Giáo sư Vicki Stover Hertzberg (Đại học Emory, Georgia, Mỹ) và giáo sư Howard Weiss (Đại học bang Penn, Mỹ) đã có công trình nghiên cứu đầu tiên trên thế giới lượng hóa khả năng tiếp xúc và lây nhiễm của một người bệnh cho các hành khách khác trên cùng chuyến bay.
Virus không tồn tại lâu trong tàu bay
Nghiên cứu được tiến hành với những dòng máy bay thân hẹp, có một lối đi ở giữa như Airbus A320 và bay quãng ngắn trong thời gian vài tiếng.
Theo kết quả nghiên cứu, khoảng 43% người ngồi cạnh cửa sổ sẽ đứng dậy và đi lại, như đi vệ sinh hay lấy hành lý ở khoang trên đầu, trong khi con số này ở các ghế giữa và ghế cạnh lối đi lên đến 80%.
Trong trường hợp các hành khách phải đi lại, theo giáo sư Weiss, mọi tiếp xúc của hành khách trên tàu bay đều diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn. “Nói chung, theo nghiên cứu của chúng tôi, khả năng lây bệnh cho một hành khách bất kỳ trên cùng chuyến bay là khá thấp”, giáo sư Weiss khẳng định.
Một bảng khuyến cáo hành khách thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch tại sân bay Nội Bài. Ảnh: ACV |
Trong khi đó, các nghiên cứu khác cho biết nước bọt bắn ra từ một người có thể lơ lửng trong không khí khoảng nửa tiếng. Tuy nhiên, trong khoang tàu bay, những giọt nước bọt này sẽ không thể tồn tại được lâu do tàu bay được trang bị hệ thống màng lọc khí HEPA có thể lọc tới 99,7% bụi, vi khuẩn và virus. Hệ thống này chạy liên tục cùng với không khí sạch lấy từ bên ngoài tàu bay ở tầng khí quyển cao, đảm bảo không khí lưu thông trong khoang tàu bay được thay mới từ 15-30 lần trong 1 tiếng.
Hiện nay, hệ thống màng lọc khí HEPA cũng được lắp trên dòng tàu bay do Airbus sản xuất.
Điều đó cho thấy, ngay cả khi một người mắc bệnh ho trên máy bay thì khả năng virus lây nhiễm sang người khác cũng rất thấp.
Hàng không an toàn trong mùa dịch
Mới đây, phát biểu tại tọa đàm "Đi lại trong mùa dịch: Làm gì để tránh lây nhiễm?", PGS. TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự cố y tế công cộng, cho rằng đi lại bằng tàu bay an toàn hơn so với các phương tiện giao thông vận tải khác vì tàu bay có màng lọc không khí, được khử trùng tốt hơn và có nhiều quy định quốc tế phải tuân thủ hơn.
Mặc dù vậy, ông Phu vẫn khuyến cáo: “Mỗi hành khách phải cố gắng đảm bảo bằng cách đeo khẩu trang, găng tay, không đưa tay lên mồm, miệng, mắt…”.
Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông và Vận tải, hiện nay, các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện đã có khuyến cáo tới tất cả người điều khiển, người phục vụ và hành khách đi trên phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu phà, máy bay….) phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian di chuyển để hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19.
Việc phun thuốc khử trùng cũng đã được thực hiện tại các sân bay, bến tàu, bến xe, bến cảng và đối với tàu bay, tàu chở hàng, ôtô... đi về từ vùng có dịch. Việc trang bị xà phòng và nước rửa tay, nước sát khuẩn tay khô cho nhân viên phục vụ và hành khách cũng đều được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc.
Hành khách tại sân bay Nội Bài thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang. Ảnh: ACV |
Bản thân các hãng hàng không đã áp dụng hình thức kiểm tra sức khỏe của phi hành đoàn trước mỗi chuyến bay, đảm bảo tiếp viên đủ điều kiện sức khỏe phục vụ trên chuyến bay. Các hãng cũng đã đưa ra khuyến cáo hành khách hạn chế đi lại và giao tiếp trên tàu bay, hạn chế tiếp xúc với các đồ vật.
Mọi biện pháp đảm bảo an toàn chuyến bay được các hãng hàng không thực hiện theo đúng chuẩn mực quốc tế cao nhất của Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế.
Bình luận