Một nam bệnh nhân đã tử vong vì biến chứng thủy đậu. Ảnh minh họa: The Econimic Times. |
Theo thông tin của PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đơn vị này tiếp nhận điều trị cho hàng chục bệnh nhân mắc thủy đậu khoảng một tháng gần đây. Trong đó, đa phần bệnh nhân đã có biến chứng hoặc là đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai).
Thậm chí, trung tâm đã ghi nhận một trường hợp người lớn tử vong do biến chứng của thủy đậu. Đó là nam bệnh nhân 32 tuổi, nhập viện ngày 23/4, được chẩn đoán mắc thủy đậu có biến chứng viêm phổi, suy gan.
Nguyên nhân tử vong
Gia đình bệnh nhân cho hay người bệnh có sức khỏe tốt, không có bệnh lý nền. Hai tuần trước khi nhập viện, anh có tiếp xúc con trai mắc thủy đậu.
Trước khi vào viện 4 ngày, bệnh nhân xuất hiện nốt phỏng nước dưới da kèm sốt, gai, rét. Anh đi khám tại phòng khám tư, được chẩn đoán mắc thủy đậu và dùng thuốc nhưng không đỡ. Người bệnh được người nhà đưa vào bệnh viện địa phương nhưng bệnh diễn tiến nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.
Anh được đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng sốt cao kèm theo các triệu chứng suy đa phủ tạng, hôn mê, xuất huyết não, 2 phổi đông đặc, tổn thương tim.
"Chưa đầy 24 giờ sau khi nhập viện, bệnh nhân được chuyển sang Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, bệnh tình diễn biến rất nhanh. Sau 10 giờ chuyển đến trung tâm, anh có dấu hiệu tim đập nhanh. 5 giờ sau đó, các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh giảm. Anh được gia đình xin về nhà", PGS Cường cho biết.
Dù được bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng chuyển trung tâm quá muộn và có nhiều biến chứng, bệnh nhân tử vong.
Không chủ quan
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra và có thể bùng phát thành dịch. Đây là bệnh truyền nhiễm tổn thương ngoài da, lành tính. Các trường hợp khỏe mạnh mắc thủy đậu sau khoảng một tuần sẽ tự hết bệnh, không để lại di chứng.
"Tuy nhiên, thời gian gần đây, ca mắc thủy đậu ở người lớn đã ghi nhận trường hợp tử vong đáng tiếc", PGS Cường nói.
Thủy đậu là bệnh lành tính, lây truyền khi tiếp xúc với dịch tiết, giọt bắn của người bệnh. Ảnh: Parade. |
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, tiếp xúc (giọt bắn, dịch tiết). Người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nhảy mũi hoặc tiếp xúc dịch tiết, vùng da bị tổn thương của người mắc.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc thủy đậu rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
"Bệnh thủy đậu có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vaccine. Nhưng mọi người thường chủ quan và bỏ qua việc tiêm phòng", PGS Cường nhận định.
Người mắc thủy đậu thường có triệu chứng sốt nhẹ, da xuất hiện nhiều nốt phỏng toàn thân. Sau một tuần mắc bệnh, các nốt phỏng có thể tự vỡ hoặc xẹp xuống và thường không để lại sẹo.
Dù là bệnh lành tính tự khỏi, thủy đậu vẫn có thể gây nguy hiểm cho nhóm người có nguy cơ cao như suy giảm miễn dịch; mắc ung thư đang điều trị hóa chất; có bệnh nền (đái tháo đường, tim mạch...).
Nếu để bệnh phát triển nặng, người bệnh rất dễ gặp các biến chứng như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt phỏng, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.
Do đó, PGS Cường khuyến cáo mọi người nên chủ động tiêm vaccine ngừa thủy đậu để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.
"Trẻ 1-12 tuổi nên được tiêm 2 liều. Liều thứ 2 được tiêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở lên hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm nguy cơ tái mắc bệnh", PGS Cường hướng dẫn.
Trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tốt nhất nên tiêm 2 liều cách nhau sau 6 tuần. Đặc biệt, nhóm người có nguy cơ cao cần phải tiêm phòng thủy đậu. Đối với trường hợp thủy đậu biến chứng, bệnh nhân cần phải được phát hiện và điều trị kịp thời để tăng khả năng điều trị.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.