thập tri thiên mệnh”, có lẽ cuộc sống như ở thời điểm hiện tại là viên mãn – một công việc ổn định, một gia đình hạnh phúc, sự thành đạt với vị thế được nể trọng.