Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lễ hội biến thành đám tang của 44 người ở Israel

Những nhân chứng của vụ giẫm đạp khiến 44 người chết ở núi Meron, phía bắc Israel đêm 29/4 miêu tả sự hoảng loạn và sợ hãi của đám đông người hành hương trong thảm kịch.

Một người đàn ông sống sót trong thảm kịch tại lễ hội ở núi Meron, phía bắc Israel, nói với báo Maariv của Israel rằng ông đã tưởng mình sẽ chết khi nhiều người xung quanh đang bị giẫm đạp một cách hỗn loạn.

“Chúng tôi đang ở cửa và muốn ra ngoài, nhưng cảnh sát đã chặn cửa. Do đó, không ai có thể đi ra dược”, người này kể lại. “Trong cơn hoảng loạn, chúng tôi ngã vào nhau. Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ bị giẫm chết”.

“Tôi thấy người chết ngay bên cạnh”, anh kể lại.

"Tôi cảm thấy mình sắp chết"

Một người đàn ông tên David nói với Ynet rằng vụ dẫm đạp diễn ra khi mọi người đến xem đốt lửa. “Đột nhiên một làn sóng người ập đến. Chúng tôi bị cuốn đi. Một số người bị tung lên trời, số khác bị đè bẹp dưới đất”, ông miêu tả.

“Có một đứa bé cố bám lấy chân tôi để giành giật sự sống. Chúng tôi chờ được giải cứu trong vòng 15-20 phút giữa đám đông mất trí này. Thật khủng khiếp”, ông hồi tưởng.

dam dap israel anh 1

Các nhân viên cứu trợ cố gắng đưa người bị thương ra khỏi hiện trường. Ảnh: Reuters.

“Thời gian tưởng như vô tận, xung quanh chúng tôi la liệt người chết”, một nhân chứng khác nói với Ynet. Anh được cảnh sát kéo ra khỏi đám đông để tránh bị chết ngạt.

"Có một số người đè lên tôi. Tôi cũng đè lên một người không còn thở nữa. Xung quanh đầy tiếng la hét, tôi thấy cả những đứa trẻ bên dưới mình. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến việc không muốn con mình mồ côi", một nhân chứng khác chia sẻ với truyền thông Israel.

Một nhân chứng 24 tuổi tên Dvir kể lại rằng hàng loại người bị dồn vào một góc. Hàng người đầu tiên gục xuống trước sức ép của đám đông, sau đó đến hàng người thứ hai, nơi anh đang đứng. “Tôi cảm thấy như thể mình sắp chết”, anh nói.

Thảm họa xảy ra khiến các nhân viên cứu hộ phải vật lộn để giải tán đám đông và giải cứu các nạn nhân khỏi hiện trường.

“Chúng tôi đang giữ khoảng 30 đứa trẻ và không liên lạc được với cha mẹ chúng”, một nhân viên cứu trợ nói với Channel 12.

“Tôi chưa bao giờ thấy điều gì như thế này. Chúng tôi không rõ điều gì đã xảy ra, nhưng hậu quả không thể tưởng tượng”, ông nói.

“Chúng tôi nghĩ rằng có cảnh báo về một kiện hàng đáng ngờ bị nghi là bom”, một người hành hương tên Yizhak nói với Channel 12.

Trong khi đó, theo New York Times, dường như vụ giẫm đạp xảy ra khi một số người bị trượt ngã trên các bậc đá dẫn vào một lối đi hẹp, dốc, sàn bằng kim loại. Ynet miêu tả đây là một “dòng thác người”.

Một nhân chứng tên Chaim Vertheimer cho biết đoạn đường dốc bị trơn do nước, bao gồm nước ép trái cây bị đổ ra sàn.

“Mọi người đã dừng lại, nhưng nhiều người tiếp tục kéo đến. Tôi nhớ rằng hàng trăm người cùng kêu lên: Tôi không thể thở được”, bà nói với Ynet.

Lễ hội biến thành bi kịch

Từ đêm 29/4, khoảng 100.000 người Do Thái giáo chính thống cực đoan tụ tập ở núi Meron, miền Bắc Israel để tổ chức một lễ hội tôn giáo truyền thống.

Khoảng 1h sáng 30/4 (giờ địa phương), thảm họa xảy ra. Hàng nghìn người giẫm đạp lên nhau khiến 44 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Hiện chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân vụ việc.

Những người Do Thái giáo chính thống cực đoan tổ chức lễ hội Lag b’Omer vào ngày thứ 18 của tháng Iyar theo lịch Do Thái. Những người hành hương đốt lửa và nhảy múa xung quanh ngôi mộ của một giáo sĩ Do Thái từ thế kỷ thứ hai để kỷ niệm ngày mất của giáo sĩ này.

Năm nay, lễ hội vẫn được tổ chức mặc dù giới chức y tế Israel cảnh báo nguy cơ sự kiện này có thể trở thành ổ lây nhiễm Covid-19.

dam dap israel anh 2

Thi thể các nạn nhân được đưa khỏi hiện trường. Ảnh: Times of Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi đây là “một thảm họa khủng khiếp”. Ông đã đến hiện trường để trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ. Nhà lãnh đạo cũng tuyên bố 1/5 là ngày quốc tang cho các nạn nhân trong thảm họa.

Một số người hành hương có mặt ở hiện trường đã chất vấn và hô khẩu hiệu chống lại ông, theo Times of Israel.

Khu vực xung quanh hiện trường được chia thành nhiều khu vực nhỏ để kiểm soát đám đông. Thảm họa đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về sự yếu kém, thậm chí là cẩu thả trong khâu lên kế hoạch.

Những đoạn video được ghi lại cho thấy cảnh sát đã cố gắng chặn người muốn thoát ra khỏi hiện trường. Họ có thể không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình và mong muốn đám đông hỗn loạn không lan sang các khu vực khác.

Một số hình ảnh cũng cho thấy một cánh cửa ở lối thoát hiểm đã bị khóa.

Eli Levy, phát ngôn viên của cảnh sát Israel nói rằng các cuộc điều tra đang được tiến hành, nhưng hiện là quá sớm để đổ lỗi hay kết tội cẩu thả. Ông cũng cho biết rằng nhiều người hành hương từ chối rời đi bất chấp lời kêu gọi sơ tán.

Đối với những người sống sót, họ chưa thể hiểu nổi điều gì đã xảy ra.

"Không ai tưởng tượng được điều đó có thể xảy ra. Sự hân hoan biến thành tang tóc. Ánh sáng rực rỡ biến thành màn đêm sâu thẳm", nhân chứng tên Yitzhak nói với Channel 12.

Giẫm đạp chết người ở lễ hội tôn giáo lớn nhất Israel Ít nhất 38 người thiệt mạng, 103 người bị thương trong vụ giẫm đạp tại lễ hội tôn giáo lớn nhất Israel. Hàng chục nghìn người đã tham gia sự kiện, bất chấp cảnh báo.

Giẫm đạp thảm khốc trong lễ hội Israel, 44 người chết

Một vụ giẫm đạp xảy ra tại lễ hội tôn giáo thu hút đông đảo người Do Thái Chính thống cực đoan ở ngọn núi miền Bắc Israel, khiến ít nhất người chết, theo New York Times.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm