Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không trị 'xe vua' là thua cuộc

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN Nguyễn Văn Thanh một lần nữa khẳng định hầu như địa phương nào cũng có “xe vua”.

Ông Thanh cho rằng người dân nói có “xe vua” là do họ thấy tận mắt, còn các tỉnh chối không có “xe vua” cũng vì họ không muốn thừa nhận có chuyện “ưu ái - bảo trợ”.

- Khi còn làm cục phó Cục đường bộ (nay là Tổng cục Đường bộ), ông có nghe báo cáo về hiện tượng “xe vua”?

- Tôi nghe về hiện tượng đoàn “xe vua” âm ỉ lâu nay chứ không phải bây giờ mới nghe. Tôi tin hầu như địa phương nào cũng có “xe vua”, chỉ có điều không dễ bóc trần chân tướng “xe vua”. Ai cũng biết xung quanh câu chuyện “xe vua” là mối quan hệ làm ăn, chia chác, đó là lợi ích và khi được “ưu ái - bảo trợ” thì “xe vua” bất chấp hết.

Tôi từng gặp lãnh đạo sở giao thông vận tải một số địa phương, có nghe những vị lãnh đạo này nói không dám động đến những đoàn “xe vua”, dây vào lại có người khác can thiệp, mất thời gian lại còn thêm mệt thân.

- Khi ông nói hầu như địa phương nào cũng có “xe vua” tức là ông có thông tin, cơ sở về các đoàn “xe vua”?

- Cơ sở để nói có đoàn “xe vua” thì dễ thôi, hãy cứ về từng tỉnh và trực tiếp chứng kiến các đoàn xe vượt khổ, vượt tải chở đất cát, đá sỏi chạy rồng rắn, nghênh ngang ngoài đường. Chạy không sợ ai và không bị ai xử lý. Tại sao dám nghênh ngang thế?

- Ông nghĩ sao khi các cơ quan chức năng ở địa phương đều nói không nghe, không thấy “xe vua”?

- Khi Bộ GTVT làm quyết liệt việc xử lý xe quá khổ, quá tải, tôi có trực tiếp nói với Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Nếu không trị được các đoàn “xe vua” là thua cuộc, coi như không xử lý được vấn nạn xe quá tải”. Thực tế dù xe quá tải chạy trong cung đường ngắn, tức chạy trong địa bàn tỉnh, cũng là đã rất nguy hiểm. Nhưng giờ chúng ta thấy xe quá tải chạy xuyên các tỉnh, chạy từ Bắc vào Nam.

Nguy hiểm đầu tiên là sinh mạng của người tham gia giao thông khi đối diện với những xe quá khổ, quá tải. Còn về kinh tế, người dân bỏ tiền ra làm đường thì các xe này phá tan nát hết.

Ông Nguyễn Văn Thanh.
Ông Nguyễn Văn Thanh.

Còn để chứng minh có “xe vua”, chứng minh có sự bảo trợ cho “xe vua” lộng hành hoặc vạch mặt chỉ tên là rất khó. Việc tìm ra chứng cứ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đừng hỏi người dân chứng cứ đâu, người dân chỉ cung cấp thông tin, cung cấp hình ảnh những đoàn xe quá khổ, quá tải chạy ngang nhiên mà không ai xử phạt. Tôi nghĩ như vậy là quá đủ để phải cảm ơn người dân.

Theo tôi, phần đông đoàn “xe vua” chỉ dám lộng hành trong tỉnh vì được “bảo trợ”, không việc gì phải sợ. Vừa rồi, khi các tỉnh làm quyết liệt trong xử lý xe quá khổ, quá tải, số liệu của các địa phương báo cáo kết quả cho thấy toàn xử lý các xe của tỉnh khác.

Hình như xe trong tỉnh bị xử lý rất ít. Điều này có thể hiểu “xe vua” ở các địa phương đều có sự “gửi gắm”. Nói dễ hiểu, chỉ cần một vị có chức, có quyền trong tỉnh nói một câu “đó là xe của chú em, đó là xe của đứa cháu, để ý giúp tí”, vậy là đủ để các lực lượng chức năng ngại dây vào.

Còn chuyện người dân nói có, cơ quan chức năng lại chối không có “xe vua”, điều này dễ hiểu. Người dân họ tinh lắm. Hằng ngày họ thấy tận mắt những vi phạm của các đoàn xe mà không bị xử lý. Còn với lãnh đạo các cơ quan chức năng, đương nhiên là phải chối vì thừa nhận có “xe vua” là thừa nhận mình có quyền lợi trong đó, thừa nhận có “bảo trợ”, bao che.

- Có ý kiến nói “xe vua” thường đi theo đoàn, ngay lực lượng chức năng khi kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải cũng rất khó chặn cả đoàn xe?

- Trong ngành vận tải có một thuật ngữ mà nhà xe nào cũng biết, đó là “đóng hụi chết”. “Đóng hụi chết” rồi thì xe lưu thông không sao, thậm chí còn được xã hội đen bảo kê cho hoạt động. Còn nói lực lượng chức năng không dừng được cả đoàn xe là nói lấy lệ.

Tôi thấy việc người ta kêu ca rằng cân xe, kiểm soát quá khổ, quá tải ở các trạm xe làm cả đoàn xe dài phải chờ, gây ùn tắc. Cái này là đóng kịch thôi, đóng kịch để trạm cân phải rút.

- Ông có nói để vạch mặt, chỉ tên “xe vua” là rất khó, nhưng muốn dẹp “xe vua” thì vẫn làm được. Theo ông, cần những giải pháp nào để dẹp “xe vua”?

