Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lay lắt bệnh viện tư: Đủ chiêu hút bệnh nhân

Hàng loạt bệnh viện tư đang “ốm”, thậm chí đã phải báo tử dù mang sứ mệnh chia sẻ gánh nặng quá tải với bệnh viện công vẫn chưa thực hiện xong.

Tôi được một người quen dắt mối đến để giao dịch mua lại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ trên đường Độc Lập, quận Tân Phú, TPHCM. Người này giới thiệu: Đây là bệnh viện tư nhân “xịn” với 10 tầng, thiết bị hiện đại với hơn 500 giường.

Bỏ không

Mức giá để sở hữu bệnh viện, theo người dắt mối là 26 triệu đô-la Mỹ, rao bán cả năm nay nhưng không ai ngó ngàng. Chủ bệnh viện giờ không còn liên lạc được trong khi các cổ đông luôn săn lùng, vì khoản 120 tỷ đồng mà họ góp vốn vẫn chưa thanh toán được.

Không phải đóng cửa nhưng Bệnh viện Vũ Anh, bệnh viện đa khoa tư nhân đầu tiên ở TPHCM được xây dựng trên mô hình bệnh viện - khách sạn 5 “sao” với số vốn hàng trăm tỷ đồng cũng đang lay lắt. 

Trang thiết bị hiện đại, người bệnh vào đây được chăm sóc như “thượng đế” nhưng con số khoảng 100 lượt/ngày đến khám và điều trị trong hơn 200 giường không bằng 1/10 lượng bệnh nhân của một bệnh viện tuyến quận, huyện hiện nay. Hàng loạt bác sĩ giỏi từng bị mê hoặc bởi khoản lương thưởng cao chót vót nay đã lần lượt ra đi.

 Nhiều bệnh viện tư vắng vẻ dù được đầu tư xây dựng khang trang.
Nhiều bệnh viện tư vắng vẻ dù được đầu tư xây dựng khang trang.

Một mô hình bệnh viện - khách sạn khác là Hồng Đức cũng đìu hiu chợ chiều. Từ cả nghìn người đến khám mỗi ngày, bây giờ chỉ còn vài trăm trong khi nơi đây có hơn 300 giường. Giá “chát”, bác sĩ “thường thường bậc trung”.

Bệnh viện FV ở TPHCM từng trở thành “hiện tượng” khi đi vào hoạt động cách đây 10 năm. Người bệnh giàu có ùn ùn kéo đến. FV còn trở thành “địa chỉ thân thiết” của bệnh nhân Campuchia hay Lào. Nhưng nay nó không còn nổi đình nổi đám như trước. Cách đây hai năm, hàng loạt ca tử vong tại đây mà một phần được cho là do bác sĩ kém chuyên môn hoặc tắc trách đã khiến người bệnh ngần ngại.

Bệnh viện quốc tế Thành Đô, mọc lên trong khu Y tế kỹ thuật cao quận Bình Tân với trang thiết bị hiện đại nhất hiện nay nhưng người bệnh chỉ lèo tèo. Với vị thế là nơi đón đầu ở khu vực cửa ngõ phía Tây, tiếp đón khách bệnh Campuchia… nên bệnh viện này có thiết kế 320 giường bệnh, vốn đầu tư hàng trăm triệu đô- la Mỹ nhưng mỗi ngày chỉ đón khoảng vài chục người tới khám. Nhiều bác sĩ được mời về đây khi bệnh viện đi vào hoạt động với mức lương 60-80 triệu đồng/tháng cũng ra đi.

“Họ cũng như chúng tôi không thể ngồi mát ăn bát vàng mãi được. Chúng tôi cần tiền nhưng cũng cần bệnh nhân nữa. Không có bệnh nhân tôi thấy mình “lụt” nghề”- một bác sĩ từng làm nơi đây nói như vậy. Còn hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ phải đóng cửa bệnh viện tại Huế, ngưng hoạt động cơ sở ở quận 2, TPHCM…

Xoay xở để tồn tại

Mấy năm nay, để kéo bệnh nhân Campuchia sang chữa bệnh, Bệnh viện FV, Triều An hay ĐH Y dược TPHCM đã đặt văn phòng giao dịch tại nước này. Nhân viên các văn phòng tại Campuchia cũng không ngồi đợi, họ chạy đôn chạy đáo tìm kiếm người bệnh có nhu cầu.

Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ phải rao bán
Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ phải rao bán

Một số bệnh viện tư nhân tại TPHCM còn “liên kết” với cánh tài xế, nhà xe chạy “tua” Phnompenh-TPHCM để “lôi” người bệnh về cho mình. Tất nhiên, việc ăn chia cũng rõ ràng. Anh Hùng, tài xế chạy xe du lịch tuyến này, nói thẳng: “Kiếm được một người bệnh sang bệnh viện tư nhân, tôi được hỗ trợ một số tiền”. Dù không nói rõ bao nhiêu nhưng theo anh Hùng, thường 10% trên tổng chi phí mà người bệnh bỏ ra.

Một bác sĩ phụ trách tài chính ở bệnh viện tư nói: “Không kinh doanh, không đi kiếm bệnh nhân, tiếp thị bệnh viện thì chỉ có đói và đói”. Mấy năm nay, nhân viên kinh doanh của Bệnh viện quốc tế Minh Anh ở quận 6, TPHCM phải tỏa đi khắp nơi để mời gọi người bệnh đến khám, mời các cơ quan, tổ chức đến khám bệnh định kỳ cho nhân viên. Họ chăm sóc đối tác còn hơn cả bản thân.

Khi có cơ quan đoàn thể nào ký hợp đồng khám bệnh, bệnh viện cử đội ngũ nhân viên đến thăm hỏi, xe cộ hoành tráng kẻ đón người đưa, thăm khám xong việc lại đưa về tận nơi. Giá cả thì cạnh tranh khốc liệt. Ở bệnh viện này, người ta còn “đẻ” ra chiêu cho thuê bệnh viện để các đoàn làm phim vào đóng phim.

“Thứ nhất là để quảng bá bệnh viện ra công chúng nhưng cái lợi nữa là cũng có nguồn thu”, một bác sĩ cho biết.

Ở Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn, sản phụ xuất viện đều được tặng kèm một hộp sữa có giá cả triệu đồng. “Nông dân như tụi tui có mơ cũng không thể vào nằm trong bệnh viện đạt chuẩn quốc tế như thế này”, bệnh nhân Nguyễn Văn Khia, 54 tuổi, nông dân ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM nói. Giá khám 20 nghìn đồng, ngồi trong phòng lạnh, có người hướng dẫn tận tình là điều ông Khia không thể có khi đi khám ở bệnh viện huyện.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Khia được điều trị tại bệnh viện quốc tế với chi phí giường nằm 50 nghìn đồng/ngày
Bệnh nhân Nguyễn Văn Khia được điều trị tại bệnh viện quốc tế với chi phí giường nằm 50 nghìn đồng/ngày

Để kéo bệnh nhân, phục vụ từ nghèo đến giàu, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á ở huyện Củ Chi, TPHCM khám chữa bệnh với giá nhà nước. TS Nguyễn Văn Châu, Tổng giám đốc bệnh viện này nói đầu tư 800 tỷ đồng, đạt chuẩn quốc tế nhưng để kéo bệnh nhân, trong thời buổi khó khăn này phải biết “hy sinh” và cạnh tranh để sống.

Giá khám bệnh nơi đây chỉ bằng 20% giá bệnh viện tư nhân khác và bằng 50% giá dịch vụ trong các bệnh viện công. “Mỗi ngày nằm viện, bệnh nhân có thu nhập thấp chỉ cần trả 50 ngàn đồng tiền giường, nhưng cái họ có được là ở trong phòng ốc khang trang, có ti vi, máy quạt và nhà vệ sinh riêng”- bác sĩ Châu nói.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn tại quận 12 giảm giá khám cho nhân viên công ty đến 20%, xe đưa nước rót. Còn Bệnh viện Mắt Phương Nam ở quận 3 lại giảm 15% phẫu thuật Lasik, chưa hết còn giảm 50% giá đo khúc xạ hay 15% khi mua gọng và tròng. Bệnh nhân trái tuyến cũng được thanh toán bảo hiểm y tế đến 50%.

Thay tên đổi họ

Không cầm cự được, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ với gần 10 bệnh viện trong hệ thống đã bán cổ phần cho VinaCapital và Deutsche Bank trị giá 20 triệu USD.

Năm 2011, Tập đoàn Fortis của Ấn Độ đầu tư vào Hoàn Mỹ và sở hữu cổ phần chi phối lên đến 65% trong một thương vụ trị giá 100 triệu USD.

Mới đây, Richard Chandler Corporation mua lại toàn bộ số cổ phần của tập đoàn Fortis tại Hoàn Mỹ.

Trong khi đó, Bệnh viện Mỹ Đức cũng đã bán cho một cá nhân để trở thành bệnh viện chuyên về sản và hiếm muộn tại quận Tân Bình hay như Bệnh viện Đa khoa An Phước ở quận 12 cũng phải bán lại cho một tổ chức và đổi tên lại thành Tâm Trí Sài Gòn…

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/lay-lat-benh-vien-tu-762635.tpo

Theo Lê Nguyễn/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm