Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lazada, Tiki, Bibo Mart kêu tìm nhân sự giỏi bán lẻ ‘khó như lên trời'

Tại sự kiện Forbes Talk với chủ đề “Phát triển ngành bán lẻ Việt Nam”, đại diện các thương hiệu lớn chia sẻ yếu tố quan trọng nhất, khó khăn nhất chính là vấn đề nhân sự giỏi.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết ngành bán lẻ Việt Nam sau một thời kỳ phát triển mạnh nay đã có dấu hiệu chững lại.

Mục tiêu 40% mức bán lẻ hiện đại 2020 rất khó thực hiện. Đến nay Việt Nam mới chỉ đạt tỷ lệ bán lẻ hiện đại khoảng 27-28%.

Theo bà Loan, một trong những khó khăn để phát triển ngành bán lẻ ở Việt Nam chính là vấn đề nhân sự. Bà cho biết rất nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội mong muốn thành lập một cơ sở đào tạo chuyên nghiệp về bán lẻ để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiện công nghệ bán lẻ hiện đại trên thế giới luôn thay đổi. Các loại hình bán lẻ trên thế giới như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh… đã có mặt ở Việt Nam nhưng mức độ phát triển chưa đồng đều để có đội ngũ nhân sự tốt.

Bà Trịnh Lan Phương, CEO chuỗi cửa hàng Bibo Mart, cho biết doanh nghiệp bán lẻ thường có những khó khăn về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản trị và đặc biệt là con người.

Bà Phương nêu thực tế doanh nghiệp của bà muốn tuyển nhân sự có kinh nghiệm, trình độ cao, vào là làm được việc mà tìm không ra.

“Việc tuyển dụng khó như lên trời”, bà nói và cho rằng Việt Nam cũng thiếu những trường đào tạo chuyên về bán lẻ. Vì vậy, để có một nguồn cung chính quy là rất khó khăn.

ban le viet nam anh 1
Ngành bán lẻ Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh, trong khi lại thiếu nhân sự chất lượng cao. Ảnh: Lê Quân.

“Các bạn trẻ Việt Nam thường xác định học hết cấp 3 là thi đại học, học đại học xong là muốn tìm được công việc liên quan đến ngành được đào tạo. Công việc tìm được phải sang chảnh chứ không phải là bán hàng, phục vụ. Các bạn trẻ coi ngành bán hàng như công việc không lâu dài”, bà Lan Phương nhấn mạnh.

CEO của Bibo Mart cho rằng nếu không tìm được nhân sự muốn làm bán lẻ thì không thể khiến họ làm tốt được. Khi tìm được nhân sự, doanh nghiệp gần như phải “lập trình” lại nhận thức, thôi thúc tình yêu nghề.

Sau khi nhân sự đã xác định gắn bó thì doanh nghiệp đầu tư rất nhiều vào đào tạo. "Chúng tôi đào tạo hàng tháng, hàng năm. Chúng tôi thuê những thầy thực sự giỏi trên thế giới, các chuyên gia giỏi nhất, từng làm việc ở Walmart, 7Eleven về làm và đào tạo nhân viên”, bà Phương cho biết thêm.

CEO của Lazada Việt Nam là Alexandre Dardy và ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng giám đốc Tiki.vn, cũng nêu ra những khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự ở Việt Nam.

Ông Sơn nêu ra thực tế một số doanh nghiệp bán lẻ có sự tăng trưởng nhanh như Lazada hay Tiki đều gặp thách thức về nhân sự. Tốc độ tuyển dụng nhân sự, đào tạo nhân sự chất lượng cao không theo kịp tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp có thể khắc phục khó khăn về công nghệ, về trình độ quản lý, về chất lượng dịch vụ khách hàng, nhưng khó có thể khắc phục được vấn đề nhân sự”, ông Sơn cho biết thêm.


Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm