Là nghệ nhân truyền đời thứ 20 theo nghiệp tranh của gia đình, năm 2007, sau khi rời bục giảng Đại học Mỹ thuật về hưu, ông Chế đã đề nghị địa phương cho thuê mảnh đất bên chân sông Đuống của làng để xây dựng "Trung tâm văn hóa dân gian truyền thống" mà ông hay gọi thân mật là xưởng tranh. Ông chia sẻ, với hơn 3 tỷ đồng đầu tư ngày ấy, giờ xưởng tranh đã trở thành điểm du lịch quen thuộc của nhiều đoàn khách tham quan trong và ngoài nước, giá trị kinh tế lên tới cả chục tỷ đồng.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, một trong hai nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Đông Hồ. Ảnh: Diệp Sa |
Thời gian đầu, để quảng bá cho tranh Đông Hồ và xưởng tranh của gia đình, ông huy động cả nhà tham gia tất cả các hội chợ làng nghề, thương mại, kinh tế, quyết không bỏ sót một sự kiện nào. Qua mỗi hội chợ, tranh nhà ông bán được ít hay nhiều không quan trọng, mà điều ông tâm đắc nhất là khách tham dự biết được rằng tranh Đông Hồ còn đang sống, đang phát triển. Được tổng cục du lịch tạo điều kiện, ông đã đi nhiều nước giới thiệu với khách quốc tế về nghề làm tranh Đông Hồ.
Một trong hai vị nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Đông Hồ nhớ lại, một vài năm đầu thành lập xưởng tranh là thời gian đem lại doanh thu tốt nhất cho gia đình. Mỗi ngày xưởng đón nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước tới tham quan và mua tranh, đông vui, tấp nập từ sáng tới chiều tối. Khách tới đông nhất là vào dịp Tết. Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước còn xin ông cho ở lại đón Tết, ăn Tết tại xưởng tranh. Do nhu cầu từ khách, xưởng nhà ông mở cửa cả năm, chỉ trừ ngày mồng 1 Tết.
Làm tập trung trong 2 - 3 ngày cho ra một loạt vài trăm bức tranh có giá 15.000 đồng/ bức. Ảnh: Diệp Sa |
Xưởng tranh ông Chế không chỉ chuyên về tranh mà chia ra kinh doanh nhiều dịch vụ như tham quan quy trình làm tranh thủ công, tạc tranh gỗ, bán tranh; khu giải khát, nhà hàng ăn uống phục vụ khách đặt trước. Thời gian đó tranh Đông Hồ còn là món quà Việt Nam đặc biệt hấp dẫn với du khách quốc tế. Nhiều nhà sưu tầm tranh từ các nước tới xưởng tranh ông Chế không tiếc tiền bỏ ra để rinh về những bức tranh Đông Hồ xịn, đẹp, mang lại doanh thu cho xưởng lên tới mấy trăm đô la một ngày.
Tranh Đông Hồ 15.000 đồng/bức chưa đóng khung. Ảnh: Diệp Sa |
Tranh do các con ông Chế làm tại chỗ có giá 15.000 đồng/bức chưa có khung và khoảng 100.000 đồng/bức đóng khung gỗ. Anh Nguyễn Ngọc Chiến, con rể ông Chế, vừa in tranh vừa chia sẻ, một ngày làm tối đa anh có thể in được 200 - 300 lượt tranh nhưng mỗi ngày chỉ in được một màu. Tranh in Đông Hồ làm thủ công, mỗi khuôn in cho ra một màu khác nhau. In hết một bộ khuôn để cho ra một loạt mấy trăm tranh cũng phải mất vài ba ngày. Hiện tranh Đông Hồ xuất từ xưởng đi khắp cả nước, được bán tại cửa hàng tranh nhà ông Chế ở phố Chân Cầm (Hà Nội) nhiều năm nay, có mặt tại bảo tàng dân tộc học, các điểm du lịch văn hóa nổi tiếng như phố cổ Hội An, Huế, TP.HCM…
Ngoài tranh in, xưởng tranh Đông Hồ còn có tranh khắc gỗ do anh Nguyễn Đăng Tám, con trai thứ của lão nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế thực hiện. Anh Tám chia sẻ, người chơi tranh thường chơi theo bộ. Một bộ tranh gồm 4 bức anh phải mất tầm 1 tháng để hoàn thành. Tranh khắc gỗ thô có giá khoảng 10 triệu đồng/bộ, nếu được sơn phủ sẽ đẹp hơn, giá lên tới 40 triệu đồngbộ.