- Muốn dẹp “xe vua” chỉ có các cơ quan trung ương thì không làm được, nếu các đoàn của bộ về kiểm tra mà tỉnh vẫn “bảo trợ” thì khi đoàn kiểm tra rút về, “xe vua” lại ra đường. Với các đoàn “xe vua”, thông thường đều có tên nhà xe hoặc “lệnh bài” để nhận biết. Sự kinh khủng của “xe vua” là những đoàn xe này dám chở vượt tải đến 200-300%, gây bất ổn cho xã hội.

Nhiều người nói với tôi là không thể dẹp được “xe vua”, tôi không nghĩ vậy.

Đầu tiên phải có chế tài xử phạt nặng với ba ông, đó là ông chủ hàng, ông chủ xếp dỡ, ông chủ vận tải. Cả ba ông này làm gì cũng có hóa đơn. Tại sao xe có 16 tấn mà cứ nhắm mắt cho xếp tới 40 tấn? “Đánh” ba ông này đầu tiên rồi mới trị đoàn “xe vua”.

Thứ hai, phải bố trí trạm cân tại tất cả trạm thu phí. Xe nào quá tải nghiêm trọng cho xử phạt nóng, các xe khác phạt nguội qua hình ảnh.

Thứ ba, công bố số điện thoại nóng của tất cả địa phương để người dân tố cáo về các đoàn “xe vua”. Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương.

Chỉ cần có hình ảnh, có bằng chứng các đoàn xe vượt khổ, vượt tải chạy ngang nhiên ngoài đường, bất chấp luật lệ mà vẫn không có ai đứng ra xử lý, khi đó đưa ra xem xét trách nhiệm của ba ông gồm chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc công an tỉnh, giám đốc sở giao thông vận tải tỉnh.

Nếu xử lý tốt trách nhiệm ba vị này, tôi tin không còn các đoàn “xe vua” lộng hành.

Thêm lãnh đạo địa phương nói không có “xe vua”

Liên quan đến hoạt động của xe quá tải chở quặng sắt trên tuyến ĐT 269 khiến dư luận đặt nghi vấn là có “xe vua”, ông Dương Ngọc Long - chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - cho rằng có thể xảy ra chở lén lút, xe quá tải không thể chạy ngang nhiên, chạy thành đoàn.

“Tôi khẳng định không có lãnh đạo tỉnh nào lại bảo kê cho các doanh nghiệp làm sai. Còn cấp huyện tôi tin cũng không có vì tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, có việc làm sai trái thì xử lý rất nghiêm. Cán bộ làm sai thì thay, có thông tin dư luận phản ảnh không tốt mà chưa đủ điều kiện xử lý hình sự hoặc hành chính thì chúng tôi điều chuyển vị trí công tác. Còn những chỗ thiếu sót, khuyết điểm mà báo chí, nhân dân phản ảnh thì tỉnh tiếp thu. Cái gì nhân dân có ý kiến, tỉnh tập trung vào xử lý” - ông Long nhấn mạnh.

Trước đó sáng 1/8, có mặt trên tuyến ĐT 269 từ thị trấn Chùa Hang đi thị trấn Trại Cau (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên), PV không khỏi bất ngờ khi tuyến đường mới đưa vào sử dụng từ năm 2006, nay gần như trở thành đường rải đá cấp phối.

Phần lớn mặt đường từ xã Linh Sơn đến xã Nam Hòa chỉ còn đá dăm với ổ gà xen lẫn, không còn dấu tích của thảm nhựa đường, nhiều đoạn trở thành đường đất. Hầu như không có loại ôtô nào hoạt động trên tuyến đường này ngoài xe tải chở quặng từ mỏ sắt Trại Cau.

Một người dân thị trấn Trại Cau nói: “Ngày trước xe chở quặng đầy có ngọn, giờ vơi rồi. Từ tháng 6, nghe nói cấm xe 3-4 chân (trục) chở quặng nhưng cứ đến 2-3h sáng nó lại chạy cả đoàn, nhà hai bên đường rung rinh. Mọi người cứ bảo là “xe vua” vì không thấy ai bắt. Chỉ có dân thì nắng chịu bụi, mưa chịu lầy. Cứ ra đường là bẩn hết quần áo, ban đêm không dám đi xe máy, sợ xe chạy bạt mạng va vào”.

Người này vừa dứt lời thì ba chiếc xe tải loại ba trục có thùng hàng cao khoảng 2 m được cơi thêm khoảng 30 cm của Công ty cổ phần hợp kim sắt Trung Việt nối đuôi nhau chạy vụt qua trên đoạn đường đầy bùn đất và đá dăm rơi vãi.

Theo quy định, tuyến ĐT 269 chỉ cho phép xe tải có tổng tải trọng 25 tấn và xe đảm bảo phân bố tải trọng 10 tấn/trục hoạt động, xe ba trục không được chở quặng. Nhưng với những chiếc xe ba trục có cơi nới thùng xe đang hoạt động trên tuyến này, một tài xế ước đoán nếu chở quặng sắt phải lên 50-60 tấn, còn chở đất cũng lên 30-35 tấn.

Dù vậy, suốt từ sáng đến 13h30 ngày 1/8, cả tuyến ĐT 269 vốn nát bươm từ xã Linh Sơn đến thị trấn Trại Cau không hề thấy bóng dáng cảnh sát giao thông hay thanh tra giao thông.

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/621356/khong-tri-xe-vua-la-thua-cuoc.html

Theo Xuân Long/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm