Các lao động nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, đã bắt đầu quay trở lại làm việc tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) với số lượng dự kiến tăng gấp rưỡi so với năm trước nhưng hơn nửa trong số này chưa được cấp giấy phép lao động.
Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, nhiều lao động Trung Quốc hiện chỉ cư trú tại Ninh Thuận nhưng sang làm việc tại nhà máy ở Bình Thuận.
Một nhóm người Trung Quốc đi mua sắm tại xã Vĩnh Tân vào chiều 18/4 |
Ngủ tại Ninh Thuận, làm ở Bình Thuận
Sau một thời gian tạm lắng, các cửa hàng chuyên phục vụ cho khách Trung Quốc hoạt động nhộn nhịp trở lại trên địa bàn xã Vĩnh Tân. Nhiều quán ăn từ bình dân đến sang trọng có phòng máy lạnh đều treo bảng hiệu song ngữ Việt - Hoa. Một số người Trung Quốc nhận thấy lượng khách hàng đồng hương ổn định tại đây nên đã hùn hạp với người dân bản địa mở quán ăn và các loại hình kinh doanh khác.
Dạo một vòng quanh khu vực này có thể dễ dàng nhận thấy các cửa hàng gắn bảng Việt - Hoa ghi Quán ăn Nhà nông, Nhà hàng Huệ Phong 88, chưa kể nhiều cửa hàng khác chỉ ghi bảng hiệu tiếng Hoa vì đối tượng khách hàng chủ yếu là lao động Trung Quốc.
Tại khu vực đối diện với cổng chính của Trung tâm điện lực Vĩnh Tân hiện đang hình thành một cơ sở được quảng cáo hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vận chuyển hàng hóa, cung cấp vật tư, bảo hiểm, khí công nghiệp.
Ông Phan Cúc (trưởng thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân) cho biết từ sau tết, lao động Trung Quốc đến Vĩnh Tân nhộn nhịp trở lại. “Họ sinh hoạt trong các nhà máy, chiều mới ra ngoài ăn uống. So với lúc trước, tình hình hiện nay ít lộn xộn hơn. Công an huyện Tuy Phong có đặt một đồn công an gần UBND xã để đảm bảo an ninh trật tự” - ông Cúc cho hay.
Bà Lê Thị Bảy (chủ cửa hàng tạp hóa tại ngã ba xóm 7, thôn Vĩnh Phúc) cho hay lao động người Trung Quốc ra ngoài mua hàng hóa thường hỏi giá rất kỹ, mặc đồ, sinh hoạt ăn uống cũng giống như người Việt.
“Họ cũng ăn cơm tiệm bình dân giống như công nhân, có khi đi chợ mua đồ về nấu ăn. Dân ở đây bán đồ cho họ cũng với giá như bán cho dân địa phương chứ không bán đắt hơn” - bà Bảy nói.
Theo thống kê của UBND tỉnh Ninh Thuận, vào tháng 3/2016 tại địa phương này có gần 1.500 lao động tạm trú với thị thực đi du lịch, trong đó có 98 người Trung Quốc làm việc tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân của Bình Thuận nhưng lại tạm trú tại Ninh Thuận.
Địa điểm ngủ qua đêm của nhóm lao động này nằm tại khu vực biển Cà Ná (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận), giáp ranh với xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận).
Trong một báo cáo, cơ quan chức năng Ninh Thuận cho biết nhóm lao động này có biểu hiện phức tạp trong đi lại, quan hệ cá nhân ảnh hưởng đến tình hình trị an của địa phương.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, số lao động Trung Quốc tạm trú tại Ninh Thuận khai báo làm việc ở Vĩnh Tân (Bình Thuận) nên cơ quan quản lý lao động của phía Ninh Thuận chưa có biện pháp để xác minh là họ có dùng cách cư trú này để đi lao động chui hay không.
Phần lớn là lao động chui
Trước đó vào tháng 6/2015, Tuổi Trẻ đã từng phản ánh tình trạng nhà thầu Trung Quốc rao tuyển 1.844 người, nhưng đưa các yêu cầu tuyển dụng “trên trời” về ngoại ngữ, kinh nghiệm... với mức lương chỉ khoảng 12-15 triệu đồng/tháng nên không tuyển được bao nhiêu lao động người VN.
Và theo quy định hiện nay, trong thời hạn tối đa hai tháng kể từ ngày nhận được đề nghị tuyển từ 500 lao động trở lên mà phía VN không giới thiệu hoặc cung ứng lao động cho nhà thầu, chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định việc nhà thầu được tuyển người lao động nước ngoài.
Việc xuất hiện tình trạng lao động Trung Quốc làm việc “chui” tại Vĩnh Tân, theo kiểu “lách” là cư trú ở Ninh Thuận nhưng qua Bình Thuận làm việc, được xem là bước chuẩn bị cho việc hợp thức hóa các quy định liên quan đến việc tuyển lao động nước ngoài của nhà thầu này.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, số lao động Trung Quốc của tổng thầu EPC Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 hiện tại có 289 người (cư trú tại Cà Ná, Ninh Thuận và Tuy Phong, Bình Thuận). Thế nhưng chỉ có 159 người trong số này được ký kết hợp đồng và đóng bảo hiểm, số còn lại (gồm nhiều người cư trú ở Ninh Thuận nhưng làm việc tại Bình Thuận) không có giấy phép lao động.
Nguồn tin này cũng cho biết số lao động không có giấy phép này đang được tổng thầu EPC Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 làm hồ sơ để được cấp phép. Đặc biệt, trong năm 2016, số lao động người Trung Quốc hoạt động tại Vĩnh Tân là gần 500 người, tăng hơn gấp rưỡi so với năm 2015 là 310 người.
Chiều 18/4, trao đổi với Tuổi Trẻ về hiện tượng lao động Trung Quốc “chui”, cư trú ở Ninh Thuận nhưng làm việc tại Bình Thuận, một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Bình Thuận cho biết cuối tháng 4/2016 sẽ có đoàn liên ngành của lực lượng chức năng đến kiểm tra tình hình sử dụng lao động nước ngoài tại Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, trong đó có nội dung kiểm tra như PV Tuổi Trẻ nêu.
Trong khi đó, một cán bộ của Sở LĐ-TB&XH Bình Thuận cũng cho hay trong năm 2015, cơ quan này đã rà soát lại nhu cầu lao động thực tế tại Vĩnh Tân 1 và yêu cầu phía nhà thầu đưa ra cụ thể số lượng lao động cần tuyển hằng năm. Dựa trên nhu cầu đó, phía Bình Thuận đã cấp giấy phép cho 25 chuyên gia Trung Quốc vào làm việc ở Vĩnh Tân 1 trong năm 2015.
“Đây là dự án của trung ương. Họ đưa lao động vào thì xin trực tiếp đến UBND tỉnh. Chúng tôi đã làm nhiều cách để ngăn chặn nạn sử dụng lao động nước ngoài không phép tại Vĩnh Tân nhưng họ có nhiều cách để lách nên rất khó kiểm soát” - vị này cho biết.
Dự án Vĩnh Tân 1 được khởi công tháng 6/2015 (hình thức BOT, chủ đầu tư là Tập đoàn Lưới điện Phương Nam Trung Quốc chiếm 95% vốn, 5% còn lại của Tổng công ty Khoáng sản VN - Vinacomin). Tổng thầu chính của dự án là liên doanh tổng thầu của Viện Nghiên cứu thiết kế điện lực Quảng Đông và Công ty Điện lực Quảng Đông (Trung Quốc).
Thời gian qua, nhà thầu chủ yếu hoàn thiện mặt bằng chính của nhà máy và việc xây dựng cơ bản, xử lý nền móng cho hệ thống móng của ống khói và móng nồi hơi đã khởi công lắp đặt kết cấu thép vào ngày 1/3 cùng với một số hạng mục khác.
Trong một báo cáo mới nhất, tổng thầu EPC Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 thừa nhận có tình trạng lao động người Trung Quốc làm tại Vĩnh Tân nhưng cư trú ở Ninh Thuận. Theo đó, người của chủ đầu tư và tổng thầu hiện nay đang cư trú tại các khách sạn ở Cà Ná, Ninh Thuận. Còn lao động của các nhà thầu phụ đang cư trú tại các khách sạn của huyện Tuy Phong (Bình Thuận).