Một bộ tranh khắc gỗ được anh Tám làm trong khoảng 1 tháng, có giá từ 10 đến 40 triệu đồng. Ảnh: Diệp Sa |
Cả nhà ông Chế sống dựa hết vào tranh, vui mừng vì doanh thu ổn định nhưng ông chia sẻ, thực tế, doanh thu đang dựa phần lớn vào thú chơi tranh Đông Hồ đã trở lại với khách trong nước chứ không phải từ nguồn khách nước ngoài. Lượng tranh nhà ông xuất đi khắp các tỉnh thành bắt đầu tăng, nhiều người chơi tranh còn tìm tới tận nhà xin mua lại tranh sưu tầm của cụ với giá cao.
Chỉ vào bộ tranh cổ được treo trang trọng trên tường nhà, ông tiết lộ: “Có khách tìm tới trả 2.500 đô, năn nỉ tôi bán mà tôi không bán. Hiện tôi đang có khoảng chục bộ tranh cổ đáng giá cả gia tài nhưng tôi phải để đó cho dân chơi tranh họ thèm, họ ngắm tôi mới khoái. Đời nào tôi chịu bán!”
Tự hào giới thiệu về gia tài tranh vô giá của mình, ông Chế cho biết, bộ tranh cổ nhất cụ sưu tầm được là bộ Thạch Sanh có tuổi cả trăm năm. Sau đó còn nhiều bộ như bộ Kiều, bộ Sơn Tinh Thủy Tinh, Tố nữ… 250 bộ tranh theo các đề tài khác nhau được cụ sưu tầm, cụ dự định in thành sách vào cuối năm nay bán cho những người yêu tranh Đông Hồ.
Bộ tranh cổ Quang Trung - Nguyễn Huệ có khách tìm tới trả 2.500 đôla nhưng cụ Chế quyết không bán. Ảnh: Diệp Sa |
Nói về thu nhập, lão nghệ nhân chia sẻ, rất khó để thống kê hết các nguồn thu của gia đình cụ từ tranh Đông Hồ nhưng để đảm bảo cho các con cháu có cuộc sống tốt từ nghề tổ thì mỗi tháng nhà ông phải thu về ít nhất 50 triệu đồng. “Nếu không lo được kinh tế cho các con các cháu thì tôi có bảo chúng nó theo nghề cũng khó. Cả làng giờ người ta đổ xô đi làm vàng mã, thu nhập cả tỷ đồng một tháng. Làm kinh tế tốt thì mới có sức mà tiếp tục yêu nghề, gìn giữ và phát triển nghề tổ truyền đời lại được”, ông nói.
Sắp sang tuổi 80, dáng người nhanh nhẹn, ánh mắt sáng, đầu óc thông tuệ, ông Chế vẫn là trụ cột vững chắc cho con cháu toàn gia. Ông vui mừng chia sẻ: “Vừa rồi nhà nước đã phê duyệt dự án 60 tỷ xây dựng bảo tàng tranh Đông Hồ với diện tích khoảng 2.000 m2 ở giữa làng. Anh con cả Nguyễn Đăng Tâm nhà tôi đã được tỉnh cử đi tập huấn tại Nhật để đảm nhận vị trí quản lý bảo tàng tranh. Vậy là rồi Đông Hồ sẽ sống thôi!”