Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lào kêu gọi đối thoại để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nói ông sẽ thúc giục các nước liên quan tổ chức đối thoại hướng tới biện pháp giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình.

Phát biểu của Thủ tướng Thongloun được đánh giá quan trọng, do năm nay Lào giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN.

"Với tư cách chủ tịch ASEAN, Lào sẽ nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho các cuộc đối thoại tích cực giữa những quốc gia tranh chấp", ông Thongloun nói với hãng Nikkei (Nhật Bản). Ông cũng đề nghị các nước kiềm chế, tránh có hành động có thể khiến căng thẳng gia tăng.

Lao hoi thuc giai quyet tranh chap Bien Dong song phuong anh 1
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh: Reuters

Trung Quốc những năm qua đòi hỏi các nước liên quan đối thoại song phương để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, trong khi quan điểm của nhiều nước (trong đó có Việt Nam) là nên đàm phán đa phương.

Bắc Kinh phản đối việc đưa vấn đề này ra thảo luận ở những diễn đàn đa phương hoặc sử dụng các biện pháp pháp lý, như vụ kiện do Philippines khởi xướng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình từng cho biết lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, đã được nhắc lại nhiều lần. Ông Bình lý giải, đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước, Việt Nam theo đuổi biện pháp giải quyết song phương, đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, ví dụ như quần đảo Trường Sa, thì không thể chỉ giải quyết song phương mà cần có sự tham gia của các bên liên quan.

"Những vấn đề liên quan đến các nước ngoài khu vực, ví dụ như vấn đề an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, thì phải được bàn bạc, giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và chung mối quan tâm", ông Bình cho hay trong một tuyên bố hồi tháng 4.

Lao hoi thuc giai quyet tranh chap Bien Dong song phuong anh 2
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng và đòi hỏi giải quyết tranh chấp với từng nước riêng rẽ. Đồ họa: WSJ

Trước đó, Philippines và Việt Nam nhiều lần phản đối các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của các nước láng giềng trên Biển Đông, đồng thời đề nghị ASEAN đưa ra lập trường thống nhất về vấn đề này.

Thủ tướng Lào bày tỏ lập trường thận trọng trước khả năng đưa ra một tuyên bố chung như vậy. Ông cho biết ASEAN hoạt động theo cơ chế cần có sự đồng thuận từ tất cả các thành viên và nhóm "sẽ cân nhắc nghiêm túc tình hình" trước khi ra quyết định.

Ông Thonglun được bầu làm thủ tướng Lào hồi tháng 4. Vào giữa tháng này, ông Thongloun đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đây cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị thủ tướng. Hiện ông Thongloun đang dự hội nghị G7 mở rộng ở Nhật Bản.

Hồi tháng 4, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thông báo nước này đạt thỏa thuận riêng với Lào, Campuchia về Biển Đông. "Vấn đề Biển Đông không phải tranh chấp giữa Trung Quốc và ASEAN. Nó không ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc - ASEAN", Reuters trích lời ông Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp báo tại thủ đô Vientiane, Lào ngày 23/4.

Lầu Năm Góc: Trung Quốc xây tường cô lập với thế giới

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho rằng Trung Quốc có thể dựng bức tường thành cô lập khi thực hiện các hành động mở rộng quân sự ở Biển Đông và tấn công mạng công ty Mỹ.


Minh Anh

Bạn có thể quan tâm