Với sự chuyển biến trong phong cách mua sắm của người Việt, cửa hàng tiện lợi - là một nhánh đặc thù của ngành bán lẻ - đang là miếng bánh hấp dẫn cả doanh nghiệp nội và ngoại.
Ngày 15/6, 7-Eleven chính thức ra mắt cửa hàng đầu tiên của mình tại TP.HCM, đánh dấu sự hiện diện của chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới tại thị trường Việt Nam.
Với danh tiếng có sẵn, không bất ngờ khi người TP.HCM xếp hàng dài để trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng đầu tiên của 7-Eleven. Gã khổng lồ bán lẻ thế giới gây thích thú cho người TP.HCM khi những mặt hàng rất “Việt” như trứng vịt lộn, thịt kho trứng, bò kho rau củ, đậu hũ xào bắp non xuất hiện trên kệ bên cạnh những “đặc sản” đã làm nên tên tuổi của 7-Eleven.
Người tiêu dùng xếp hàng để mua sắm tại một cửa hàng tiện lợi không chỉ là ước mơ của mọi doanh nghiệp mà còn là minh chứng rõ ràng nhất cho tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam, đặc biệt là mô hình cửa hàng tiện lợi.
Trên các con phố chính tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, cứ hơn chục mét lại có một cửa hàng tiện lợi. Các thương hiệu bán lẻ trong và ngoài nước chen lấn, cạnh tranh nhau trên từng địa bàn. Cửa hàng của doanh nghiệp này cách không xa, thậm chí nằm ngay cạnh cửa hàng của doanh nghiệp kia.
Sống tại khu vực Hàng Bông (Hà Nội) đã hơn 20 năm, chị T. Hằng chưa bao giờ chị thấy việc mua sắm trở nên tiện lợi như hiện nay. "Cứ đi chục bước chân lại có một cửa hàng tiện lợi, bày bán đủ mặt hàng không thua gì siêu thị nên mình không còn phải đi xa để mua sắm hàng ngày cho gia đình nữa", chị Hằng chia sẻ.
"Muốn mua rau thịt có cửa hàng để mua rau thịt, mua bánh trái, cà phê pha sẵn cũng có luôn, cách nhau chỉ hơn chục mét nên mình thoải mái lựa chọn", chị nói thêm.
Những cư dân thành thị như chị T. Hằng là đối tượng hưởng lợi đầu tiên trong cuộc chiến cạnh tranh miếng bánh cửa hàng tiện lợi đầy khốc liệt của cả doanh nghiệp nội lẫn doanh nghiệp ngoại.
Cửa hàng tiện lợi chỉ là một phân nhánh trong thị trường bán lẻ được đánh giá là hấp dẫn và đầy tiềm năng của Việt Nam đang được các ông lớn bán lẻ ngoại nhắm tới, bên cạnh mảng siêu thị.
Theo Unicons, tổng giá trị thị trường bán lẻ Việt năm 2016 đạt khoảng 110 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam hiện là một trong 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới.
Báo cáo của Nielsen cho thấy cửa hàng tiện lợi đang là xu hướng bùng nổ tại Việt Nam trong 3 năm qua. Tốc độ mở cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam đã tăng tới 200% một năm. Thời điểm năm 2012 cả nước có 1.000 cửa hàng loại này nhưng tới cuối năm 2015, con số này đã lên đến 2.000.
Đơn vị khảo sát thị trường IGD dự đoán các chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam sẽ phát triển ở mức 2 con số trong 4 năm tới trước khi đạt đến mức 37,4% mỗi năm vào năm 2021.
So với các nước trong khu vực, tỷ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam ở mức 25%,được đánh giá là còn thấp và nhiều tiềm năng phát triển. Thói quen tiêu dùng của người dân thành thị vẫn xoay quanh những tiệm tạp hóa nhỏ lẻ do tính tiện dụng cao và mức giá bình dân.
Tuy nhiên câu chuyện đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây. Các cửa hàng tiện lợi mọc lên khắp mọi nơi, len lỏi vào từng phố nhỏ, ngõ nhỏ.
Để lôi kéo người tiêu dùng chuyển đổi thói quen mua sắm hiện đại, các chuỗi cửa hàng tiện lợi đều có "đặc sản" riêng cho mình. Vinmart+ lấy rau xanh, thịt sạch làm mũi nhọn nhờ kết hợp thực phẩm sạch vào mô hình cửa hàng tiện dụng, giúp đáp ứng nhu cầu của người mua không thua kém một siêu thị mini.
Trong khi đó, Circle K lại sử dụng thực phẩm chế biến sẵn cùng không gian có máy lạnh, Wi-Fi để khách mua hàng ngồi ngay tại cửa hàng thưởng thức làm thế mạnh.
Điểm mạnh chung của các cửa hàng tiện lợi so với mô hình cửa hàng tạp hóa truyền thống là đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của khách hàng. Khách có thể trả tiền điện, tiền nước, tiền Internet, đặt vé máy bay, mua thực phẩm, nước giải khát chế biến tại chỗ. Đó là những điều mà tạp hóa truyền thống không thể đáp ứng.
Các chuỗi cửa hàng tiện lợi hiện đại còn đánh trực tiếp vào ưu điểm lớn nhất của tạp hóa truyền thống, đó là gần khách hàng. Bất kỳ khu dân cư nào tập trung nhiều khách hàng tiềm năng, chuỗi cửa hàng tiện lợi sẽ vươn tới, bất kể nằm trong ngõ hẻm hay mặt bằng có diện tích không lớn.
Dường như các doanh nghiệp bán lẻ đã tìm ra công thức chiến thắng trong cuộc chiến với tạp hóa truyền thống, đó là gần khách hơn, tiện ích hơn để áp đảo.
Công thức này được Circle K áp dụng triệt để nhất tại khu vực xung quanh các trường phổ thông, đại học lớn. Chuỗi này luôn đặt tiêu chí gần trường học lên hàng đầu nhờ lượng khách hàng tiềm năng, là sinh viên của các trường, vô cùng dồi dào.
Mỗi trường đại học lớn tại Hà Nội đều có 3-5 cửa hàng Circle K “theo kèm” trong bán kính 1 km quanh cổng trường. Trước và sau giờ học, các cửa hàng ken đặc các bạn trẻ mua đồ ăn vặt: bánh mì, cà phê sữa đá, bim bim, kẹo, nước ngọt, hoặc đôi khi chỉ là túm năm tụm ba trò chuyện với bạn bè.
Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chiến lược "phủ kín" các thành phố châu Á của 7-Eleven. Riêng tại Việt Nam, đơn vị này lên kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong năm đầu tiên và 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới.
Trước 7-Eleven đã từng có rất nhiều thương hiệu sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn ngã ngựa hoặc làm ăn cầm chừng tại Việt Nam dù được đầu tư mạnh và bài bản. Tiềm lực và kinh nghiệm dồi dào của 7-Eleven là điều không còn phải bàn cãi, nhưng không có gì đảm bảo hai yếu tố này sẽ giúp ông lớn ngành bán lẻ chắc thắng.
Điển hình nhất là FamilyMart, chuỗi cửa hàng tiện lợi đồng hương với 7-Eleven. Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2009, FamilyMart sau một lần tái cơ cấu và tạo liên doanh với doanh nghiệp nội đã lấy đà và nhanh chóng mở rộng, đặc biệt là tại thị trường phía Nam.
Do hiệu quả kinh doanh không cao, năm 2013, liên doanh này tan vỡ do chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s Mart của Thái Lan đã mua lại toàn bộ số cửa hàng FamilyMart tại Việt Nam. Đây cũng là những cửa hàng B’s Mart đầu tiên tại Việt Nam.
Chưa từ bỏ quyết tâm chinh phục thị trường Việt Nam đang tăng trưởng nóng. FamilyMart cải tổ và trở lại mạnh mẽ và tới tháng 7/2016 đã đạt con số 106, đặt mục tiêu 150 cửa hàng vào cuối năm 2017 và 300 cửa hàng vào năm 2018.
Mục tiêu là vậy, nhưng lãnh đạo của FamilyMart nhận định tình hình kinh doanh của chuỗi này tại Việt Nam không thuận lợi và tiến tới sẽ phải ngừng đầu tư thêm.
Theo ông Koji Takayanagi, Chủ tịch tập đoàn FamilyMart UNY, dù các cửa hàng của FamilyMart tại Trung Quốc và Đài Loan đang sinh lời, việc kinh doanh tại Việt Nam, Thái Lan và Indonesia liên tục thua lỗ.
Hiện số cửa hàng FamilyMart tại Việt Nam đạt khoảng 125 cửa hàng, khiêm tốn so với danh hiệu chuỗi cửa hàng tiện lợi số một tại Hàn Quốc và hơn 10.000 cửa hàng tại quê nhà Nhật Bản.
"Nếu có cách nào để vực dậy việc kinh doanh, chúng tôi sẽ làm. Tuy nhiên chúng tôi không thể tiếp tục đổ thêm nguồn lực vào nữa", ông Takayanagi chia sẻ.
Không chỉ khối ngoại gặp khó, các doanh nghiệp nội cũng rất dè dặt khi tham gia vào cuộc đấu cửa hàng tiện lợi.
Năm 2011, G7 (Trung Nguyên) đã có quyết định táo bạo khi đưa MiniStop, chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản về Việt Nam theo hình thức nhượng quyền. Tham vọng 500 cửa hàng trong 5 năm nhưng thực tế teo tóp chỉ còn 17 cửa hàng. Kết quả kinh doanh không thuyết phục, Ministop chia tay Trung Nguyên, tìm đến đối tác mới.
Bắt tay với "đồng hương" Sojitz, Ministop và đối tác đặt mục tiêu đạt 800 cửa hàng trong năm nay và tăng gấp đôi trong năm sau. Ông Akihiko Maeda, Tổng giám đốc chuỗi Mini Stop tại Việt Nam, cho biết theo tính toán của đơn vị này thì phải mở tối thiểu 300 cửa hàng tiện lợi mới đảm bảo có mức lợi nhuận ổn định.
SatraFood, CoopFood, HaproFood là những thử nghiệm của doanh nghiệp nội với mô hình cửa hàng tiện lợi. Điểm chung của những thử nghiệm này là đẩy mạnh kinh doanh thực phẩm tiện lợi. Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm, doanh nghiệp nội vẫn chưa thể mở rộng để có thị phần đáng kể.
Thách thức lớn nhất cho những kẻ đến sau vào thời điểm này chính là sự bành trướng của hai cái tên lớn nhất: Vinmart+ và Circle K.
Hai doanh nghiệp một nội một ngoại gần như đang áp đảo phần còn lại của cuộc đấu. Vinmart+ với tiềm lực mạnh đã mở rộng nhanh chóng kể từ thời điểm gia nhập thị trường. Tính tới năm 2016, Vinmart+ có khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước và hướng tới mục tiêu nâng con số này lên 1.500 cửa hàng vào cuối năm 2017.
Không nhiều cửa hàng bằng Vinmart+, Circle K lại ghi điểm bằng chất lượng và sự đa dạng hàng hóa, dịch vụ. Nhắm tới đối tượng khách hàng trẻ, các cửa hàng Circle K bày bán các loại đồ ăn chế biến sẵn cùng đồ uống, đi kèm không gian thưởng thức trẻ trung, phù hợp với lối sống năng động của bộ phận người tiêu dùng trẻ.
Gia nhập thị trường Việt Nam tháng 12/2008 với cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM, đến nay, theo thống kê của hãng, Circle K đã có 262 cửa hàng tại Việt Nam, trong đó TP.HCM chiếm phần lớn với 159 cửa hàng.
Theo ông Vũ Vĩnh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất rộng lớn cho các hệ thống cửa hàng tiện lợi phát triển. "7-Eleven vào Việt Nam thì thị trường vẫn còn rất 'khát' cửa hàng tiện lợi. Sự cạnh tranh ở phân khúc này là chưa lớn. Việc của các doanh nghiệp là tận dụng và có những chiến lược phù hợp", ông Phú nói.
Ông Trần Văn Bắc, Phó tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra), cho rằng thực tế việc mở và duy trì tốt chuỗi cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi là hai chuyện khác.
Theo ông Bắc, ngoài việc phải tạo khác biệt để hút khách của các chuỗi bán lẻ, cửa hàng tiện lợi thì điều lớn nhất cản trở sự phát triển là mặt bằng. Với Satra, ông Bắc cho biết trong 6 năm đơn vị chỉ mở được 106 cửa hàng bởi việc đàm phán, tìm mặt bằng đáp ứng tiêu chuẩn của cửa hàng bán lẻ tại các khu dân cư quá khó khăn.
Trong bối cảnh đó, cơ hội cho những kẻ đến sau như 7-Eleven vẫn còn rộng mở, nhưng để có miếng lớn trong chiếc bánh cửa hàng tiện lợi béo bở không phải là chuyện đơn giản.
Hơn nữa, "không chỉ cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng tiện lợi khác mà bản thân 7-Eleven vẫn phải cạnh tranh với thói quen mua sắm, tiêu dùng của người Việt", một chuyên gia bán lẻ nhận xét.