PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), nhìn nhận tiêu chuẩn về chiều cao lan can tại khu vực ban công của các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đều được quy định rất chặt. Ông cũng đưa ra những khuyến nghị đối với việc lắp lưới bảo vệ ở khu vực ban công.
Lưới bảo vệ phải dễ dàng cắt bỏ
Về việc một số căn hộ lắp lưới bảo vệ để đảm bảo an toàn cho trẻ em ở khu vực ban công, cửa sổ, PGS.TS Trần Chủng thừa nhận đây là công cụ khá thuận tiện và hiệu quả ở các nhà chung cư hiện nay.
Song, ông lưu ý chất liệu của các lưới bảo vệ nên được lựa chọn cho đúng bởi nó liên quan đến đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.
"Theo quy định, khu vực ban công các tòa nhà có nhiệm vụ rất quan trọng là cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra hỏa hoạn, sự cố trong tòa nhà. Lực lượng cứu nạn sẽ dùng các phương tiện để đón người qua khu vực ban công", ông Chủng nói.
Vì vậy, phần khoảng trống bên trên lan can là rất cần thiết, tuyệt đối không được bịt kín hoặc gia cố bằng các loại hàng rào, lồng sắt. Nếu người dân lắp đặt lưới bảo vệ thì cần sử dụng loại vật liệu dễ cắt bỏ, không được quá kiên cố.
PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng). Ảnh: ASHUI. |
Qua vụ việc bé gái thoát nạn dù rơi từ tầng 12A của tòa nhà vừa xảy ra, ông Chủng cho rằng đây là sự việc cực kỳ hy hữu. Qua mỗi vụ việc, các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ nguyên nhân để tuyên truyền rộng rãi điều kiện an toàn tại chung cư.
Các gia đình sống ở chung cư nên quan sát, đánh giá lại mức độ an toàn ở hành lang ban công, cửa sổ nhà mình để điều chỉnh cho phù hợp; tránh các trường hợp đáng tiếc, nhất là ở đô thị lớn có mật độ chung cư dày đặc.
Lan can đúng tiêu chuẩn nhưng vẫn có thể tai nạn
Nói về độ cao lan can nhà chung cư, PGS.TS Trần Chủng cho hay các chi tiết này phải đúng tiêu chuẩn thì tòa nhà mới được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
"Quy chuẩn của Bộ Xây dựng đã rất rõ ràng về vấn đề này, những lan can chung cư, nhà cao tầng được quy định rõ chiều cao phải là 1,4 m. Quy định cũng nêu rõ cấu tạo của lan can không được có thêm các kết cấu để trèo lên được", tiến sĩ Trần Chủng nói.
Bên cạnh hành lang pháp lý về mặt kỹ thuật đã cụ thể, những đô thị có mật độ nhà cao tầng lớn cần chú trọng đến kiểm tra, kiểm soát các điều kiện an toàn. Các đơn vị thẩm tra địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước lĩnh vực xây dựng phải nghiệm thu chặt chẽ mới đưa vào sử dụng.
"Hành lang pháp lý và công cụ để chúng ta quản lý đã được đảm bảo. Tuy nhiên, những vụ việc tương tự vẫn xảy ra. Ta phải xem xét từng vụ việc để mổ xẻ nguyên nhân là gì", PGS.TS Trần Chủng nói.
Theo tiến sĩ Trần Chủng, nếu người dân lắp đặt lưới bảo vệ ở ban công thì cần sử dụng loại vật liệu dễ cắt bỏ, không được quá kiên cố. Ảnh: Đức Anh. |
Theo ông Chủng, có một vài nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn đáng tiếc thế này. Trong đó có việc khu vực ban công thường được người dân tận dụng làm nơi để đồ, trồng hoa, cây cảnh, vô tình biến thành các bậc để trẻ trèo lên, dễ dàng leo qua lan can.
Cùng với đó, ban công các tòa nhà tuyệt đối không phải nơi chơi đùa của trẻ nhỏ, đặc biệt khi không có người lớn trông coi. Ông đề nghị gia đình có trẻ em cần thường xuyên đóng cửa đi ra khu vực ban công, hạn chế mở cửa sổ có kích thước lớn, hạn chế kê giường, tủ, nội thất sát cửa sổ...
Theo quy chuẩn xây dựng nhà ở và công trình công cộng ở Việt Nam được Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, những nhà cao tầng hoặc chung cư có trẻ em dưới 5 tuổi sinh sống hoặc thường xuyên lui tới, lan can phải đạt tiêu chuẩn: Khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100 mm và không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can.
Đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng thì tại lô gia và sân thượng ở những vị trí cao từ 9 tầng trở lên thì chiều cao tối thiểu là 1,4 m. Lan can ở cầu thang và các vị trí khác là từ 0,9 m đến 1,1 m.
Bình luận