Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013), Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thống kê, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính. Để thực hiện việc này, đầu tháng 7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Cục Quản lý Xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật trực thuộc Bộ Tư pháp.
Đại diện Vụ Pháp luật hình sự - hành chính Bộ Tư pháp cho biết Luật Xử lý vi phạm hành chính đã nêu rõ: TAND Tối cao, các bộ - ngành, UBND các cấp có trách nhiệm kịp thời cung cấp thông tin cho Bộ Tư pháp về xử lý vi phạm hành chính để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. Định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo Bộ Tư pháp về công tác xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi quản lý của cơ quan mình. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu này mới chỉ là bước đầu.
Nếu có cơ sở dữ liệu quốc gia về vi phạm hành chính, việc xử lý sẽ thỏa đáng hơn đối với những trường hợp tái phạm. |
Đại tá Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (V19) - Bộ Công an, cho rằng việc có một cơ sở dữ liệu quốc gia về xử phạt vi phạm hành chính là hết sức cần thiết, bảo đảm việc thực hiện nghiêm minh pháp luật. Đơn cử như hành vi trộm chó, vì không có cơ sở dữ liệu nên rất khó phát hiện đối tượng tái phạm tại nhiều địa phương khác nhau để xử lý hình sự.
Theo ông Quân, Bộ Công an đang quản lý, xử phạt hơn 75% vụ vi phạm hành chính trên toàn quốc nhưng các dữ liệu chưa được kết nối thành một hệ thống. “Việc kết nối dữ liệu đòi hỏi phải có hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đi liền với đó là nguồn kinh phí không hề nhỏ mà hiện nay, chúng ta khó có thể đáp ứng được ngay” - ông Quân giải thích.
Dẫn chứng về ý tưởng thành lập cơ sở dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, ông Quân khẳng định nhiều nước trên thế giới đã thực hiện từ lâu và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, ở Việt Nam, để xây dựng được cơ sở dữ liệu này đòi hỏi phải trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị cho các chiến sĩ CSGT ở vùng nông thôn, miền núi có thể truy cập ngay vào hệ thống để kiểm tra, xử lý.
“Bộ Công an từng thảo luận với Bộ Giao thông Vận tải về việc xây dựng cơ sở dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông nhưng sau đó không thể thực hiện được vì có quá nhiều rào cản khó vượt qua” - ông Quân cho biết. Theo ông, chưa thể khẳng định khi nào có thể xây dựng được cơ sở dữ liệu thông suốt về xử phạt vi phạm hành chính bởi chỉ riêng ngành công an đã không dễ bảo đảm hàng loạt yêu cầu về quản lý của các đơn vị khác nhau.
Cần kết nối với dữ liệu hình sự
TS Nguyễn Ngọc Kỷ, nguyên cán bộ Cục Tin học nghiệp vụ Bộ Công an, cho rằng khi xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về vi phạm hành chính cần tính tới việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu hình sự để tránh tốn kém. “Chìa khóa” của những cơ sở dữ liệu này chính là dấu vân tay của mỗi công dân.
Ông Kỷ dẫn chứng từ năm 2005-2009, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật từng thí điểm thành công sản phẩm C@FRIS tại Công an TP Hà Nội. Theo đó, thông tin về các đối tượng hình sự trên địa bàn đã được cập nhật lên hệ thống. Nhờ vậy, cơ quan công an đã khám phá nhanh nhiều vụ phạm pháp hình sự khi đối tượng để lại dấu vân tay. Ông Kỷ không khỏi băn khoăn bởi tới nay, việc xây dựng cơ sở kết nối dữ liệu vẫn chưa có nhiều đột phá.