Trên mỗi tàu chiến của Hải quân Mỹ đều có bản sao của cuốn sách “The American Practical Navigator” (Người dẫn đường hữu ích của Mỹ), do Nathaniel Bowditch biên soạn, xuất bản lần đầu vào năm 1802.
Đây được xem là cuốn bách khoa toàn thư về hàng hải, chứa đầy dữ liệu về kinh độ, vĩ độ của nhiều địa danh khác nhau, từ ngọn hải đăng Bugio ở Lisbon, Bồ Đào Nha, đến ngọn hải đăng Kannonzaki ở Yokosuka, Nhật Bản.
Cuốn sách cung cấp hướng dẫn chi tiết về cách sử dụng kính lục phân để đo vị trí hiện tại của con tàu bằng cách quan sát Mặt Trời, Mặt Trăng, các vì sao và đường chân trời. Tuy vậy, sự có mặt của cuốn sách này trên tàu chỉ là một nghi lễ, vì từ lâu Hải quân Mỹ đã quen sử dụng hải đồ điện tử dựa vào hệ thống định vị toàn cầu GPS, Nikkei Asia cho biết.
Nhưng mối đe dọa chiến tranh điện tử từ các đối thủ như Trung Quốc, buộc Hải quân Mỹ phải xem xét khả năng sử dụng lại hệ thống định vị được cho là lạc hậu, nhằm chuẩn bị cho kịch bản hệ thống GPS bị đối phương vô hiệu hóa.
Kết hợp cổ xưa và hiện đại
Tháng 8/2020, USS Patriot, một tàu quét mìn lớp Avenger của Hải quân Mỹ đóng quân tại cảng Sasebo, Nhật Bản đã vượt qua quãng đường 1.700 km xuống vùng biển phía tây chỉ dựa vào định vị thiên văn.
Một hoa tiêu đang dùng kính lục phân để tính toán vị trí con tàu trên Thái Bình Dương. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Cứ mỗi buổi trưa, các thủy thủ sẽ lấy kính lục phân, một công cụ đo đạc tồn tại hàng thế kỷ, để đo góc của Mặt Trời tại điểm cao nhất trong ngày. Dữ liệu sẽ được đưa vào một chương trình máy tính có tên hệ thống ước tính vĩ độ và kinh độ theo phương pháp thiên văn, còn gọi là STELIA.
Các thủy thủ cũng quan sát khoảng cách góc giữa đường chân trời và Mặt Trăng, các hành tinh và các ngôi sao để tính toán kinh độ và vĩ độ. Trên tháp chỉ huy, đội điều hướng gồm thuyền trưởng, sĩ quan cấp dưới và hoa tiêu sử dụng dữ liệu đo đạc thủ công để điều khiển con tàu.
Điều hướng thiên văn đã biến mất khỏi chương trình giảng dạy của Học viện Hải quân Mỹ từ năm 2006, vì bị cho là lỗi thời. Nhưng từ năm 2015, kỹ thuật này đã được đưa trở lại vào chương trình, để dạy cho các sinh viên cách đo lường và áp dụng toán học để xác định vị trí.
Việc đưa chương trình điều hướng thiên văn vào giảng dạy trở lại được thúc đẩy bởi sự thừa nhận rằng lực lượng vũ trang Mỹ ngày càng phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống kỹ thuật số. Một đòn tấn công vào hệ thống GPS mà quân đội Mỹ đang dựa vào, có thể làm hạn chế năng lực của quân đội mạnh nhất thế giới.
Mối quan tâm này càng trở nên cấp bách khi Trung Quốc đầu tư mạnh vào tác chiến điện tử và không gian mạng.
Peter Singer, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ, cho biết trận chiến mở màn cuộc chiến lớn tiếp theo sẽ diễn ra trong im lặng. Nói cách khác đó là cuộc chiến trong không gian mạng.
Nếu giao tiếp kỹ thuật số bị tấn công, Hải quân Mỹ buộc phải dựa vào thế giới tự nhiên, dựa vào tai, mắt để tồn tại, đó là lý do cho sự trở lại của kính lục phân.
Học cách định vị của loài chim
Ông Singer cho rằng bên cạnh hệ thống định vị thiên văn có từ thế kỷ 18, Mỹ nên nghiên cứu một hệ thống định vị khác thông minh hơn để điều hướng cho tàu thuyền, hay dẫn đường cho tên lửa mà không cần dựa vào GPS, tương tự cách loài chim di cư hàng năm.
Một thủy thủ đang nghiên cứu cách tính toán kinh độ, vĩ độ dựa vào cuốn sách của Bowditch. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
“Cách chúng (loài chim) di chuyển không phải là học thuộc lòng, mà đó là cách chúng cảm nhận từ trường Trái Đất. Một số loài côn trùng cũng có thể làm điều này, vì vậy cần nghiên cứu sâu để phát triển phiên bản kỹ thuật số cách di chuyển của loài chim”, ông Singer nói.
Cơ quan Nghiên cứu các Dự án Quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ đang theo đuổi dự án Hệ thống Điều hướng thích ứng, một kỹ thuật điều hướng có thể hoạt động trong tòa nhà, dưới tán cây rậm rạp, dưới nước và lòng đất. Hệ thống này được cho là vượt trội so với GPS.
Trong tháng 2, một nhóm các nhà khoa học đã công bố báo cáo cho biết các loài chim có thể sở hữu hệ thống GPS toàn cầu.
“Khả năng điều hướng chính xác của những con chim nhỏ bé thật đáng kinh ngạc, khi chúng di chuyển một mình trên biển, qua sa mạc rộng lớn và vượt qua những điều kiện thời tiết khắc nghiệt là một trong những bí ẩn lâu dài về sinh học hành vi”, một nhà khoa học Anh viết trên Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Đây có thể là câu trả lời mà quân đội Mỹ đang tìm kiếm trong nhiệm vụ phòng thủ trước các hoạt động tác chiến điện tử của Trung Quốc và những đối thủ khác.
Billy Fabian, nhà phân tích cao cấp tại công ty phân tích dữ liệu Govini, cho biết việc chuẩn bị cho kịch bản liên lạc kỹ thuật số bị gián đoạn là rất quan trọng, khi xét đến cuộc đối đầu tiềm tàng với Trung Quốc.