Tại Thái Lan, nghi lễ thả đèn trời Yi Peng ngày một nổi tiếng, nhưng cũng mang đến không ít rắc rối cho người dân. Theo truyền thông địa phương, những chiếc đèn hoa đăng từng thiêu rụi nhiều nhà dân, đốt cháy đường dây và gây ra sự cố mất điện.
Ông Kannikar Petchkaew, một thông dịch viên sống tại thành phố Chiang Mai, cho biết: “Mọi người đều lo ngại về những chiếc đèn trời. Nếu chúng rơi trên mái nhà, cả ngôi nhà có thể bốc cháy. Trong dịp lễ hội, nhiều người Thái nghỉ việc ở nhà để sẵn sàng dập lửa”.
Việc thả đèn hoa đăng cũng khiến ngành hàng không gặp khó khăn. Năm ngoái, Sân bay Quốc tế Chiang Mai đã phải hủy hơn 150 chuyến bay trong thời gian diễn ra lễ hội vì lo ngại đèn trời cản trở đường bay.
Giám đốc của một đại lý du lịch bình luận: “Có vẻ như họ không nghĩ đến rủi ro khi thả một số lượng lớn đèn trời”.
Nghi lễ thả đèn trời Yi Peng ngày càng trở nên phổ biến và mang đến không ít rắc rối cho người dân. Ảnh: Reuters. |
Giới chức tại Chiang Mai đã chỉ định những khu vực chuyên tổ chức lễ hội thả đèn. Người thả đèn trái phép bên ngoài khu vực được quy định sẽ bị phạt hành chính hoặc bị bỏ tù. Song người dân vẫn tổ chức nghi lễ này trên quy mô lớn bất chấp các quy định nghiêm ngặt.
Vào tháng 12 âm lịch (tức cuối tháng 10 và tháng 11 dương lịch), người Thái Lan thường tổ chức lễ hội thả đèn hoa đăng để bày tỏ lòng biết ơn với Nữ thần Nước Phra Mae Khongkha. Lễ hội truyền thống này luôn diễn ra trên quy mô lớn, đặc biệt ở Chiang Mai và một vài thành phố phía bắc.
Nghi lễ thả đèn trời luôn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, tạo ra nguồn thu đáng kể cho ngành du lịch của nước này. Ông Kenichi Shimomura, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của công ty tư vấn Roland Berger (Đức), nhận định lễ hội thường mang về doanh thu khoảng từ 14,4 triệu USD đến 19 triệu USD.